Vụ án lừa đảo hàng chục tỷ đồng ở Sơn La: Bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt, chỉ xin làm rõ nguồn tiền nằm ở đâu

(PLVN) - Tại tòa, bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt mà chỉ mong muốn hội đồng xét xử làm rõ nguồn tiền mà bị cáo chiếm đoạt của các bị hại và đã chuyển qua cho bà Đặng Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1977 – cựu Trung úy Công an huyện Sốp Cộp) và ba người khác.
Bị cáo Quy không xin giảm nhẹ hình phạt nhưng đề nghị HĐXX làm rõ nguồn tiền trong vụ án này.
Bị cáo Quy không xin giảm nhẹ hình phạt nhưng đề nghị HĐXX làm rõ nguồn tiền trong vụ án này.

Hôm nay (31/7), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm Đào Thị Quy (SN 1977, trú tại bản Hua Mường, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La.

Được trình bày tại tòa, bà Trần Thùy Dung (trú tại tổ 9, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã) cho biết lý do kháng cáo của bà là số tiền mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xác định chỉ có hơn 13 tỷ nhưng tại phiên xử phúc thẩm cả bị cáo và bà Dung đều xác định là hơn 20 tỷ đồng và đề nghị HĐXX xem xét lại về số tiền án phí mà bà phải nộp trong vụ án này.

Chị Bùi Thị Thu Hà (trú tại số 156, tổ 10, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La – là bị hại của vụ án) cho biết số tiền mà bị cáo Quy lừa đảo là hơn 23 tỷ nhưng cơ quan tố tụng lại chỉ xác định có hơn 16 tỷ đồng, đồng thời chị Hà mong HĐXX xem xét về số tiền án phí ở phiên tòa sơ thẩm.

Chị Lường Thị Lý cùng những người bị hại khác kháng cáo về việc HĐXX cấp sơ thẩm đã không quy trách nhiệm đối với những người cho bị cáo mượn tài khoản ngân hàng và đề nghị HĐXX xem xét về hành vi đánh bạc theo hình thức chơi lô đề giữa bị cáo Quy và bà Vũ Thị Xuân Hồng (trú tại xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), bà Hoàng Minh Thế (là chị gái của Hoàng Minh Thỏa), anh Nguyễn Ngọc Dương (trú tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La).

Cuối cùng, các bị hại đều đề nghị HĐXX xem xét về đơn tố cáo của bị cáo Quy đối với bà Nhung, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét về vấn đề kê biên tài sản của bị cáo để hoàn trả lại một phần tiền cho các bị hại và đề nghị HĐXX hủy bán án sơ thẩm để điều tra lại về các nội dung trên.

Luật sư Cường hỏi bị cáo Quy về trách nhiệm dân sự đối với các bị hại.
Luật sư Cường hỏi bị cáo Quy về trách nhiệm dân sự đối với các bị hại.

Đại diện viện kiểm sát hỏi bị cáo, tin nhắn trong điện thoại của bị cáo thể hiện việc chơi lô đề của bị cáo. Về vấn đề này, bị cáo Quy cho biết đã gửi điện thoại và in ra giao nộp cho cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Sơn La và đã ký vào rất nhiều những văn bản này. Tuy nhiên, trong bản thống kê tài liệu hồ sơ vụ án chỉ có một số tài liệu thể hiện về việc đánh bạc của Quy.

Trả lời câu hỏi của Luật sư Đặng Văn Cường, (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bà Dung, chị Hà và chị Lý), bị cáo Quy khẳng định số tiền chuyển vào tài khoản của bà Hồng, bà Thế và anh Dương là tiền bị cáo chơi lô đề nên đề nghị cả 3 người này trả lại bị cáo để bị cáo hoàn trả lại một phần cho các bị hại. Đồng thời, bị cáo Quy cũng khẳng định rằng bà Nhung hiện đang lấy số tiền hưởng lợi của bị cáo là 50 tỷ đồng.

Đối với quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm bị cáo Quy khẳng định đã đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ nguồn tiền mà bị cáo chiếm đoạt của các bị hại đã chuyển qua cho bà Nhung và bà Hồng bà Thế và anh Dương nhưng đều không được chấp thuận.

Tại tòa, công tố viên thừa nhận việc bị cáo thừa nhận trách nhiệm dân sự như nội dung kháng cáo đồng thời đề nghị HĐXX xem xét sửa phần án phí đối với những người bị hại và xem lại phần trách nhiệm dân sự của bị cáo đối với người bị hại.

Về vấn đề sai lệch hồ sơ vụ án như bị cáo trình bày – bị hại và bị cáo có quyền làm đơn gửi tới cơ quan điều tra của VKSND tối cao để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối đáp lại quan điểm về phần án phí, Luật sư Cường cho hay tại tòa bị cáo Quy cũng thừa nhận nghĩa vụ phải trả cho các bị hại theo đúng nội dung giấy vay xác nhận nợ mà bị cáo đã ký với những người bị hại.

Thứ hai về phần kê biên tài sản, theo quy định của pháp luật thì việc chuyển quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Những tài sản là quyền sử dụng đất đang đứng tên bị cáo trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa đăng ký sang tên cho người khác thì đây vẫn là tài sản thuộc quyền sử hữu hợp pháp của bị cáo.

“Đáng ra, các cơ quan tố tụng phải kê biên tài sản này để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Sơn La không có bất kỳ văn bản nào ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của bị cáo. Bất ngờ hơn nữa, bản án sơ thẩm lại tuyên giao các tài sản đang đứng tên quyền sở hữu của bị cáo cho người khác mà không tuyên để kê biên, niêm phong, bán đầu giá để thực hiện trách nhiệm dân sự của bị cáo đối với những người bị hại”, Luật sư Cường phát biểu tại tòa.

Thứ ba là số tiền bị cáo chuyển cho bà Hồng, bà Thế và anh Dương để đánh lô đề, bị cáo cũng liên tục khẳng định đây là tiền bị cáo lừa đảo của các bị hại để chơi lô đề đồng thời cả 3 người này đều không chứng minh được số tiền bị cáo chuyển vào là vay nợ nên đề nghị thu hồi để trả lại cho người bị hại.

Thứ tư là vấn đề làm rõ trách nhiệm của người có liên quan, bị cáo lừa đảo nhiều người, sử dụng chức danh, tài khoản của những người khác trong đó có những cán bộ đã và đang công tác tại Công an tỉnh Sơn La.

Nói lời sau cùng, bị cáo Quy vẫn trình bày được làm rõ về nguồn tiền của các tài khoản trong vụ án này.

Theo đó, trong phần đối đáp, công tố viên có ý kiến thống nhất với quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại đưa ra và không tranh luận, đối đáp gì thêm.

Tuy nhiên, điều bất ngờ sau giờ nghị án HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác tất cả nội dung kháng cáo của các bị hại và bị cáo, không chấp nhận ý kiến của luật sư và phía đại diện viện kiểm sát.

Đọc thêm