Vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” ở Ba Vì, Hà Nội: Vì sao cựu Phó phòng TN&MT tiếp tục kêu oan?!

(PLVN) - Dự kiến ngày 24/8 tới, TAND TP Hà Nội sẽ  đưa 3 bị cáo nguyên là cán bộ xã Yên Bài và cán bộ huyện Ba Vì (Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Phiên xử phúc thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” tiếp tục bị hoãn trước đó.
Phiên xử phúc thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” tiếp tục bị hoãn trước đó.

Ai có trách nhiệm xác định về nguồn gốc đất?

Theo án sơ thẩm, năm 2008, sau khi nhờ người mua đất nông nghiệp tại xã Yên Bài (Ba Vì), bị cáo Bùi Thúy Nga (SN 1956, nguyên Phó phòng TN&MT) đã nhờ một số người (trong đó có bị cáo Nguyễn Bá Kiên, nguyên cán bộ địa chính xã Yên Bài) và Nguyễn Xuân Giúp (nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Bài) làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Sau đó, UBND huyện Ba Vì đã cấp  25 Giấy  CNQSDĐ đối với các thửa đất nêu trên.

HĐXX sơ thẩm xác định việc cấp Giấy CNQSDĐ này là không đúng trình tự, không đúng nguồn gốc… và hành vi của Nga, Kiên, Giúp đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 640 triệu đồng do  chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng. Theo đó, Nga bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù; Kiên và Giúp mỗi bị cáo bị phạt 36 tháng tù  về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Sau phán quyết nói trên, bị cáo Nga đã có đơn kháng cáo kêu oan và cho rằng bản thân không có hành vi làm trái công vụ và  vụ lợi. Thực tế trong vụ việc cấp 25 Giấy CNQSDĐ này, bị cáo đã thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của một Phó phòng TN&MT huyện, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) huyện Ba Vì.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hải Nam (Văn phòng Luật sư Trí Việt – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nga) cũng cho rằng, việc cáo buộc bị cáo Nga làm trái công vụ trong việc tham mưu cho UBND huyện Ba Vì cấp 25 Giấy CNQSDĐ năm 2008 là không có cơ sở.

Cụ thể, khi tiếp nhận 25 bộ hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ từ UBND xã Yên Bài, theo thẩm quyền thì bị cáo Nga đã phân công cho anh Phùng Quang Huy (cán  bộ VPĐKQSDĐ huyện Ba Vì) kiểm tra hồ sơ. Sau khi kiểm tra hồ sơ, anh Huy ký xác nhận đủ điều kiện cấp Giấy CNQSDĐ chuyển lãnh đạo. Bị cáo Nga xem xét, kiểm tra hồ sơ thấy đúng, đầy đủ đầu mục tài liệu theo quy định của pháp luật về cấp Giấy CNQSDĐ (thời điểm năm 2008) nên đã lập tờ trình chuyển UBND huyện Ba Vì cấp Giấy CNQSDĐ theo thẩm quyền.

Theo Điều 135 Nghị định 181/NĐ-CP thì thẩm quyền thẩm tra xác nhận về tình trạng tranh chấp đất đai, về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất và sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt... đối với thửa đất xin cấp Giấy CNQSĐD thuộc chính quyền địa phương (mà cụ thể là UBND xã Yên Bài) chứ không thuộc trách nhiệm của VPĐKQSDĐ hoặc Phòng TN&MT huyện.

Theo LS Nam, bị cáo Nga đã thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục luật định trong việc tham mưu cho UBND huyện Ba Vì để cấp GCNQSDĐ với 25 thửa đất.

Tờ bản đồ “địa chính hiện trạng” có tác dụng gì?

Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Nga đã có hành vi nhờ ông Trương Đức Tuyến (nguyên Tổ trưởng tổ kỹ thuật, thuộc VPĐKQSDĐ tỉnh Hà Tây) đo đạc, lập tờ bản đồ địa chính hiện trạng khu du lịch sinh thái văn hóa biệt thự nhà vườn, địa điểm tại thôn Quýt, xã Yên Bài; chỉ đạo ông Phùng Văn Hải (ở Sơn Tây, Hà Nội; hiện đã chết) viết hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ dựa theo tờ bản đồ trên và chỉ đạo ông Hải ký giả chữ ký trong hồ sơ.

Tuy nhiên, bị cáo Nga cho rằng, trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ thì UBND huyện Ba Vì cũng như các cơ quan tham mưu không hề căn cứ vào tài liệu nào gọi là “tờ bản đồ địa chính hiện trạng khu du lịch sinh thái văn hóa biệt thự nhà vườn” cả. Theo quy định về hệ thống sổ sách địa chính thì chỉ có “bản đồ địa chính” hoặc “bản đồ hiện trạng” chứ không có loại bản đồ nào “lẫn lộn” là “địa chính hiện trạng” cả.

Hơn nữa, nếu ai đó có vẽ bản đồ này thì đây cũng chỉ là dạng dự kiến “quy hoạch” dùng để triển khai dự án khu du lịch sinh thái trong tương lai chứ không phải là căn cứ pháp lý để cấp 25 Giấy CNQSDĐ cho hộ gia đình (đất ở). Vì vậy, không thể nói bị cáo nhờ đo vẽ bản đồ này để phục vụ cho việc cấp Giấy CNQSDĐ.

Ngoài việc phủ nhận sự tồn tại của cái gọi là tờ bản đồ địa chính hiện trạng như trên, bị cáo Nga đã liên tục phủ nhận lời khai của ông Tuyến về việc “chỉ đạo”  vẽ bản đồ. Trong khi đó, lời khai của ông Tuyến về việc bị Nga “chỉ đạo” trên lại đang mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với lời khai của hai người chỉ mốc giới và trực tiếp đo đạc (về việc khi đo đạc tờ bản đồ của ông Hải thì không có ông Tuyến lẫn bị cáo Nga).

Ngoài ra, lời khai của ông Vũ Văn Lãnh (nguyên Giám đốc VPĐKQSDĐ), lời khai ông Tuyến và chứng cứ do CQĐT Công an huyện Ba Vì xác minh tại VPĐKQSDĐ Hà Nội (Hà Tây cũ) đều không có cơ sở khẳng định VPĐKQSDĐ Hà Tây đo vẽ bản đồ “khu du lịch sinh thái” là theo yêu cầu của bị cáo Nga (không có hợp đồng đo vẽ; không có chứng cứ thể hiện VPĐKQSDĐ Hà Tây chuyển bản đồ gốc cho bà Nga).

Theo bị cáo Nga, không thể quy kết bị cáo nhờ ông Lãnh, ông Tuyến đo vẽ bản đồ này vì ông Hải là người cầm, giữ, sử dụng  bản gốc tờ bản đồ dự án khu du lịch sinh thái và đưa Nguyễn Bá Kiên (cán bộ địa chính xã Yên Bài) ký vào bản đồ. Vì vậy, tại phiên tòa tới đây, HĐXX cần làm rõ về sự xuất hiện và tác dụng của tờ bản đồ “địa chính hiện trạng” này trong việc cấp 25 GCNQSDĐ trong vụ án này.

Đọc thêm