Vụ ông già Việt kiều 70 tuổi kêu oan ở Lâm Đồng: Không đủ căn cứ kết tội bị cáo

(PLO) - Hơn 4 năm trôi qua với hai vòng tố tụng, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1947, Việt kiều Pháp) ròng rã kêu oan vì bị các cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng truy tố, xét xử về tội “Giao cấu với trẻ em”. Tại phiên tòa sơ thẩm vòng tố tụng thứ 2 ngày 17/5/2017, đại diện VKSND tỉnh Lâm Đồng đã thừa nhận CQĐT tắc trách, chủ quan trong quá trình lập hồ sơ vụ án và yêu cầu HĐXX cho rút hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung.
Vụ ông già Việt kiều 70 tuổi kêu oan ở Lâm Đồng: Không đủ căn cứ kết tội bị cáo

Báo PLVN ngày 16/3/2017 có bài “Vụ một doanh nhân kêu oan ở Lâm Đồng: Nghi án quýt làm, cam chịu?” phản ánh vụ ông lão Việt kiều Nguyễn Văn Đức ròng rã kêu oan suốt 4 năm qua về tội “Giao cấu với trẻ em”. Ông Đức từng bị TAND tỉnh Lâm Đồng kết án 5 năm tù về tội danh trên nhưng bản án sau đó bị hủy để điều tra lại. Tại phiên tòa sơ thẩm mở lại ngày 17/5, VKSND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đề nghị xử ông Đức 3 năm án treo nhưng sau màn tranh luận “nảy lửa”, nhận thấy căn cứ buộc tội bị cáo không vững chắc nên vị công tố đã đề nghị rút hồ sơ để điều tra bổ sung và Tòa chấp nhận. 

Suốt quá trình tố tụng vụ án, ông Đức kêu oan, cho rằng ông không thực hiện hành vi xâm hại cháu H. Ông Đức cũng xuất trình nhiều chứng cứ thể hiện bản thân ông bị bệnh hiểm nghèo: bị bệnh tim, tiểu đường, liệt dương, không có khả năng quan hệ tình dục. Đáng chú ý, đồng hành kêu oan với ông Đức còn có bà Vũ Ngọc Lan (SN 1961, chính là mẹ đẻ của người bị hại T.V.K.H) cho rằng cháu H bị xâm hại là do quan hệ yêu đương sớm, giao du, quan hệ với nhiều thanh niên xấu, từng bỏ nhà đi với bạn trai.

Nội dung vụ án thể hiện, đầu tháng 11/2013, cháu T.V.K.H (khi đó 15 tuổi, là con gái của bà Lan - người làm công sống trong trang trại của ông Đức ở huyện Bảo Lộc) phát hiện có thai. Cháu H kể với chị gái cùng cha khác mẹ việc trước đó đã bị ông Đức xâm hại nhiều lần trong thời gian dài, quan hệ liên tục, thậm chí có ngày vài lần. Sau đó cháu H được người chị dẫn đến Công an huyện Bảo Lộc tố cáo hành vi giao cấu với trẻ em của ông Đức. 

Ngày 26/11/2013, cháu H được Công an huyện Bảo Lộc đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) để phá thai và lấy mẫu giám định. Đáng nói, biên bản cơ quan điều tra khi lấy mẫu thai nhi của cháu H đi giám định ADN thì thể hiện người chị gái ký tên. Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm người chị gái khẳng định mình không có mặt khi đưa H đi phá thai và không ký tên vào biên bản này. Cháu H thì khai ông Tống Văn Hoàng là cha đẻ có mặt đưa đi phá thai và ký tên vào các biên bản. Tuy nhiên, các biên bản lập mẫu lại không hề có chữ ký của ông Hoàng. Bà Vũ Ngọc Lan- mẹ đẻ cháu H nghi ngờ và nói sẽ kiện việc điều tra viên “bí mật” đưa con gái mình - người bị hại chưa thành niên đi phá thai mà không có mặt của người giám hộ hợp pháp. 

Theo kết quả giám định ADN, mẫu thai nhi của cháu H do Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an phía Nam giám định, thể hiện ông Đức là cha đẻ bào thai trong người cháu H. Bản kết luận khẳng định đã sử dụng hết mẫu vật. Ông Đức khiếu nại, yêu cầu giám định lại tại Viện Pháp y Quân đội. Tuy nhiên, do không còn mẫu vật, Viện Pháp y Quân đội chỉ giám định số chất lỏng còn sót lại và cho biết không đủ căn cứ kết luận theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Tức không thể kết luận bào thai có phải là của ông Đức hay không. Trong chất lỏng còn sót lại có ADN của ít nhất 2 người nhưng không nêu rõ là của người nào.

Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên ông Đức 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”; phiên xử phúc thẩm sau đó TANDTC tại TP HCM tuyên hủy án để điều tra lại do có những vi phạm nghiêm trọng về nội dung và tố tụng. Tại phiên tòa sơ thẩm (vòng tố tụng thứ hai) ngày 17/5/2017, diễn biến khách quan thể hiện, trong hồ sơ vụ án có 2 kết luận giám định gồm kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và kết luận giám định lại của Viện Pháp y Quân đội.

Trong đó, Kết luận giám định số 2452 ngày 23/12/2013 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an ghi đã sử dụng hết mẫu vật. Vậy tại sao 9 tháng sau lại vẫn còn mẫu vật bàn giao cho Viện Pháp y Quân đội giám định lại. Đáng nói, kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội khẳng định “do không có mẫu thai nhi nên không đủ căn cứ kết luận theo yêu cầu. Như vậy, giữa hai cơ quan giám định không khớp nhau, thế nhưng cơ quan điều tra và Viện kiểm sát lại chọn kết luận giám định lần đầu để truy tố Nguyễn Văn Đức về tội “Giao cấu với trẻ em” là thiếu thuyết phục.

Cũng như tại các phiên tòa trước đó, ông Đức đưa ra các xét nghiệm của bệnh viện chứng tỏ bản thân bị bệnh tim, bị tiểu đường, liệt dương, hoàn toàn không có khả năng quan hệ tình dục mà lại bị cháu H tố cáo xâm hại cháu nhiều lần, liên tục, thậm chí ngày vài lần là vô căn cứ. Bị cáo cũng có nhiều đơn yêu cầu được đi giám định khả năng sinh lý, sinh sản nhưng trước đó không được chấp thuận. Quá trình tranh luận vụ án, các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng của cơ quan tố tụng, khẳng định không đủ căn cứ để kết tội bị cáo. 

Trước đó, vụ án đã nhiều lần được điều tra bổ sung nhưng vẫn không thể điều tra thêm chứng cứ để “siết tội” ông Nguyễn Văn Đức, tại phiên tòa ngày 17/5, thay vì phải tuyên bị cáo không phạm tội thì Tòa tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hy vọng phiên tòa sắp được mở lại tới đây, TAND tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn, công tâm tuyên bị cáo không phạm tội, trả lại danh dự cho doanh nhân Việt kiều Nguyễn Văn Đức. 

Đọc thêm