Vụ tai nạn giao thông khiến một người tử vong tại Phú Yên: Ai là người cầm lái?

(PLO) - Sau cái đêm định mệnh của cuộc vui men say, Lộc chết, Tài vướng vào lao lý. Tài cố nhớ từng chi tiết Tài chở Lộc hay Lộc chở Tài trong giây phút xảy ra tai nạn gây ra cái chết cho Lộc. Nhưng Tài chỉ nhớ, lúc rời quán karaoke, Tài ngồi sau lưng Lộc và thức dậy trong bệnh viện…
 Phiên tòa phải kéo dài đến 2 ngày.
Phiên tòa phải kéo dài đến 2 ngày.

Mâu thuẫn lời khai của nhân chứng

Sáng qua (12/11), TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với Phạm Minh Tài (SN 1996, ngụ huyện Đông Hòa, Phú Yên).

Theo hồ sơ vụ án, Tài và Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Quốc Sỹ Phát cùng là bạn thân. Khoảng 22h ngày 10/7/2017, sau khi nhậu và hát karaoke tại quán Linh Bôi ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cả ba rủ nhau đi ăn tối rồi ra TP Tuy Hòa chơi. Khi đi, Tài điều khiển xe máy chở Lộc, còn Phát chạy xe một mình.

Đến gần ngã tư Hùng Vương – Trần Kiệt thuộc khu phố 5, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, do thiếu chú ý quan sát, Tài điều khiển xe tông vào dải phân cách cố định gây tai nạn. Thấy Tài và Lộc bị thương, Phát gọi xe taxi đưa cả hai vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu. Đến ngày 17/7/2017, Lộc tử vong do chấn thương sọ não.

Tại bản kết luận giám định ngày 8/11/2017 của Phân viện kỹ thuật hình sự tại Đà Nẵng nêu: Trên bề mặt tấm nhựa của yên xe mô tô phần ngồi người điều khiển có vi vết sợi cùng loại với xơ sợi dệt mẫu vải quần thu được của Tài. Từ đó, cáo trạng cáo buộc Tài đã “Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nên truy cứu trách nhiệm hình sự. Phát được xác định là người làm chứng.

Lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, Tài nói sau khi rời quán karaoke, Tài là người điều khiển xe máy chở Lộc xuyên suốt đoạn đường cho đến lúc gặp tai nạn giao thông. Phát cũng khai như Tài.

Tuy nhiên, tại phiên tòa lần 1, gia đình Tài có trích xuất được camera của quán karaoke Linh Bôi thì thấy lúc rời quán, Phát đi một mình, Lộc là người chở Tài chứ không phải như lời khai ban đầu của Tài và Phát. Do đó, tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau đó, Tài khai do hôm đó xỉn, lại gặp tai nạn nên không nhớ được Lộc chở Tài hay ngược lại. Phát cũng thay đổi lời khai.

Tại tòa lần này, Phát khai: “Lộc là người rủ đi nhậu. Lúc đi, tôi chở Tài, Lộc đi một mình. Cả ba nhậu lần 1 ở quảng trường. Đến khoảng 19h tối thì đi hát karaoke. Lúc rời quảng trường, tôi chở Tài, Lộc đi một mình. Hát karaoke khoảng 2 tiếng, chúng tôi rủ nhau đi TP Tuy Hòa chơi. Rời quán karaoke, Lộc chở Tài, tôi đi một mình. Đến quán bánh cuốn, chúng tôi ăn xong thì Tài giành chở Lộc và tôi đi một mình. Tốc độ khoảng 60 – 70km/h”.

Tuy nhiên, lời khai của Phát có nhiều tình tiết chưa nhất quán. Vị chủ tọa và hai hội thẩm nhân dân phải hỏi rất nhiều lần. Phát khai lúc thì chạy xe đi trước, Lộc và Tài đi sau. Sau đó, Tài tăng tốc đi song song với Phát và vượt lên rồi xảy ra tai nạn. Có lúc, Phát lại khai Tài và Lộc đi trước, Phát đi sau.

Đi một quãng dài, Phát không thấy hai người đâu nên dừng lại chờ. Phát suy đoán Lộc và Tài dừng lại đi vệ sinh. Lời khai của Phát tại tòa cũng có nhiều tình tiết chưa đúng với lời khai trong các bút lục. Phát cam kết lời khai tại phiên tòa là đúng sự thật. Những lời khai trước đây, có sự mâu thuẫn là do mới chứng kiến hai bạn bị tai nạn, tinh thần chưa ổn định.

Hai người mẹ đang trò chuyện với luật sư trước khi phiên tòa xảy ra.
Hai người mẹ đang trò chuyện với luật sư trước khi phiên tòa xảy ra.

Đối với chiếc quần của Tài được mang đi giám định. Tài nói không phải là chiếc quần đã mặc hôm xảy ra tai nạn. Vì ngay hôm sau xảy ra tai nạn, mẹ Tài cho rằng quần và áo xui nên đã mang đi đốt. Chiếc quần đi giám định là một chiếc quần khác do người thân của Tài cung cấp cho CQĐT. Thứ hai, trên yên xe, cả Tài và Lộc ngồi nhưng không hiểu tại sao khi giám định chỉ có vi vết sợi một chiếc quần được cho là của Tài.

Ngoài lời khai của Phát, không còn chứng cứ nào khác cho thấy việc đổi lái xảy ra thời điểm ngồi tại quán bánh cuốn. Bà chủ quán bánh cuốn khai rằng do thời gian lâu nên không nhớ có 3 thực khách nêu trên hay không?

Thiệt mạng, mất tình bạn vì men rượu

Kể từ ngày vụ án xảy ra, Lộc chết, Phát và Tài từ mặt nhau. Phát bảo Tài phản bội tình bạn vì không dám thừa nhận chở Lộc gây tai nạn. Còn Tài nói mình sau cơn say và bị tai nạn thì không nhớ gì nữa. Vị chủ tọa và VKS khi hỏi đã xoáy vào “tình bạn” bị tan nát sau một đêm, sau cuộc nhậu “chén chú, chén cha”.

Cả khán phòng im lặng trước những lời của vị chủ tọa. Tài không nhớ đã đến nhà Lộc bao nhiêu lần kể từ ngày xảy ra vụ việc. Nắm trong tay nén nhang, Tài cầu xin vong hồn Lộc an nghỉ. VKS cho rằng hành vi của Tài gây ra cái chết cho Lộc nên đề nghị mức án 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù.

Luật sư (LS) Nguyễn Huỳnh Minh Trang (Đoàn LS TP HCM) cho rằng lời khai của người làm chứng có sự thay đổi nhiều lần nên không đủ trung thực để làm chứng cứ kết tội Tài. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Phát đã say xỉn nên không đủ năng lực nhận thức làm chứng theo quy định pháp luật.

Trong khi đó LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP  HCM) nêu quan điểm,  kết luận điều tra và cáo trạng không thống nhất. Nhân chứng Phát khai báo không trung thực. Theo đó, nhân chứng Phát có nhắn tin với Tài là đã có uống 1 thùng bia nên đã say xỉn, không đủ năng lực khai báo.

“Vụ án xảy ra ngày 10/7/2017 nhưng đến ngày 31/8/2017 mới trưng cầu giám định nhưng không có biên bản niêm phong mẫu vật là yên xe. CQĐT dán băng keo lên yên xe để thu thập vi vết sợi là sai thẩm quyền. Thẩm quyền này thuộc về cơ quan giám định.

Xác định có 2 người ngồi lái nhưng kết luận giám định chỉ có 1 vi vết sợi phù hợp với vi vết sợi trên quần của bị cáo. Như vậy, theo kết luận chỉ có 1 người lái là không phù hợp với hồ sơ vụ án. Quần của Tài là hàng đồng loạt nên có nhiều mẫu quần có vi vết sợi giống. Ngoài ra, chiếc quần thu giữ không phải là quần của Tài mặc lúc xảy ra tai nạn”, LS Hiệp nói.

Còn LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) nói rằng không thể xác định được Tài, Lộc, Phát vào quán bánh cuốn. Vì chỉ có mỗi lời khai của người làm chứng là Phát. Phía VKS cho rằng người làm chứng có đủ năng lực để khai dù có một số chi tiết nhỏ mâu thuẫn. VKS nói Phát chỉ hơi xỉn chứ không phải xỉn nên không thể nói không còn khả năng khai báo.

Ngoài ra, VKS xác định thời gian chạy từ quán karaoke đến nơi xảy ra tai nạn khoảng 10km, tốc độ chạy khoảng 60km/h cộng với thời gian ăn bánh cuốn từ 20 – 23 phút là phù hợp với thời gian rời quán karaoke Linh Bôi đến khi xảy ra tai nạn. VKS nhận định việc Tài cầm lái không chỉ là từ lời khai của Phát mà căn cứ vào dấu vết hiện trường, thương tích trên người bị cáo. Sau 1 ngày xét xử, phiên tòa vẫn chưa kết thúc và sẽ được tiếp tục vào hôm nay (13/11). 

Nỗi lòng hai người mẹ

Vị chủ tọa phiên tòa nói HĐXX hiểu nỗi lòng của mẹ bị cáo và mẹ bị hại trong vụ án này. HĐXX sẽ cân lượng khi đánh giá vụ án. Một người mẹ mất con thể hiện lòng bao dung khi viết giấy cam kết và đơn bãi nại cho bị cáo. “Con tôi mất, tôi coi cả Phát và Tài như con của mình nên xin bãi nại. Việc bãi nại là hoàn toàn tự nguyện”, mẹ Lộc nói.

Còn bà Hoa – mẹ Tài, một người đàn bà quê, sau khi tai nạn xảy ra được 6 – 7 hôm, bà không chấp nhận lời khai của Phát “Tài chở Lộc gây tai nạn” nên đi tìm chứng cứ. Bà nhờ người cùng đến quán karaoke Linh Bôi xin trích xuất camera và phát hiện khi rời quán, Lộc chở Tài. Bà tiếp tục dò hỏi nhà một số người dân xung quanh và cũng chỉ thấy Lộc chở Tài.

Bà Hoa nộp cho CQĐT 2 lần nhưng không thấy tình tiết này đưa vào vụ án. Mãi đến khi tòa trả hồ sơ, chứng cứ mà bà Hoa thu thập mới được công nhận. Bà Hoa nói tự thu thập chứng cứ để tìm ra sự thật vụ án. Bà không dám biện hộ cho con nếu như sự thật Tài chở Lộc gây ra cái chết của Lộc.

Đọc thêm