Xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh: Làm rõ khoản tiền 4.500 tỉ tăng vốn điều lệ

(PLO) - Ngày 13/12, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 6.126,8 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay là Ngân hàng Một thành viên Xây dựng Việt Nam - gọi tắt là CB).
Bị cáo Phạm Công Danh trả lời HĐXX tại phiên tòa phúc thẩm
Bị cáo Phạm Công Danh trả lời HĐXX tại phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên tòa, nói về kháng nghị của VKS liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng, ông Danh cho rằng số tiền này do các cổ đông góp với mục đích tăng vốn điều lệ nhưng Ngân hàng Nhà nước không cho phép nên ông hoàn toàn có thể rút. Ngoài ra, ông Danh nói đồng tình với VKS về việc nhận định trong số tiền đó có tiền sai phạm được tòa án cấp sơ thẩm khấu trừ nhưng ông khẳng định toàn bộ số tiền này không hoàn toàn là số tiền sai phạm mà có một phần rất lớn tiền của Thiên Thanh, tiền của gia đình ông, tiền ông bán tài sản, vay mượn.

Bị cáo Phạm Công Danh cũng khẳng định tại tòa, bản thân không sử dụng một đồng nào cho mục đích cá nhân của mình hay bất kỳ cá nhân nào của Ngân hàng Xây dựng mà dùng cho hoạt động của ngân hàng. Bởi số tiền đó có chứng từ, hạch toán, đi qua cơ sở kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, tất cả khoản tiền đó được niêm phong, phong tỏa lại và sau đó quay ngược lại từ các ngân hàng qua các sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước và sau đó quay về cho CB 100%.

Ngoài ra, ông Danh mong muốn HĐXX xem xét tiền lãi của các khoản trên theo quy định của Nhà nước và truy thu hết 3 khoản tiền của ông Thanh, bà Bích và bà Phấn của vụ án mà trước đó tòa sơ thẩm đã truy thu thiếu: “Tòa sơ thẩm đã xác định đây là vật chứng của vụ án nên phải truy thu hết các khoản này. Có như thế bản thân mới khắc phục được hậu quả…nhằm giảm phần nào trách nhiệm của bản thân và các đồng phạm trong vụ án”, bị cáo Danh nói.

Trình bày về việc sử dụng tiền, ông Danh không giữ được bình tĩnh, sau một lúc ngập ngừng, ông cho rằng trong bối cảnh đó, ông phải trả không dưới 6.000 tỉ để duy trì ngân hàng, ông chỉ lo ngân hàng đổ vỡ. Bị cáo Danh khẳng định có cơ sở 4.500 tỉ không hoàn toàn là tiền sai phạm, một phần là tiền sai phạm, còn lại là tiền của ông. Mong HĐXX hết sức xem xét lại.

Ngoài ra cũng trong phiên xử ngày hôm nay, bị cáo Mai giữ nguyên kháng cáo cho rằng trình tự xét xử của các vụ án (vụ Hứa Thị Phấn, vụ Phạm Công Danh giai đoạn 1 và 2, vụ Đặng Thanh Bình) liên quan đến nhau và trình tự tố tụng của các vụ án là bất lợi cho ông. Bị cáo này cho rằng nguyên nhân dẫn đến tái cơ cấu không thành công là do bà Phấn nhưng bản án sơ thẩm chưa nói lên điều này. Ông đề nghị làm rõ một số vấn đề: dòng tiền hai giai đoạn; việc thu hồi các khoản tiền, khoản tiền lãi vay chưa được thu hồi, các khoản tiền là vật chứng không thể theo tỉ lệ mà phải thu hồi toàn bộ... Trước tòa, bị cáo Mai cũng khẳng định số tiền 4.500 tỉ đồng sử dụng vào mục đích tái cơ cấu cho ngân hàng.

"Bị cáo cơ cấu được cái gì khi hồ sơ thể hiện sau khi tiếp quản, ngân hàng lỗ nặng hơn, âm vốn, ngân hàng lâm vào tình trạng trầm trọng và rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt?" - chủ tọa hỏi. Bị cáo Mai cho rằng số liệu này không phản ánh đúng sự thật.

Chủ tọa hỏi tiếp về số tiền 4.500 tỉ đồng trong đó hơn 2.000 tỉ đồng đưa vào CB còn hơn 2.000 tỉ đồng này đi đâu, dòng tiền chạy đi đâu, chứng từ đâu? Bị cáo Mai nói căn cứ vào kết luận ngày 24/4/2018 của CQĐT thể hiện từ tháng 2/2014 đến tháng 6/2014 thì chênh lệch dòng tiền của VNCB hơn 7.600 tỉ (trong đó có số tiền 4.500 tỉ) sử dụng cho bảy mục đích để phục vụ cho Ngân hàng Xây dựng. Trong kết luận này không xác định được 4.500 tỉ này dùng cho mục đích nào.

Bị cáo Mai cho rằng số tiền này nằm trong ngân hàng, không chảy ra ngoài. Một là số tiền được sử dụng mục đích hoạt động của ngân hàng, hai là còn nằm trong khoản tiền mặt còn lại trong ngân hàng tại thời điểm đó. Theo bị cáo này, hồ sơ thể hiện "không xác định cụ thể đồng nào dùng cho việc gì chứ không phải là không xác định được tiền đó đi đâu".

Về số các khoản lãi riêng chăm sóc khách hàng, bị cáo Mai cho rằng đó là tiền chi thêm lãi cao hơn lãi quy định để khách hàng gửi tiền tại ngân hàng của ông. Khi chủ tọa hỏi về việc có chứng từ sổ sách theo dõi hay không, bị cáo Mai nói lãi này không công khai vì đây là thỏa thuận riêng của ông Danh với khách hàng…

Cũng trong chiều nay trong phần xét hỏi, Luật sư Chu Mạnh Cường hỏi bị cáo Mai về đề án tái cơ cấu ngân hàng. Theo đó, việc tái cơ cấu ngân hàng VNCB từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ mà bị cáo Phạm Công Danh thông qua 3 công ty và 22 cá nhân đã nộp số tiền 4.500 tỷ vào Ngân hàng VNCB với mục đích góp tăng vốn điều lệ.

Về nguyên tắc, về mặt kế toán, sau khi tiền góp vốn được nộp vào ngân hàng, trong thời gian làm thủ tục tăng vốn, số tiền này phải được hạch toán vào nợ phải trả. Chỉ sau khi đã hoàn thành các thủ tục tăng vốn điều lệ theo đúng quy định, VNCB mới được phép hạch toán số tiền góp tăng vốn vào vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong vụ án này, khi chưa được Ngân hàng nhà nước cho phép tăng vốn điều lệ, ngày 26/12/2013, VNCB đã hạch toán số tiền trên vào vốn chủ sở hữu, tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ như vậy có đúng không? Bị cáo Mai cho rằng theo quy định là sai. 

Ngoài ra trong trường hợp này, khi Nhà nước mua với giá 0 đồng, những người đóng góp tiền trong việc tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được thì họ có phải là cổ đông hay không? Và phải xử lý số tiền mà những người này góp vào như thế nào? Bị cáo Mai trả lời, trong trường hợp này họ chưa phải là cổ đông nên phải hạch toán trả lại khoản tiền những người này đã đóng góp. Ngày mai - 14/12 phiên tòa tiếp tới phần xét hỏi của các luật sư.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm