10 năm ngồi tù vẫn quanh co dùng “điệp khúc” hòng chối tội trước tòa

(PLO) - Gần 10 năm bị bắt tạm giam với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” là khoảng thời gian người đàn bà vừa tròn 60 tuổi này không được gặp gỡ gia đình, con cái trừ những lần được đưa ra xét xử. Cách đây 4 tháng, phiên xử sơ thẩm thứ hai được mở (sau khi đã có quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm năm 2008) nhưng HĐXX TAND TP.Hà Nội vẫn quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ vụ án. Mới đây, phiên xử sơ thẩm thứ ba đã lại được mở...

10 năm ngồi tù vẫn quanh co dùng “điệp khúc” hòng chối tội trước tòa
Vẫn khai quanh co sau gần 10 năm bị tạm giam…
Bị cáo Tạ Thị Liên (SN 1955, ngụ tại quận Ba Đình, Hà Nội) được dẫn giải đến tòa khá sớm. Vừa mới bắt đầu phiên xét xử, Liên đã khẩn khoản: “Trong suốt thời gian bị tạm giam bị cáo đã thấy ăn năn hối hận, bị cáo sức khỏe yếu, bệnh tật nhiều nên mong HĐXX xem xét cho bị cáo một bản án khoan hồng để bị cáo sớm được trở về với chồng con”. Nói đến đây thì Liên bật khóc nức nở khiến chủ tọa phải động viên bị cáo bình tĩnh. 
Như thường lệ, HĐXX hỏi các nhân chứng (là phạm nhân đang thi hành án trong cùng vụ án) nội dung vụ án đã xảy ra. Giống như nhiều phiên tòa trước, Đào Thị Nguyện và Đào Thị Thu vẫn khẳng định đã bán cho Liên 1 bánh hêrôin được mua về từ Điện Biên. Chi tiết hơn, Nguyện vẫn khai Liên không có tiền trả (với lý do người mua ma túy của Liên, tên Đại ở Hàng Cót, Hà Nội đã bị bắt nên không đòi được tiền) nên chỉ... tạm ứng cho Nguyện 3 triệu đồng và 8 chỉ vàng (tổng cộng khoảng 8 triệu đồng).
Nhưng khi HĐXX hỏi bị cáo nội dung có đúng như Nguyện và Thu khai không thì Liên lại tỏ ra ngu ngơ, liên tục trả lời: “Bị cáo không nhớ gì hết”. Cho tới khi HĐXX giảng giải, nếu bị cáo thành khẩn sẽ được xem xét giảm hình phạt. Vị hội thẩm nhân dân cũng động viên: “Trong phiên xử này có tới 3 vị hội thẩm nhân dân. Chúng tôi có mặt ở đây là để bảo vệ công lý, đứng về lẽ phải. Do đó bị cáo phải thành khẩn khai thật thì chúng tôi mới có thể xem xét cho bị cáo”. Ngay lập tức, Liên thừa nhận toàn bộ nội dung Nguyện và Thu khai là đúng.
Ngồi ngay hàng ghế bên dưới, 2 người đàn bà khoảng ngoài 50 liên tục nhắc: “Không khai thế, cứ nói tôi không nhớ...”. Mỗi lần HĐXX hỏi bị cáo là 2 người đàn bà này lên tiếng “nhắc bài” cho bị cáo. Còn Liên dù ngồi quay mặt lên trên nhưng đôi tai của bị cáo vẫn căng lên nghe từng lời nhắc của người thân để trả lời HĐXX. Liên cứ quanh co điệp khúc “lâu quá rồi tôi không nhớ” đến gần chục lần khiến vị luật sư bào chữa cho Liên nổi cáu, cắt lời HĐXX để nhắc nhở thân chủ: “Bị cáo không được nghe bên dưới nói gì. Bị cáo thấy đúng thì nói đúng, thấy sai thì nói sai”. Tạ Thị Liên nghe xong lại tỏ ra thành khẩn nhận tội nhưng chỉ được vài câu, chứng quanh co lại “tái phát”...
HĐXX nhắc nhở: “Mặc dù không thu giữ được tang vật đối với bị cáo nhưng xét thấy các lời khai của các bị cáo khác trong cùng vụ án, đối chiếu với tư liệu điều tra, vẫn có thể kết tội được bị cáo. Do vậy, HĐXX sẽ căn cứ vào sự thành khẩn của bị cáo để kết án. Tùy bị cáo khai thế nào cũng được”. Lời nhắc nhở ngay lập tức phát huy tác dụng...
Chủ tọa hỏi luật sư quan điểm “bị cáo có tội hay không có tội”
Theo nội dung vụ án, trong đường dây ma túy của Liên còn có 25 người khác đang trả án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, trong đó có Nguyện và Thu. Tháng 6/1998, Nguyện lên Điện Biên mua 1 bánh hêrôin của một người dân tộc Thái và thuê người vận chuyển về Hà Nội để bán cho Liên nhưng Liên không có nhà. Liên dặn Nguyện đem hàng về xã Đồng Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) gửi Đào Thị Thu (cháu của Nguyện). Hai người không nói cho Thu biết đó là ma túy. Thu đã giấu gói hàng vào kho thóc của gia đình, sau đó mới giao cho Liên. 
Năm 2007, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Liên 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Nhận phán quyết này, Liên kháng cáo kêu oan nhưng HĐXX phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội vẫn tuyên y án sơ thẩm. Phán quyết này đã bị VKSND Tối cao kháng nghị bằng kháng nghị Giám đốc thẩm số 16/QĐ-VKSTC-V3 vào năm 2010, đề nghị Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm nêu trên về phần tội danh, hình phạt đối với Tạ Thị Liên để điều tra lại.
TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị trên và chỉ ra nhiều điểm bất thường. Cụ thể: Nguyện khai có bán cho Liên 1 bánh hêrôin và đem hàng gửi cho Thu. Thu khai, có sự việc này nhưng lời khai của Nguyện và Thu có nhiều mâu thuẫn nên cần điều tra lại, củng cố chứng cứ. TAND Tối cao yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ việc Nguyện gửi hêrôin cho Thu (thời gian, thời điểm Nguyện gửi chiếc làn nhựa đựng hêrôin). Bởi trong những lời khai ban đầu, Nguyện che giấu về việc gửi Thu 1 bánh hêrôin.
Ngoài ra, từ lời khai ngày 14/8/2006 đến phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, Nguyện lại nói có gửi Thu 1 chiếc làn nhựa bên trong đựng 1 bánh hêrôin và bảo Thu giao cho Liên nhưng không thống nhất thời gian, địa điểm. Thời gian Liên liên lạc lấy hàng, lời khai của Nguyện khai cũng không đồng nhất.
Liên kêu oan với lý do giữa gia đình Liên với gia đình Nguyện và Thu có mâu thuẫn. Liên cho rằng, Nguyện và Thu khai khống để đổ tội cho Liên nhưng về nội dung, thời điểm xích mích, Liên khai không thống nhất. Mặt khác, Liên còn cho rằng, giữa em chồng Liên với gia đình ông Đào Tiến Thắng (bố Thu) cũng có mâu thuẫn dẫn đến xô xát phải ra chính quyền giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề trên chưa được điều tra, xác minh cụ thể.
Vì lẽ đó, TAND Tối cao yêu cầu quá trình điều tra lại, cơ quan tố tụng cần tổ chức đối chất giữa những người có lời khai liên quan đến từng việc. TAND Tối cao đã tuyên hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 213/2008/HSPT ngày 28/3/2008, Bản án hình sự sơ thẩm số 433/2007/HSST ngày 12/12/2007 đối với Liên để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, VKSND vẫn giữ quan điểm, nhận định, đủ cơ sở để quy kết Liên về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Nhưng HĐXX lần 2 ngày 26/5/2015 của TAND TP.Hà Nội một lần nữa phải tuyên trả hồ sơ vụ án vì còn nhiều tình tiết chưa sáng tỏ. Và đến phiên xử sơ thẩm lần 3, chủ tọa phiên tòa bày tỏ ý định muốn biết quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo về việc “bị cáo có tội hay không có tội”. 
Dù bị hỏi đi hỏi lại nhưng vị luật sư bào chữa vẫn chỉ khẳng định: “Việc phán quyết có tội hay không là quyền của HĐXX nhưng thực tế đã có nhiều vụ án oan chỉ căn cứ trên lời khai rồi. Theo quan điểm của tôi, cơ sở để kết tội bị cáo là rất yếu. Bởi cơ quan điều tra đã xác minh người tên Đại theo lời khai của Nguyện cho thấy Đại bị bắt năm 1997, trong khi việc mua bán này được tiến hành năm 2008”. 
Mặc dù liên tục dùng cụm từ “tôi không nhớ” để đối phó với những câu hỏi của HĐXX nhưng khi được nói lời sau cùng, Tạ Thị Liên vẫn nức nở mong rằng HĐXX xem xét mức hình phạt nhẹ nhất để sớm được về với chồng con. Trong giờ nghỉ nghị án, Liên dáo dác tìm người thân và tha thiết cầu mong được gặp gỡ, chuyện trò với gia đình. Trong vòng tay của bạn bè, chồng con, bị cáo Tạ Thị Liên nổi bật với mái tóc bạc trắng, như một bà lão khoảng 80. Những lời động viên hỏi thăm sức khỏe chưa thỏa thì đã đến giờ tuyên án...
HĐXX nhận định, dù bị cáo chưa thành khẩn nhưng thái độ cũng đã biết tội lỗi, căn cứ vào trọng lượng trung bình của một bánh hêrôin trong cùng vụ án, tuyên Tạ Thị Liên phạm tội mua bán 333,406 gam ma túy với mức án 12 năm tù giam. Nhận được mức án Tạ Thị Liên tỏ ra khá cứng cỏi. Không biết người phụ nữ này có tiếp tục kêu oan?  

Đọc thêm