239 tỷ đồng, 8 triệu đô và vụ án “tin bạn mất bò”

(PLO) - Chỉ vì tin tưởng, người phụ nữ ấy đã đồng ý cho con trai của bạn vay 239 tỷ đồng, 8 triệu đô la để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Ai ngờ, khối tài sản kếch xù đó của bà bị người đó chiếm đoạt.
Giấy nhận tiền do Nguyễn Thị Thu Sương, vợ Luật ký nhận
Giấy nhận tiền do Nguyễn Thị Thu Sương, vợ Luật ký nhận

Bà Võ Thị Kiên trú tại quận Tân Phú, TP HCM và bà Nguyễn Thị Xuân Mai trú tại 279/40A2 Âu Cơ phường 5 quận 11 cùng là bạn thân thiết với nhau từ năm 2009. Do biết bà Kiên có nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nên bà Mai nhờ bà Kiên gửi tiền vào các phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Trần Hưng Đạo do con trai bà Mai là Huỳnh Tấn Luật phụ trách, nhằm giúp Luật tăng doanh số huy động vốn, thuận lợi trong công việc được giao và có khả năng thăng tiến.

Tin tưởng bà Mai và mong muốn nâng cao uy tín cho Luật tại Chi nhánh VietinBank nên bà Kiên đồng ý. Từ tháng 07/2010 bà Kiên bắt đầu gửi nhiều khoản tiền vào VietinBank chi nhánh 1. Do lượng tiền gửi lớn nên từ tháng 10/2011 VietinBank chi nhánh 1 đồng ý cho Huỳnh Tấn Luật được thực hiện giao dịch tại nhà bà Kiên. Trong thời gian này, bà Kiên thường ký vào các giấy tờ do Luật đưa mà không đọc nội dung. 

Sau khi bà Kiên gửi tiền vào VietinBank một thời gian, Luật đặt vấn đề vay tiền của bà Kiên để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng do nhà nước quy định. Với thoả thuận này, trong vòng 2 năm, từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2012 bà Kiên đã cho Luật vay tổng số tiền là 239,5 tỷ đồng và 8.687.000 USD. Việc giao nhận tiền được ghi nhận bằng 9 tờ giấy mượn tiền, trong đó Huỳnh Tấn Luật và vợ là Nguyễn Thị Thu Sương ký tên xác nhận 8 giấy, Luật ký một giấy. Số tiền bà Kiên đưa cho Luật vay đều là tiền mặt, chủ yếu được rút từ các khoản tiền bà Kiên gửi tiết kiệm trước đó tại các ngân hàng. Số tiền này Luật đã dùng vào việc cho người khác vay đáo hạn ngân hàng, mua bán tài sản nhà đất, trả lãi vay và trả nợ cho nhiều người khác, chi tiêu dùng cho cá nhân và gia đình. Từ tháng 7/2011 đến tháng 5/2012 lấy lý do tiền phải xoay vòng đáo hạn cho những dự án lớn, Luật chỉ trả được cho bà Kiên ít tiền lãi mà không trả được tiền gốc. Sau thấy bà Kiên làm căng, Luật mới trả nợ cho bà Kiên được 3 lần, tổng cộng số tiền 25,4 tỷ đồng, còn nợ số tiền gốc là 204,1 tỷ đồng và 8.687.000 USD.

Cuối năm 2012, do mất khả năng chi trả, lợi dụng lòng tin của bà Kiên là chỉ ký mà không đọc nội dung, nên Luật đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền đang nợ bà Kiên bằng cách sử dụng máy vi tính và máy in lập khống vào 9 tờ giấy khổ A4 rồi đưa bà Kiên ký, nội dung là Luật đã trả hết nợ bà Kiên và “bà Kiên đã nhận đủ tiền”. Đến tháng 8/2014 bà Kiên liên tục đòi nợ nên Luật bèn ghi thêm vào 9 tờ giấy lúc trước là Luật cho bà Kiên vay 82 tỷ đồng và 3.866 lượng vàng. 

Ngày 22/08/2014, bà Kiên bất ngờ nhận được tin nhắn của Luật, nói rằng bà Kiên nợ tiền của Luật, chữ ký trên giấy nợ bà Kiên ký cho Luật vẫn còn. Sau đó, bà Kiên nhận được giấy triệu tập của Công an về việc bà vay tiền của Luật mà không trả. Tháng 8/2014 Luật còn đe doạ bà Kiên, gửi đơn đến Cơ quan CSĐT tố cáo bà Kiên chiếm đoạt tiền, sau đó nộp đơn ra TAND quận Tân Phú để đòi nợ. Bức xúc trước việc mượn tiền không trả còn tố cáo ngược, bà Kiên tố cáo Luật có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tháng 12/2015 Luật rút đơn khởi kiện. 

Tại bản Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định phần nội dung thể hiện số tiền giao nhận giữa hai bên là do Luật in ghép thêm vào phần kết thúc bên giao, bên nhận ký tên. 

Tại Cơ quan điều tra, Luật khai đã khắc phục hậu quả cho bà Kiên 1,632 tỷ đồng và đề nghị thu hồi 6,5 tỷ đồng đã sử dụng mua 6 căn hộ chung cư của Cty TNHH TMXD Vạn Hưng Phát có trụ sở tại đường Bông Sao quận 8. Đối với những tài sản Luật mua từ tiền vay của bà Kiên, trong quá trình điều tra xác định là tài sản của Luật đứng tên hoặc nhờ người thân đứng tên sở hữu, CQĐT đã ra Quyết định kê biên, còn đối với 13 tài sản đã chuyển dịch trong thời gian Luật thực hiện hành vi phạm tội thì VKS đề nghị Toà án ra Quyết định cấm chuyển dịch để giải quyết về dân sự trong vụ án hình sự khác theo quy định pháp luật. 

Hành vi của Huỳnh Tấn Luật phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 175 BLHS năm 2015. Ngày 26/06/2015 Luật bị bắt tạm giam. 

Quá trình điều tra Luật thành khẩn khai báo và thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình: “Bị can đã vay của bà Kiên nhiều lần tiền VNĐ, đô la Mỹ, quá trình vay có trả tiền gốc và lãi. Tất toán khoản vay tính đến trước ngày bị bắt tổng cộng là 204,1 tỷ đồng và 8.687.000 USD. Do làm ăn kinh doanh thua lỗ, mất khả năng chi trả nên làm giả chứng từ thể hiện đã trả hết nợ cho bà Kiên đồng thời cho bà Kiên vay thêm một số tiền, sau đó khởi kiện bà Kiên đến TAND quận Tân Phú nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản bà Kiên…”.

Trao đổi với Báo PLVN, bà Kiên cho biết, mặc dù Luật bị bắt nhưng cáo trạng nêu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Luật thực hiện một mình, không bàn bạc với ai là không đúng. Vì trong quá trình vay mượn tiền của bà Kiên, vợ Luật là Nguyễn Thị Thu Sương đích thân nhận tiền và viết giấy biên nhận, cùng ký tên trên các giấy nhận tiền. Ngoài ra, các anh chị em Luật là Huỳnh Thị Thuý Phượng cùng chồng là Nguyễn Thanh Long, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Thị Thuý Kiều, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Thị Thu Trang… đều tham gia mua bán, đứng tên sở hữu nhiều tài sản từ tiền chiếm đoạt. Vì vậy, bà Kiên đề nghị Cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản nhằm khắc phục hậu quả cho người bị hại. Đồng thời phải buộc vợ Luật là Nguyễn Thị Thu Sương chịu trách nhiệm trước pháp luật với vai trò đồng phạm chứ không thể nói Luật thực hiện hành vi phạm tội một mình. Ngoài ra, cũng phải xem xét vai trò của những người giúp sức là họ hàng, anh em của Luật nhằm tẩu tán tài sản của tôi, buộc những người có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, vụ án trên cho thấy, hành vi vi phạm của Huỳnh Tấn Luật là quá rõ ràng, với thủ đoạn hết sức tinh vi, giá trị chiếm đoạt của bị hại đặc biệt lớn nên về trách nhiệm hình sự cần phải xem xét nghiêm minh theo quy định pháp luật. Ngoài ra, đối với tài sản, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt thì không tịch thu mà trả lại cho người bị hại. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm kê biên tài sản Luật đã mua bán, chuyển dịch, nhờ người khác đứng tên trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội nhằm khắc phục hậu quả cho bà Võ Thị Kiên. 

Đọc thêm