“Bác sỹ tử thần” giết người bằng thuốc độc (Kỳ 3)

(PLO) - Ngày 24 tháng 6 năm 1998, bà Kathleen Grundy - nguyên Thị trưởng thành phố Hyde - đột ngột qua đời một cách bí ẩn. Nghi ngờ cái chết của mẹ mình có liên quan đến bác sĩ Harold Shipman, Angela Woodruff đã bí mật liên hệ với cảnh sát để nhờ điều tra vụ việc.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của bà Kathleen không phải do bệnh tật mà là do bà đã bị tiêm một lượng morphine cực lớn đủ để tử vong chỉ sau 3 tiếng.

Chân dung “bác sỹ tử thần” Harold Shipman

Chân dung “bác sỹ tử thần” Harold Shipman

Sai lầm khó hiểu của Harold

Thanh tra Supt. Postles, Trưởng nhóm điều tra cái chết của bà Kathleen, cho biết: “Tôi đã rất bất ngờ khi Harold sử dụng morphine để giết hại bà Kathleen. Là một bác sĩ, hắn phải thừa biết rằng morphine là một trong số ít các độc dược có thể tồn tại trong mô người suốt nhiều thế kỷ. Nếu hắn tiêm cho nạn nhân một chất khác, chẳng hạn như insulin - thứ mà cơ thể có thể tự sản sinh ra, thì chắc chắn công tác điều tra sẽ khó khăn hơn nhiều”.

Trả lời về lượng morphine cao bất thường trong cơ thể bà Kathleen, Harold tuyên bố rằng vị nguyên thị trưởng đáng kính thực ra là một bà già nghiện ngập. Bà đã tự tiêm morphine vào cơ thể mình mà không ngờ rằng lượng thuốc như vậy là quá lớn. Tuy nhiên, chẳng ai tin được một người mẫu mực, đáng mến như bà Kathleen lại nghiện ma túy. Lời cãi chày, cãi cối của Harold chỉ càng làm cho hắn bị mất uy tín hơn.

Từ cái chết của bà Kathleen, cảnh sát bắt đầu mở rộng phạm vi điều tra. Ưu tiên đầu tiên của họ là phải tìm ra cách Harold lựa chọn đối tượng. Họ nhanh chóng phát hiện, hầu hết tất cả các nạn nhân của Harold đều được an táng bằng hình thức hỏa thiêu, chỉ có khoảng 15 người được chôn cất. Rõ ràng chỉ có hình thức hỏa táng mới có thể giúp Harold che giấu mọi bằng chứng tội lỗi trước các cuộc giám định pháp y.

Trước khi giết chết các bệnh nhân, Harold luôn khuyên người nhà của họ nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Y đưa ra nhiều lý do để thuyết phục các thân nhân nên hỏa thiêu người đã khuất, chẳng hạn như lý do bệnh nhân đã mắc một căn bệnh truyền nhiễm nào đó.

Hầu hết các thân nhân đều không thắc mắc gì khi thấy máy tính của Harold lưu trữ rất đầy đủ hồ sơ bệnh án, diễn biến căn bệnh, cách điều trị, lý do qua đời. Họ không biết rằng sau khi giết các bệnh nhân Harold đều sửa lại bệnh án. Do đó, cũng chẳng có ai đòi khám nghiệm tử thi lần nữa làm gì.

Tuy rất giỏi chơi trò tâm lý nhưng Harold lại là một tay gà mờ về công nghệ. Hắn không biết rằng các thao tác thay đổi hồ sơ bệnh án trên máy tính đều bị ổ đĩa cứng ghi lại và trở thành bằng chứng chống lại hắn trước tòa.

Phiên tòa xét xử

Ngày 5/10/1999, Tòa án thành phố Prston, Lancashire mở phiên tòa xét xử Harold Shipman vì cáo buộc sát hại hơn 100 người. Công tố viên Henriques cho biết: “Tất cả các nạn nhân dù là được hỏa thiêu hay chôn cất đều không cần thiết phải điều trị bằng morphine hay diamorphine (tên gọi khác của heroin). Họ đều chết một cách đột ngột khi bác sĩ Harold có mặt trong nhà họ. Hơn nữa, không bệnh nhân nào mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối”.

Chịu trách nhiệm bào chữa cho Harold là Luật sư y khoa Nicola Davies, 46 tuổi. Luật sư Nicola đã mô tả thân chủ của mình là một bác sĩ già đáng kính, tận tâm với người bệnh, có cuộc sống gia đình đầm ấm với người vợ và bốn đứa con.

Thế nhưng, theo Nicola, thân chủ của ông đang phải chịu nhiều điều bất công trong quá trình điều tra vụ án. Cụ thể, Harold không được xét xử công bằng vì 2 ngày trước khi phiên tòa diễn ra, dư luận xuất hiện một bài báo phân tích về 150 trường hợp bệnh nhân chết bất thường và hướng mọi nghi ngờ về phía Harold.

Phản bác lại lập luận này, Công tố viên Henriques cho rằng bài báo đã thực sự có ích. Nó đã giúp các gia đình khác nhận thức được những khuất tất đằng sau cái chết của người nhà và tham gia hỗ trợ công tác điều tra.

Ý kiến thứ hai của Luật sư Nicola yêu cầu Bồi thẩm đoàn phải cho phép Harold được xét xử 3 lần riêng biệt. Phiên tòa thứ nhất để xét xử riêng trường hợp của Kathleen Grundy, do đây là trường hợp duy nhất có cáo buộc động cơ gây án là chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa thứ hai là để xét xử những bệnh nhân được chôn cất, vì đây là nhóm duy nhất xác định được nguyên nhân cái chết là do ngộ độc morphine gây ra. Phiên tòa thứ ba là để xét xử các bệnh nhân được hỏa thiêu do không có bằng chứng cụ thể để xác định nguyên nhân cái chết.

Các công tố viên một lần nữa phản đối yêu cầu này vì cho rằng tất cả các trường hợp đều liên quan đến nhau, cho nên cần gộp lại thành một phiên tòa để mọi người thấy được một bức tranh toàn diện.

Nhận thấy hai lập luận trên của mình không đủ sức nặng, Luật sư Nicola quyết định đưa ra ý kiến thứ ba gây choáng váng cả phiên tòa. Ông yêu cầu Thẩm phán cho phép mở một cuộc xét nghiệm 15 bệnh nhân được chôn cất nhằm chứng minh lượng morphine vào cơ thể họ không phải trong một lần duy nhất. Nếu chứng minh được lượng morphine trong cơ thể các nạn nhân là do nhiều năm tích tụ lại, tức là các nạn nhân đã từng sử dụng ma túy một thời gian trước khi chết, thì có thể khẳng định bác sĩ Harold vô tội.

Ý đồ của Nicola đã hoàn toàn thất bại khi bác sĩ Steven Karch, người Mỹ, rất có uy tín trong ngành dược độc học, đã đứng ra trước tòa để trình bày phương pháp tiên tiến mà ông đã dùng để xác định chất ma túy trong tóc các nạn nhân. Kết quả cho thấy trước đó không một nạn nhân nào xài ma túy trong thời gian dài, lượng ma túy trong cơ thể họ đều do một lần đưa vào với lượng rất lớn.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng chống lại Harold Shipman. Nhân chứng đầu tiên là Angela Woodruff - con gái bà Kathleen Grundy - khẳng định trước khi chết mẹ của cô vẫn rất khỏe mạnh. Tuy đã 81 tuổi nhưng bà vẫn thường đi bộ năm dặm rất nhanh nhẹn. Cô cũng quả quyết khẳng định bản di chúc để lại hơn 300 nghìn bảng Anh cho Harold là giả mạo. Angela trình lên Bồi thẩm đoàn cuốn nhật ký do mẹ của cô viết để cho thấy chữ viết tay của bà rất tỉ mỉ và đẹp, khác hẳn với chữ ký cẩu thả trong bản di chúc giả.

Bác sĩ John một lần nữa khẳng định bản di chúc để lại tài sản cho Harold là giả khi cho biết trên tờ di chúc không có dấu tay của bà Kathleen, mà chỉ có dấu tay của Harold và một người làm chứng. Điều này chứng tỏ bà Kathleen không phải là người viết tờ di chúc này. Chuyên gia về chữ viết Michael Allen cũng khẳng định chữ ký trên di chúc là giả mạo.

Sau đó, chuyên viên máy tính Ashley cũng đứng ra tố cáo Harold đã sửa các bệnh án ghi trong máy tính, gán cho bệnh nhân những bệnh gây chết người mà họ không hề mắc. Ngoài ra còn có nhiều nhân chứng khác đã khai về những cái chết bất thường của người thân, khi xảy ra đều có mặt bác sĩ Harold.

(Còn tiếp)

Đọc thêm