Bản án nhân đạo cho bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật

(PLO) - Mong muốn được tăng lương và tạo điều kiện công ăn việc làm cho bà con trong vùng, Cường đã tự in tờ rơi rồi tổ chức cho 20 lao động sang Trung Quốc làm việc. Tuy nhiên, lương chưa được tăng, người chưa được việc gã thanh niên 28 tuổi đã phải vướng vòng lao lý.
Bị cáo Cường tại tòa.
Bị cáo Cường tại tòa.

Hôm nay (15/3) TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Cương (SN: 1985, trú tại Phú Cường, Ba Vì, Hà Nội) về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài theo Khoản 1, điều 275 BLHS.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2000, Cường học hết THCS và ở nhà làm ruộng. Đến năm 2007, Cường đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và làm việc cho một cơ sở tư nhân sản xuất đồ thủ công tại Quảng Đông, Trung Quốc. Làm việc tới cuối năm 2013, Cường về nước ăn Tết.

Muốn được tăng lương 2000 tệ/tháng theo lời ông chủ nhờ tuyển giúp 40 người đến làm việc, Cường đã tự tuyển dụng người đi lao động tại Trung Quốc bằng phương thức đi phát tờ rơi với nội dung "tuyển người đi lao động Trung Quốc từ 18 đến 40 tuổi, lương tháng từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng (khoảng 1.500 tệ/tháng) Cường đã nhanh chóng có được 20 lao động từ anh em, bạn bè quen biết.

Sau đó, Cường thông báo lại với 20 lao động mỗi người chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng để đi xe ô tô lên Móng Cái. Khi nào có việc làm thì mỗi người sẽ bị trừ 3 triệu đồng tiền lương để trả cho chi phí ban đầu.

Do ở quê thời vụ nông nhàn, không có việc làm. Đồng thời thấy Cường từ Trung Quốc về nên nhiều người đã đồng ý "theo gót" của Cường để sang "xứ người" kiếm tiền. Tuy nhiên, lương chưa được tăng thì Cường đã phải vướng vòng lao lý.

Đến sáng ngày 23/2/2013, Cường hẹn mọi người đến bến xe Mỹ Đình để bắt xe đi Móng Cái làm việc. Sau khi đưa mọi người đến bến đò trên song KaLong (Móng Cái, Quảng Ninh) Cường quay về nhà và không ngờ rằng chiếc thuyền đó đã bị Công an nước bạn bắt giữ.

Được thả về Việt Nam, nhiều người đã quay lại tố cáo hành vi của Cường. Biết mình bị truy nã, Cường đã đến cơ quan công an đầu thú.

Tại tòa, Cường tỏ rõ sự ăn năn hối cải và trình bày do không hiểu biết pháp luật nên mới phạm tội.

"Bản thân bị cáo cũng chỉ muốn tạo công ăn việc làm cho mọi người chứ không có mục đích gì khác" - Cường khai nhận.

Có mặt tại phiên xử, chị Nguyễn Thị Thu Thanh (SN: 1972) là một trong những lao động muốn sang Trung Quốc làm ăn cho biết, lúc bị bắt, chồng chị đã phải bán chiếc xe hiệu honda 15 triệu đồng để "chuộc" chị về nên đề nghị Cường bồi hoàn lại số tiền này.

Tuy nhiên, sau khi được HĐXX giải thích rằng trong thâm tâm bị cáo không có ý định lừa gạt các bị hại, gia đình bị cáo hoàn cảnh khó khăn nên hai bên có thể tự giải quyết dân sự.

Sau đó, chị Trang đồng ý mức giá bồi thường 5 triệu đồng và cùng các bị hại khác đồng loạt xin giảm án cho bị cáo.

Trao đổi với PV trong giờ nghị án, vợ của Cường cho biết đã nên duyên vợ chồng với Cường tại Trung Quốc và sinh con tại Ba Vì. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên mong HĐXX cho chồng mình được hưởng án treo vì Cường là lao động chính trong gia đình.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX đã quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Cường 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 4 năm./.

Đọc thêm