Bầu Kiên: “Ở Việt Nam không ai có thể lừa được anh Long”

(PLO) - Diễn biến đại án bầu Kiên hôm qua 26/5 càng lúc càng “nóng” với phần xét hỏi nội dung cuộc mua bán cổ phần giữa bầu Kiên và bầu Long (tức ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát) khiến bầu Kiên bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
"Bầu" Long e dè nói về quan hệ của mình với "bầu" Kiên
"Bầu" Long e dè nói về quan hệ của mình với "bầu" Kiên
Trong khi bầu Kiên khai ông Long biết rõ số cổ phần này đã được thế chấp cho ACB nhưng vẫn mua thì ông bạn chí cốt một thời Trần Đức Long lại phủ nhận, cho rằng  mình không hề biết…
Ngược lại, rất nhiều người đại diện của phía Hòa Phát được triệu tập đến Tòa đều khẳng định phía Hòa Phát biết rõ số cổ phần này được thế chấp cho ACB nhưng vẫn mua. Nếu phía Hòa Phát biết, nghĩa là bầu Kiên không hề có hành vi lừa đảo và giao dịch của hai bên chỉ đơn thuần là quan hệ kinh tế nhưng đã bị hình sự hóa…  
"Không thiếu tiền để chiếm đoạt tiền của người khác"
Cáo trạng cho biết, tháng 4/2012, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát đã đề nghị mua lại cổ phần Cty Cổ phần Thép Hòa Phát mà Cty ACBI của Kiên đang sở hữu. Mặc dù cổ phần đang bị thế chấp và phong tỏa tại  ACB nhưng bầu Kiên đã giấu thông tin này không cho bên mua biết. 
Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến soạn thảo Quyết định của Hội đồng quản trị thể hiện ý kiến các thành viên trong Hội đồng quản trị đồng ý chuyển nhượng 20 ngàn cổ phần trị giá 264 tỷ đồng. Việc lập khống biên bản họp này đã khiến Thép Hòa Phát tin tưởng là cổ phần chưa bị bảo đảm cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Vì vậy, Kiên và đồng phạm bị cáo buộc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi bầu Kiên tha thiết nói về tình bạn thân thiết với nhau, cùng làm ăn nhiều dự án, cùng đi xem bóng đá ở nước ngoài cả tháng trời và không có chuyện gì giấu giếm nhau thì bầu Long tỏ ra dè dặt, chỉ nói là quen biết Kiên từ năm 2001, là những người yêu thích bóng đá và tuyệt đối không làm ăn với nhau vì Kiên làm kinh doanh, ông là “dân” sản xuất.
Trong khi ông Long nói mình không hề biết cổ phần đã được thế chấp, nếu biết thì đã không hỏi mua thì bầu Kiên khẳng định ông Long đương nhiên biết vì ông đã gặp trực tiếp yêu cầu ông Long nói cấp dưới ký xác nhận thế chấp. Cũng tại phiên tòa, phía Thép Hòa Phát cho rằng đã nhận lại số tiền 264 tỷ bị lừa và thời điểm có đơn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ số cổ phần đã chuyển nhượng là sau khi Kiên bị bắt. 
Với những thông tin này, nhiều người đoán rằng ngay khi Kiên bị bắt, phía Hòa Phát đã rất lo lắng cho khoản tiền đã chuyển đi mà cổ phần vẫn chưa về do đang bị thế chấp nên đã cầu cứu tới cơ quan điều tra thu hồi lại tiền. “Đâm lao phải theo lao”, đến nay Hòa Phát đã thu lại được toàn bộ tiền nhưng vẫn không thể rút đơn khi Kiên đã bị truy tố.  
Hôm qua, sau nhiều ngày nghe “ông bạn” khai tại Tòa và không dám nói thẳng tại Tòa việc mình có ý định lừa đảo hay không, bầu Kiên đã thẳng thắn phát biểu: “Anh Long là một doanh nhân lớn ở Việt Nam với rất nhiều năm kinh nghiệm và bản lĩnh, tôi tin ở Việt Nam hiện nay khó ai có thể lừa được anh Long”. 
Khẳng định mình không lừa đảo, bầu Kiên nói : “Tôi không có nhu cầu tiền để chiếm đoạt 264 tỷ này, tôi không thiếu tiền để chiếm đoạt tiền của người khác trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi không thể chiếm đoạt tiền của Hòa Phát vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm việc này. Tôi kinh doanh 30 năm, cho đến ngày bị bắt tôi không có bất kỳ khoản vay cá nhân nào của tôi, vợ tôi ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Nếu không xảy ra vụ án này thì là nhiều ngàn tỷ, nên tôi không có bất kỳ khó khăn tài chính nào”.
Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế
Điều bất ngờ là tại phiên tòa hôm qua, đại diện Cty Cổ phần Thép Hòa Phát là ông Mai Văn Hà, Phó Tổng Giám đốc, xác nhận đã biết rõ việc số tài khoản này đang được thế chấp tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Ông Hà cho biết, chính ông ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần bị thế chấp cùng với ACBI. Nhưng ông Hà cũng nói sau khi ký xác nhận phong tỏa số cổ phần này thì… quên không thông báo với hệ thống văn thư nên toàn hệ thống công ty không biết.
Trong khi đó, ông Kiều Chí Công (Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát) bất ngờ khẳng định: “Tôi không tố cáo ai cả”. Trong đơn gửi cơ quan điều tra, ông yêu cầu cơ quan điều tra thu hồi tiền của ACBI chứ không phải thu hồi tiền của ông Nguyễn Đức Kiên vì Công ty của ông Công ký hợp đồng với ACBI chứ không ký với ông Kiên. Đến nay, Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã thu hồi được toàn bộ số tiền 264 tỉ đồng và ông Công không đòi thêm khoản tiền nào từ ACBI trong phiên tòa này.
Trả lời Luật sư của bầu Kiên, Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Hòa Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát Trần Tuấn Dương nói về vai trò của mình: “Việc hai pháp nhân ký hợp đồng với nhau tôi là đại diện Thép Hòa Phát, tôi xác nhận hai bên có mua bán, giao kết và chuyển nhượng như vậy. Thế còn diễn biến của việc giao dịch có đúng pháp luật hay chưa đầy đủ thì nó lại là việc khác”.
Ông Trần Tuấn Dương thừa nhận phía Hòa Phát có sơ suất trong việc không thông tin đầy đủ tới lãnh đạo. Bầu Kiên thì xin chịu toàn bộ trách nhiệm cá nhân với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty để trong mọi trường hợp phía Hòa Phát không chịu bất kỳ một thiệt hại nào. Cũng theo bị cáo Kiên, phía ACBI không có sai sót nào mà đây là sai sót mang tính nghiệp vụ kinh tế của phía Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Từ những lời khai trên, các Luật sư bảo vệ bầu Kiên và nhiều người dự khán thấy rằng việc bầu Kiên kêu oan tội lừa đảo, rằng đã bị hình sự hóa quan hệ kinh tế là có cơ sở để xem xét. Hôm nay, Tòa tiếp tục phần xét hỏi./.

Đọc thêm