"Bầu" Kiên vẫn khẳng định Công ty Thiên Nam không kinh doanh trái phép

(PLO) - Ngày thứ 2 phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo. Bị cáo Kiên vẫn một mực khẳng định Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trái phép.
Bầu Kiên được dẫn giải vào phòng xét xử.
Bầu Kiên được dẫn giải vào phòng xét xử.
Sau ít phút trình bày tóm tắt nội dung kháng cáo cho cả 4 tội danh, bị cáo Nguyễn Đức Kiên không đồng ý với những cáo buộc trong nội dung kinh doanh vàng trái phép của Công ty Thiên Nam. Bị cáo biện hộ rằng đây là công ty duy nhất đến nay được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập năm 1995 với nhiều chức năng.
Bị cáo cho rằng nhận định của tòa sơ thẩm là sai lầm, không phải bất kỳ hoạt động kinh doanh vàng nào cũng là kinh doanh có điều kiện, phải xin phép. Khi kinh doanh hàng hoá hay kinh doanh vàng, Công ty Thiên Nam phải tuân thủ 3 văn bản quy phạm pháp luật liên quan: đó là pháp lệnh ngoại hối; nghị định 74 và thông tư 1168 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngoài ra còn quyết định 03 của NHNN về kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Đối chiếu các văn bản này, Công ty Thiên Nam đều không vi phạm.
“Số lượng 11.000 tỷ đồng là trạng thái quy mô giao dịch chứ không phải giao dịch mua bán vì không có bất kỳ giao dịch nào được thực hiện….  Toàn bộ số trạng thái chuyển giao và ngày chuyển giao là âm. Khi kinh doanh với một trạng thái âm thì không phù hợp với truy tố về tội kinh doanh trái phép. Tội này phải bắt buộc có trạng thái dương trên 500 triệu đồng. Công ty Thiên Nam kinh doanh vàng và trạng thái vàng là hợp pháp”. – “Bầu” Kiên khẳng định.
Toà cũng tập trung vào phân tích vai trò của bị cáo Kiên trong việc thực hiện các lệnh giao dịch qua giọng nói.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên diễn giải, căn cứ vào điều lệ của Thiên Nam, việc kinh doanh thuộc thẩm quyền của Tổng GĐ (thời điểm đó là ông Lê Quang Trung- đã mất), không phải thẩm quyền của HĐQT. Việc TGĐ Lê Quang Trung ký hợp đồng với VietBank không phải xin phép HĐQT.
Sau khi hợp đồng này được ký kết, Nguyễn Đức Kiên tổ chức cuộc họp HĐQT, nội dung giao cho Kiên là người thông báo lệnh mua bán cho bên ACB về hạn mức qua điện thoại.
“Do hệ thống ghi âm của ACB không nhận được giọng nói của anh Trung nên anh Trung có yêu cầu tôi đặt lệnh bằng giọng nói tất cả những lệnh của anh Trung… Tôi khẳng định, tất cả các lệnh gọi điện đến cho ACB, tôi là người gọi điện đến, để thực hiện lệnh của anh Trung”- bị cáo nói.
"Bầu" Kiên cũng khẳng định, dù có lệnh bằng giọng nói của mình nhưng nếu không có phiếu lệnh (của ông Trung) thì giao dịch bị dừng ngay lập tức để các bên xác nhận lại.
Sau khi bị cáo Kiên trình bày, buổi sáng và buổi chiều cùng ngày, HĐXX đề nghị Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần xi măng Hòa Phát, Công ty cổ phần hàng hóa Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam, đại diện Cty cổ phần đầu tư AFG, ACI, ACI HN và Công ty cổ phần đầu tư ACB, Vietbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Dệt may Phố Nối … xác nhận các số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư tại 5 công ty của "bầu" Kiên. Các đơn vị xác nhận số liệu đầu tư mà hội đồng xét xử đưa ra là đúng.
HĐXX cũng tập trung hỏi các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan để xác nhận một số lời khai và nội dung thông tin trong bản án./.

Đọc thêm