Bị cáo điều trị bệnh tâm thần vẫn bị triệu tập ra Tòa

(PLO) - Người chồng đem ô tô của vợ đi cầm để làm ăn và bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”, rồi sau đó thay đổi tội danh thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mặc dù còn nhiều tranh cãi pháp lý về vụ án nhưng bị cáo vẫn bị tuyên án 7 năm tù.
Vì chiếc xe Toyota mà mất hết tất cả, bị cáo đã rơi vào trạng thái hoảng loạn cực độ
Vì chiếc xe Toyota mà mất hết tất cả, bị cáo đã rơi vào trạng thái hoảng loạn cực độ
Sau đó, VKSNDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, còn TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và chuyển hồ sơ cho TAND TP.Hà Nội xét xử phúc thẩm lại nhưng trong lúc đợi hầu tòa lần nữa, người chồng đã phát điên…
Người chồng lâm vào hoàn cảnh bi đát trên là Vương Thế Anh (SN 1976, thường trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Thế Anh và chị Nguyễn Ngọc Diệp (SN 1979, thường trú tại 183 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) được gia đình hai bên tổ chức lễ thành hôn vào ngày 24/12/2004. Tháng 4/2007, họ sinh con gái đầu lòng, sau đó hai người  đăng ký kết hôn.
Day dứt lý - tình
Ngày 12/4/2009, ông Nguyễn Bích Sử - bố đẻ chị Diệp viết giấy giao cho hai vợ chồng toàn quyền quản lý, sử dụng chiếc xe Toyota 7 chỗ để khai thác kinh doanh tour du lịch. Sáng 11/8/2009, Thế Anh báo với chị Diệp là có khách hẹn thuê xe đi Phú Thọ. Đến chiều, chị Diệp được biết Thế Anh đem cầm xe ô tô lấy 200 triệu để làm ăn nên đã làm đơn đề nghị Công an quận Tây Hồ xử lý Thế Anh trong tâm trạng “bức xúc và nôn nóng muốn tìm lại tài sản”.
Ngày 26/8/2009, Thế Anh và gia đình đã đi chuộc chiếc xe trên trả lại cho gia đình chị Diệp. Ông Sử và chị Diệp đã làm đơn bãi nại xin rút đơn tố giác và đề nghị xin miễn truy cứu trách nhiệm cho Thế Anh. Tuy nhiên, ngày 16/7/2010 – tức gần một năm sau khi xảy ra sự việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ lại ra quyết định truy nã Thế Anh. Đến phiên tòa sơ thẩm (lần thứ 4), Viện kiểm sát thay đổi tội danh đề nghị xử phạt Thế Anh từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
VKSNDTC đã có bản Kháng nghị giám đốc thẩm số 23 ngày 30/10/2012 nhấn mạnh: “Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng có nhiều vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm, xác minh tin báo tội phạm, đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tống đạt các quyết định tố tụng cho Vương Thế Anh”. Kháng nghị số 23 đề nghị Tòa Hình sự TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy hai Bản án số 87 và số 239 đối với Thế Anh để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 22/4/2013, Tòa Hình sự TANDTC đã ra Quyết định giám đốc thẩm cho rằng việc kết án Thế Anh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ. Tuy nhiên, xét thấy hậu quả vật chất của vụ án đã được khắc phục trước khi vụ án được khởi tố; sau khi phạm tội, Thế Anh đã ra đầu thú và khai báo toàn bộ sự việc, ăn năn hối cải; trong quá trình giải quyết vụ án, người bị hại đều xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, vì thế mức phạt 7 năm tù mà Tòa án cấp phúc thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc so với tính chất, hậu quả của vụ án. Từ đó, TANDTC tuyên hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 239 của TANDT TP.Hà Nội, chuyển hồ sơ cho TAND TP.Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại.
Nên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo?
Do không thể sống trong nỗi tủi nhục cũng như áp lực về tinh thần, người vợ đã quyết định ly hôn và mang con theo. Phút chốc mất hết tất cả cộng thêm sự uất ức, suy nghĩ quá nhiều, Thế Anh đã rơi vào trạng thái hoảng loạn cực độ, buộc gia đình phải đưa vào bệnh viện và được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chẩn đoán bị phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp.
Trước đó, nhiều Luật gia quan tâm đến vụ án này đã có chung quan điểm về việc nên hay không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Vương Thế Anh. Các Luật gia phân tích rằng, giả sử tại thời điểm giao xe cho vợ chồng Thế Anh, ông Sử thực hiện các thủ tục pháp lý về tặng cho tài sản thì đương nhiên hành vi của Vương Thế Anh không phạm tội. 
Hơn nữa, tại thời điểm khởi tố vụ án thì hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn, bị hại thừa nhận có sự “hiểu lầm”, hiện tại hai vợ chồng bị cáo đã đăng ký kết hôn. Hành vi của Vương Thế Anh lúc này không còn nguy hiểm cho xã hội, nên miễn trách nhiệm cho bị cáo để thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì diễn biến sự việc đã khác, có thể nói tình trạng của Vương Thế Anh hết sức bi đát khi bị vợ ly hôn, gia đình tan vỡ, bản thân bị cáo mắc bệnh tâm thần. 
Được biết, trước tình trạng bệnh của Thế Anh như vậy, gia đình bị cáo đã nộp đơn trình bày và đề nghị Tòa trưng cầu giám định tâm thần cho bị cáo nhưng TAND TP.Hà Nội liên tiếp có giấy triệu tập Thế Anh và bố mẹ đến tham gia tố tụng phiên tòa phúc thẩm. 
Điều này khá khó hiểu bởi lẽ trong trường hợp này, theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999, tuy có hành vi phạm tội trong lúc có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng hiện Thế Anh đã mắc bệnh tâm thần trước khi bị kết án thì cần được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; sau khi khỏi bệnh, Thế Anh mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đọc thêm