Biên phòng “cắm chốt” chống vận chuyển tiền giả

(PLO) - Trước diễn biến phức tạp của tội phạm buôn lậu vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam qua biên giới Lạng Sơn, lực lượng chức năng tỉnh này đã phối hợp tăng cường kiểm soát phát hiện ngăn chặn. Trên toàn tuyến biên giới, lực lượng biên phòng thường xuyên tổ chức các điểm chốt, chốt chặn 24/24 giờ. 
Đối tượng vận chuyển tiền giả bị bắt tại Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh
Đối tượng vận chuyển tiền giả bị bắt tại Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh
Tiền giả: dễ mua, khó bắt
Trước tết, việc Công an Cần Thơ phát hiện phi vụ “khủng” về mua, tiêu thụ trên 1 tỷ đồng tiền giả do đối tượng Lâm Thị Xuân Thùy cầm đầu. Thùy khai từ Cần Thơ ra biên giới Lạng Sơn - Trung Quốc để mua tiền giả và mang đi lưu hành tại các tỉnh miền Tây. Vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mua bán, vận chuyển tiền giả tại các tỉnh biên giới, trong đó Lạng Sơn là “tâm điểm”. 
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy tội phạm vận chuyển tiền giả tại biên giới Lạng Sơn – Trung Quốc đang ngày một gia tăng với thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp. Các đường dây tội phạm tuồn tiền giả về Việt Nam được hình thành một cách có tổ chức, có cả những tụ điểm buôn bán tiền giả xuyên quốc gia. Đơn cử như năm 2013, Công an Bằng Tường (Trung Quốc) đã triệt phá 1 tụ điểm buôn bán tiền giả, bắt giữ 4 nghi can (3 người Trung Quốc, 1 Việt kiều định cư tại Bằng Tường), thu giữ 446 triệu đồng tiền Việt Nam giả.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, qua công tác theo dõi nắm tình hình và kết quả khai thác đấu tranh với các vụ án về tiền giả, xác định tiền giả VND vẫn được sản xuất in ấn ở nước ngoài. Phương thức hoạt động của tội phạm tiền giả rất tinh vi, đa dạng, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc hình thành đường dây, ổ nhóm có sự phân công trách nhiệm trong từng khâu vận chuyển tiền giả qua biên giới vào sâu trong nội địa nước ta. 
Trung tá Vũ Quốc Ân - Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh cho biết, các đối tượng bên kia biên giới lén lút, câu móc với đối tượng người Việt Nam và tìm mọi thủ đoạn, lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để tổ chức vận chuyển tiền về. Các đối tượng này lợi dụng việc qua lại đường mòn biên giới, nhất là những nơi trọng yếu để vận chuyển tiền giả về. 
Các đối tượng cất giấu tiền giả trong hàng hóa, đồ vật mang theo, dưới lót giày và thậm chí giấu trong cơ thể. Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng biên phòng đã bắt giữ những đối tượng cuộn tiền giả thành cuộn như quả chuối và đút vào hậu môn, song cũng có đối tượng ngang nhiên vận chuyển từng bọc tiền giả và thản nhiên xách qua biên giới. 
Tháng 8/2013, Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh trong 2 ngày bắt được gần 1 tỷ đồng tiền giả. Cả hai vụ này, các đối tượng đều vận chuyển bằng cách đóng thành bọc vuông vức rồi cho vào túi nilon màu đen, xách qua đường mòn biên giới.
Khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng mua bán, vận chuyển tiền giả thường khai mua tiền giả của đối tượng người Trung Quốc nhưng là người không quen biết, không biết tên tuổi và địa chỉ ở đâu. Tiền giả VND chủ yếu mang mệnh giá 500 ngàn đồng và 200 ngàn đồng. 
Các đối tượng bán tiền giả sẽ thuê người vận chuyển tiền giả về tập kết ở khu vực cửa khẩu biên giới, các cặp chợ giáp biên như: Pò Chài, Lũng Vài, Lũng Nghịu, Ái Điểm thuộc Quảng Tây, Trung Quốc, sau đó thuê người vận chuyển qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ. Thời gian gần đây đã hình thành đầu mối cung cấp tiền giả tại khu vực Hạ Đống, Long Châu tiếp giáp khu vực xã Tân Minh, Tràng Định, Lạng Sơn, thậm chí ngay trong khu vực chợ cửa khẩu Tân Thanh cũng có đối tượng bán tiền giả. 
Cần giải pháp ngăn chặn “tại gốc”
Theo nhận định của Trung tá Vũ Quốc Ân, tình hình mua bán, vận chuyển tiền giả tại khu vực biên giới Lạng Sơn “nóng” trong thời gian qua là do sự hợp tác giữa hai nước trong hoạt động đấu tranh phòng chống tiền giả chưa phát huy hiệu quả cao. Qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tiền giả, các đối tượng vi phạm đều khai họ không khó khăn gì khi mua tiền giả ở bên kia biên giới. Mặc dù các chợ bên kia biên giới không bày bán tiền giả công khai nhưng khi hỏi là… có.
Do tiền giả có đặc thù dễ mua, dễ cất giấu, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển tiền giả kiếm lời. Trong khi đó chi phí để mua tin đấu tranh với loại tội phạm này còn thấp và nhiều bất cập, phí giám định tiền giả tại cơ quan chức năng lại cao, góp phần làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. 
Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tiền giả, mới đây Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2013 tới nay, các đồn biên phòng cửa khẩu đều tổ chức các điểm chốt chặn trên toàn tuyến biên giới, chốt chặn 24/24 giờ/ngày. Nhờ đó, từ tháng 8/2013 tới nay, toàn tuyến biên giới Lạng Sơn tình hình vận chuyển tiền giả đã “giảm nhiệt”, thậm chí khá “yên ắng”. 
Tuy nhiên, để ngăn chặn thực sự hiệu quả loại tội phạm này,  chốt chặn chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa hai nước trong hoạt động này, trong đó phía bạn cần mạnh tay triệt phá các tụ điểm sản xuất, các “ông bà trùm” buôn bán tiền giả xuyên quốc gia.

Đọc thêm