Bộ trưởng Công an nói về những khó khăn trong phòng chống tội phạm mạng

(PLVN) - Mới đây, báo cáo với Quốc hội về vấn đề truyền thông mạng và an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Đây là vấn đề toàn cầu hóa. Tất cả các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và không có một diễn đàn quốc tế nào, từ Liên Hợp quốc cho đến các diễn đàn khu vực không có chủ đề bàn về vấn đề này. 
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Công an Tô Lâm

“Chúng tôi cũng thấy không có một quốc gia nào đủ lực để có thể đối phó được với vấn đề về an ninh mạng, phải có liên minh, liên kết với nhau để xử lý vấn đề này. Đây là vấn đề của toàn cầu, trong đó Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

“Cụ thể, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, có người nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng thực sự trên nhiều vấn đề. Đây là vấn đề rất phức tạp”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, “vừa qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành rất nhiều nghị quyết, luật để giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước”.  

Về vấn đề phòng chống tội phạm mạng, Bộ trưởng Tô Lâm nêu lên một số khó khăn. Đây là loại tội phạm ẩn danh, phương thức hoạt động trên tất cả các mặt đời sống kinh tế, văn hoá. Chúng ta mới quan tâm đến những mặt hoạt động cụ thể nhưng không chỉ là khủng bố mà chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng, những vấn đề thương mại điện tử từ nguồn gốc xuất xứ, hàng thật, hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, chiếm quyền điều khiển từ xa từ nước ngoài… đều có thể diễn ra trên không gian mạng, trên thương mại điện tử, thậm chí còn can thiệp vào bầu cử như một số nước trên thế giới này. 

Vấn đề tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ đã vượt lên trên sự quản lý của một thể thức ngân hàng và vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia của nhiều nước; vấn đề cờ bạc trên mạng, tội phạm xâm hại trẻ em. Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang phối hợp với các ngành triển khai công tác để bảo đảm an ninh, an toàn mạng.  

Đề cập đến sự quan tâm của đại biểu về vấn đề dữ liệu dân cư quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vượt qua khó khăn về nguồn vốn, mọi việc đang tiến hành tốt, có thể đáp ứng được các yêu cầu của công việc này. Giữa kết nối thông tin dữ liệu quốc gia trong thành phần Chính phủ điện tử, ngoài việc thực hiện công việc này để có kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, địa phương và người dân, phải quan tâm đến việc bảo vệ bí mật quốc gia. Vì dữ liệu này cũng như dữ liệu chung của các loại dữ liệu đều là tài nguyên quốc gia, là chủ quyền quốc gia. 

Về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng trong khi chúng ta kết nối những dữ liệu chung với nhiều vấn đề thuộc về đời tư. Hiện nay, không chỉ có cơ quan nhà nước mới tạo ra được những dữ liệu riêng mà cũng có nhiều tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân cũng đã tạo ra những phương thức để thu thập những thông tin dữ liệu cá nhân. Ví dụ như trên mạng xuất hiện xem bói, bán hàng, những dịch vụ khác để tập hợp lại cũng tự tạo thành những dữ liệu khách hàng để phục vụ cho những vấn đề này. 

Theo Bộ trưởng Công an, chúng ta đã trao đổi với rất nhiều nhà mạng quốc tế, nhà làm luật, các nghị sĩ, các nhà quản lý, hoạch định chính sách của nước ngoài, hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến những vấn đề an ninh mạng. Qua tổng kết, trao đổi những kinh nghiệm, chúng ta công khai đưa những vấn đề quản lý ngành liên quan đến những hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài về vấn đề kinh doanh mạng ở Việt Nam, từ đó công khai những vấn đề đưa vào luật để quản lý, đây là nguyện vọng của nhân dân đưa ra trong xây dựng luật. Chúng ta thấy các nước phạt nhà mạng đến cả tỷ đô la, thậm chí mời cả những nhà mạng ra điều trần Quốc hội, nhưng chúng ta không làm những việc như vậy. 

Những vấn đề vi phạm của các nhà mạng quốc tế đưa ngay vào luật một cách công khai để phổ biến toàn dân và để bảo đảm luật pháp Việt Nam cũng được thi hành một cách rất nghiêm túc. Bộ Công an cũng rất ủng hộ sự phát triển về công nghệ mạng, coi đây như là hệ tuần hoàn, huyết mạch rất quan trọng của cơ thể con người đầy sức sống.

“Bộ Công an quan niệm, chúng tôi như các bác sĩ tim mạch tuần hoàn, giữ làm sao cho hệ tuần hoàn đó thông suốt, cho đất nước được thông suốt, không có gì cản trở cả. Làm sao cho nó nhiều oxy, ít CO2, nhiều máu đỏ, ít máu đen, bảo đảm sao cho nó không đột quỵ, không đứt mạch, không tắc nghẽn, không có vấn đề cản trở hoặc không phát triển hệ thông tin mạng ở Việt Nam”, Bộ trưởng Công an nói.

Trước đó, sáng 5/11/2019, giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đối với vấn đề ma túy, chúng ta đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn. 

Một là, áp lực về tội phạm ma túy từ bên ngoài vào chúng ta rất lớn. Việt Nam có đường biên giới dài, cả đường bộ, đường biển rất khó kiểm soát. Đây là vấn đề mang tính chất khách quan, dù muốn hay không.

Hai là, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng, con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều so với thống kê những người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Công tác cai nghiện chưa hiệu quả và gặp nhiều khó khăn. Số người nghiện ma túy hiện đang tạo áp lực rất lớn lên các vấn đề xã hội là nguyên nhân nhiều loại tội phạm khác. Giải quyết vấn đề người nghiện là một trong những thách thức lớn nhất để giảm hoạt động của tội phạm ma túy hiện nay, bởi còn người nghiện thì còn nhu cầu sử dụng ma túy, sẽ kích thích các đối tượng bằng mọi cách mua bán, vận chuyển ma túy, đây là vấn đề siêu lợi nhuận.

Ba là, nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra nhưng cũng chậm được giải quyết, những vấn đề đơn giản hóa các thủ tục đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung, vấn đề giám định hàm lượng các chất ma túy, vấn đề hướng dẫn áp dụng một số điều luật về tội phạm ma túy… đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên thực tế, đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến.

Bốn là, do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn nên nguồn lực cho công tác, phòng, chống ma túy mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng chưa tương xứng với tình hình phức tạp hiện nay. Lực lượng, kinh phí, phương tiện cho các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đọc thêm