Các nạn nhân trong vụ nổ ở Văn Phú có được bồi thường?

(PLO) - Vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội đã gây thiệt hại lớn về cả người lẫn của. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Tự Quyết thì pháp luật quy định những nạn nhân bị thiệt hại khó có cơ hội nhận được đền bù.
Hiện trường vụ nổ lớn ở khu đô thị Văn Phú
Hiện trường vụ nổ lớn ở khu đô thị Văn Phú

Sau khi xảy ra vụ nổ lớn ở khu đô thị Văn Phú vào khoảng 13h30 ngày 19/3, PV báo PLVN đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Tự Quyết,  Công ty Luật TNHH Châu Á – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để trao đổi thêm thông tin về việc đền bù thiệt hại sau sự việc.

Theo luật sư Quyết thì các cơ quan chức năng đã tiến hành thống kê thiệt hại do vụ nổ kinh hoàng  trên khiến 4 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Trong đó có 140 căn hộ bị ảnh hưởng, căn hộ số 15 dãy TT9 bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ cửa, mái hiện trước, tường bị phá hủy toàn bộ. Trong nhà gạch vữa đều ngổn ngang, cầu thang bị sập, ban công tầng 2 cũng bị phá hủy.

Các mảnh vỡ từ kim loại, kính dưới sức ép của vụ nổ văng xa hàng trăm mét, găm chi chít vào tường các căn hộ, làm hư hỏng một số thiết bị sinh hoạt, công trình công cộng.

Theo thống kê có đến 95 căn hộ bị vỡ kính, rung chấn làm bung cửa, nứt tường. Đó là chưa kể nhiều gia đình bị hỏng hóc toàn bộ hệ thống đèn điện, tivi, điều hòa…

Theo tài liệu điều tra, anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu gom phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ.

Chiều ngày 19/3, anh Cường dùng đèn khò để cắt phá khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45cm, dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg. Trong quá trình cắt phá, khối kim loại đã phát nổ, gây ra hậu quả thảm khốc.

Luật sư Quyết nhận định, nạn nhân Phạm Văn Cường là người trực tiếp gây ra thiệt hại trên đã chết nên không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về Tội tàng trữ vật liệu nổ theo Điều 232 BLHS.

Còn về trách nhiệm dân sự cũng không có căn cứ để bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo Điều 623 Bộ luật Dân sự và theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì người trực tiếp gây thiệt hại đã tử vong.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Theo quy định về quản lý sẽ có 2 đơn vị phải chịu trách nhiệm, thứ nhất là Quản lý thị trường (liên quan đến hàng hóa lưu thông trên địa bàn) và Sở Kế hoạch – Đầu tư (liên quan đến việc quản lý kinh doanh).

Để truy trách nhiệm của các cơ quan này, phải xác định rõ, ông Cường là hộ kinh doanh cá thể hay không. Nếu là Hộ kinh doanh cá thể thì do ủy ban quản lý.

Cũng cần phải xác định quản lý thị trường quản lý hàng hóa lưu thông trên địa bàn có đủ điều kiện để lưu hành hay không.

Ngoài ra, Cảnh sát môi trường cũng liên quan đến việc nếu ông Cường không có giấy phép kinh doanh mà vẫn tự hoạt động kinh doanh trong một thời gian như vậy.

Trong trường hợp có đăng ký kinh doanh thì đơn vị nào cấp? Vì khi cấp phép kinh doanh thì họ phải có trách nhiệm quản lý và giám sát. Nếu không có giấy phép kinh doanh thì trách nhiệm thuộc về Cảnh sát môi trường và Quản lý thị trường.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo lãnh đạo ngành y tế Hà Nội, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tận tình cứu chữa, huy động tối đa phương tiện, thuốc men tốt nhất để điều trị cho các nạn nhân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông miễn toàn bộ chi phí điều trị nạn nhân vụ nổ.

Điều 232: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định:

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự - Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự: Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.”

Đọc thêm