Cậu trò nghèo mê đèn sách mất mạng dưới tay nam sinh hiếu học

(PLO) - Gia cảnh khó khăn, Hoàng Văn Luận (SN 1992, trú Thôn 20, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đành "xếp bút nghiên" đi làm thuê để tích tiền làm lộ phí học tập trong tương lai. Ai ngờ, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp vốn là kẻ tâm thần, khiến Luận phải gác ước mơ đèn sách lại mãi mãi… 
Bị cáo Đỗ Quốc Phương trước vành móng ngựa
Bị cáo Đỗ Quốc Phương trước vành móng ngựa

Ước mơ đèn sách mãi gác lại

Luận là con út trong gia đình có ba chị em. Bố mẹ Luận quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Từ bé, Luận đã luôn chăm chỉ học hành với hi vọng sau này lớn lên sẽ có tương lai giúp đỡ cũng như phụng dưỡng bố mẹ đến tuổi già yếu. Chính vì vậy, trong thời gian đi học, Luận luôn cố gắng và suốt 9 năm nằm trong top học sinh khá, giỏi. 

Tuy nhiên, khi vừa thi đỗ cấp 3, chưa kịp mừng thì Luận đành phải "xếp bút nghiên" vì trường xa, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không đủ tiền để sắm chiếc xe cho Luận đi học. Thương bố mẹ nên dù ham học nhưng Luận cũng chỉ biết ngậm ngùi. Luận tạm xin nghỉ học và nghĩ đến việc sẽ đi làm thêm để tích góp tiền tự nuôi thân đi học, nếu dư dả sẽ phụ giúp bố mẹ. 

Suy nghĩ của cậu thanh niên 15 tuổi khiến người làm cha làm mẹ không khỏi xúc động, xót xa. Hôm Luận chia tay gia đình xuống Hà Nội xin việc, bố mẹ còn không đủ tiền làm lộ phí cho cậu đi xe khách, mà phải vay mượn họ hàng. Nghĩ đến việc ấy, cậu thiếu niên khóc ròng từ lúc ra khỏi nhà tới lúc chia tay người thân lên chuyến xe… 

Vừa xuống Hà Nội, với hình dáng ưa nhìn và nhanh nhẹn Luận nhanh chóng được nhận vào làm bảo vệ tại một quán bia ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong thời gian đi làm để tiết kiệm tiền nên Luận không thường xuyên về nhà, khi nhớ gia đình thì lại mượn điện thoại của đồng nghiệp gọi về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và tình hình quê nhà. 

Ngỡ rằng cậu thiếu niên có chí, có hiếu như Luận sẽ gặp được nhiều may mắn trong công việc. Nhưng không ngờ, chỉ sau 2 tháng được làm việc Luận đã gặp phải tai họa không ngờ, vong mạng trước lưỡi dao của đồng nghiệp chỉ vì vài mâu thuẫn cỏn con. 

Sự việc đau lòng xảy ra vào khoảng 23h ngày 22/4/2009, trong lúc trả xe cho khách chỉ vì câu nói bâng quơ, có phần tục tĩu của Luận khiến Đỗ Quốc Phương (ngụ thôn Tứ Giáp, xã Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam) phì cười.

Tuy nhiên, thấy Phương cười, Luận cho rằng đồng nghiệp cười đểu mình, dẫn đến hai bên xảy ra xô sát tranh cãi nhau. Hậu quả, Luận bị Phương truy sát dẫn tới tử vong. Còn Phương gây án xong, vứt hung khí và bỏ chạy nhưng bị người dân bắt giữ và giao cho cơ quan công an xử lý.

Gây án trong trạng thái bị kích động

Tại Cơ quan điều tra, Phương được giám định pháp y và xác định tại thời điểm gây án hung thủ bị bệnh tâm thần phân liệt (Paranoid). Một dạng bệnh không thể kiểm soát được hành vi của mình và thường có phản ứng dữ dội khi bị kích động.

Vì vậy, cơ quan tố tụng đã quyết định tạm đình chỉ vụ án để điều trị bệnh cho hung thủ. Sau 7 năm điều trị, bệnh tình của Phương đã có dấu hiệu thuyên giảm, cơ quan tố tụng phục hồi điều tra và đưa đối tượng ra xử lý trước pháp luật

Đứng trước vành móng ngựa, trong phiên tòa bị cáo luôn bứt dứt và tỏ rõ sự ngờ nghệch và trước bất cứ câu hỏi nào của HĐXX bị cáo cũng chỉ duy câu trả lời duy nhất: “Không nhớ”. Thậm chí, bị cáo còn ảo tưởng, hành vi sát hại anh Luận vì có một thế lực siêu nhiên sai khiến và thúc giục.

Đến khi nói lời sau cùng, bị cáo cũng không một lần quay lại xin lỗi gia đình nhà bị hại mà chỉ xin HĐXX nếu phải chết thì “cho một viên thuốc” để khỏi đau đầu.

Ngồi ở hàng ghế đầu, chị Đỗ Thị Hương (chị gái bị cáo) kể, Phương rất hiếu học từ bé, đã có mơ ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Ngoài thời gian học Phương thường giúp đỡ bố mẹ việc nhà, thời gian nghỉ hè Phương thường đi làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. 

Bố mẹ thấy Phương có ý chí, nên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn cố gắng vay mượn nuôi Phương ăn học. Niềm vui vỡ òa với gia đình chị khi Phương thi đậu vào một trường đại học có tiếng trên Hà Nội, đúng chuyên ngành Phương mơ ước. Nhưng khi vừa kết thúc năm nhất đại học, Phương bắt đầu có những dấu hiệu buồn rầu, chán nản, mất ngủ và thường hay la hét. 

Trước những dấu hiệu ấy, Phương được gia đình đưa đi khám bệnh thì phát hiện mắc căn bệnh trầm cảm. Bao nhiêu hi vọng trước mắt sụp đổ, gia đình đành tạm gác việc học của Phương để chữa bệnh. Trong quá trình điều trị, vì hoàn cảnh khó khăn và bệnh tình của Phương cũng thuyên giảm, nên gia đình xin cho điều trị bệnh tại nhà. 

Khi về nhà, Phương luôn thu mình lại, mặc cảm và ngại tiếp xúc với mọi người. Thương con, nhưng thấy con sống khép kín, sợ bệnh tình sẽ nặng hơn nên bố mẹ đành cho Phương tới Hà Nội làm thuê tại quán bia nói trên, để được tiếp xúc cũng như gặp gỡ mọi người. 

Chị Hương cho biết, khi gia đình chị nhận được tin Phương gây án cả gia đình chị như sụp đổ. Mẹ chị do quá đau buồn nên ốm và mất. Năm 2012, bố cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo (ung thư phổi) mà qua đời, còn người em út thì bị bạn bè rủ rê nên đã bén duyên với ma túy. Hiện tại, gia đình còn mình chị Hương vừa lo cho các con, vừa lo vào thăm Phương ở trại tâm thần.

“Em tôi mắc bệnh tâm thần, gia đình tôi có lỗi khi không điều trị dứt điểm cho em. Em ấy đi làm, lần nào gọi điện về cũng bảo uống thuốc đầy đủ và không gây sự với ai. Nào ngờ, tai họa lại giáng xuống như vậy. Tôi mong tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho em tôi để em sớm được trở về nhà chữa bệnh. Khó khăn mấy tôi cũng khắc phục được…” chị Hương khẩn thiết.

Về phía gia đình nhà bị hại ông Dương (bố nạn nhân) cho biết, từ khi sự việc đau lòng xảy ra. Biết được hoàn cảnh gia đình bị cáo nên ông nhẫn nại, không gây áp lực hay căng thẳng mà kiên nhẫn chờ sự phán quyết của pháp luật. 

Ông Dương nhớ lại: “Khi nhận được tin con trai bị người người ta đâm chết tôi bị sốc, chân tay rụng rời, vội vàng bắt xe xuống Hà Nội đem con về trong đêm để mai táng… Con trai tôi chết khi nó còn chưa đủ 18 tuổi và ước mơ được vào trường cấp 3 học vẫn còn đeo đẳng”. Nhiều lúc ông lại dằn vặt và trách bản thân chỉ vì nghèo khó mà ước mơ đèn sách của con bị gác lại mãi mãi…

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, tòa tuyên phạt Đỗ Quốc Phương 10 năm tù với tội danh “Giết người”. Với mức án này là cơ hội để bị cáo sớm trở về với gia đình để điều trị bệnh. Đây cũng là bài học thức tỉnh những gia đình, có người thân bị bệnh tâm thần nên thận trọng quản lý chặt chẽ cũng như đưa ra phác đồ điều trị dứt điểm bệnh để tránh những sự việc đau lòng xảy ra.

Đọc thêm