Chém vợ rồi uống thuốc sâu không chết nên tự bấm số gọi điện báo công an

(PLO) -Cú điện thoại lúc mờ sáng, anh công an viên hoảng hồn khi nghe người gọi nói:  tui đánh chết vợ tui rồi, tui cũng uống thuốc sâu luôn rồi.
Người chồng gây ra tội ác được đưa đi cấp cứu
Người chồng gây ra tội ác được đưa đi cấp cứu

“Tui đánh chết vợ tui rồi”

Sáng ngày 3/6, người dân ấp Thạnh Phong, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang không khỏi bàng hoàng trước sự việc, ông Lê Văn Nhỏ (tên thường gọi Tám Bóng, 61 tuổi, ngụ địa phương) chém chết người vợ là bà Trần Thị Tuyết Mai (49 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, An Giang) rồi uống thuốc sâu tự tử.

Vụ việc được phát hiện vào khoảng 4 giờ sáng cùng ngày. Lúc này, nạn nhân Mai đã tắt thở, còn ông Nhỏ cũng đã uống thuốc sâu tự tử nhưng may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Sau khi hoàn tất khám nghiệm tử thi và hiện trường, thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình mai táng.

Công an viên ấp Thạnh Phong chưa hết kinh hãi kể lại, sáng hôm đó, khi còn đang say giấc ngủ, anh nhận được điện thoại của ông Nhỏ báo: “Tui Tám Bóng đây, tui đánh chết vợ tui rồi, tui cũng uống thuốc sâu luôn rồi”. Mới nghe, anh công an còn chưa tin nhưng chợt nhớ lại những mâu thuẫn của vợ chồng ông Nhỏ gần đây liền lập tức tới hiện trường.

“Tôi gọi điện báo tin lên công an xã rồi cùng mấy anh em nữa có mặt tại ngôi nhà lá hoang lạnh lúc trời còn chưa sáng. Chứng kiến cảnh tượng trong nhà anh em tôi ai cũng rùng mình”, vị công an viên nhớ lại. Ông Nhỏ lúc đó vẫn ngồi được trên ghế, mặt biến sắc, giọng nói đứt quãng vì thấm thuốc. Dù vậy, người chồng này vẫn còn nhắn lại được mấy câu: “Tui thương vợ tui lắm, nhưng tui đánh chết bả rồi”.

“Cái xã này trước nay chưa bao giờ xảy ra chuyện động trời như vậy. Bà Mai mới về làm vợ ông Nhỏ chưa được 1 năm. Không biết nội tình có chuyện gì mà ra cơ sự này”, một người dân ấp Thanh Phong nói.

Theo nhiều người dân địa phương, tối hôm trước khi xảy ra án mạng, nhiều người vẫn nhìn thấy ông Nhỏ đèo bà Mai đi đâu về. Giữa hai người không hề có biểu hiện mâu thuẫn. Ngôi nhà của vợ chồng ông Nhỏ lại nằm khuất xa so với những nhà khác trong ấp nên đêm đó những ngôi nhà ở gần nhất cũng không nghe thấy gì bất thường.

Lần tìm nguyên nhân

Trước khi đến với bà Mai, ông Nhỏ từng có 2 người vợ. Người vợ thứ hai tên Lưu Thị Vui cùng ông đến xã Đông Thạnh định cư đã vài chục năm nay. Hai người có với nhau 3 người con, 1 trai, 2 gái.

Trong suốt thời gian chung sống với bà Vui, ông Nhỏ tỏ ra là một người đàn ông cộc cằn, khó tính nên hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Chịu không nổi cảnh sống ngột ngạt, họ li dị đã hơn một năm nay. Ông Nhỏ dựng một căn nhà nhỏ bằng lá dừa trên phần đất được chia sau khi chia tay bà Vui.

Ông Nhỏ vốn có ruộng đất, mỗi năm nuôi hai vụ tôm, trồng một vụ lúa, cuộc sống tuy không dư giả nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Ông còn có thêm nghề chạy xe ôm. Sau một thời gian cặp kè với nhiều người, cắm cả đất lấy tiền tiêu xài, ông Nhỏ gặp bà Mai, một người phụ nữ hiền lành cũng đã qua hai đời chồng nên “rổ rá cạp lại”. Họ về chung sống tại căn nhà của ông Nhỏ.

Về phần bà Mai, trước khi gặp ông Nhỏ, bà làm nhiều nghề, buôn bán nhỏ, bán vé số, góp hụi. Sau bao nhiêu năm dành dụm bà cũng để dành được một số vốn kha khá. Gặp được ông Nhỏ sau bao năm sống lẻ bóng một mình, bà cứ nghĩ đời mình sẽ yên ổn với người đàn ông này. Bà không tiếc tiền đưa cho ông Nhỏ chuộc lại đất, mua xe máy mới, đồ đạc trong nhà.

Nhưng người tính không bằng trời tính, ông Nhỏ ban đầu thì dịu dàng với bà nhưng được một thời gian đã lộ rõ tính cách độc đoán, thường xuyên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Dù vậy bà Mai vẫn hi vọng một ngày sẽ thay đổi được người đàn ông này.

Một người dân trong ấp kể: “Tui biết ông Nhỏ mấy chục năm rồi, tui chơi với ổng từ ngày con kênh này còn chưa xẻ. Nhưng sau đó tôi nghỉ chơi, người gì đâu (chỉ ông Nhỏ - PV) mà khó khăn quá, cộc cằn không chỉ với vợ mà với bất kỳ ai. Như vậy ai mà chịu cho nổi”.

Còn một người phụ khác thì nói: “Bà Mai thương ổng Nhỏ thiệt chứ nếu không thì đã bỏ đi lâu rồi. Ông làm bao nhiêu chuyện khiến bả buồn nhiều lắm mà bà ấy có chịu thôi đâu”.

Có một câu chuyện được người dân trong ấp kể lại, đầu năm 2016, bà Mai và ông Nhỏ đi lấy mối cua biển rồi sang Châu Đốc (An Giang) bán. Được mấy vụ, vợ chồng cũng có đồng vô đồng ra. Nhưng cũng có bữa cua ế, khiến họ lỗ vốn. Bà Mai thấy khó bán nên hạ giá cua xuống hi vọng hoàn vốn, nhưng ông Nhỏ không chịu. Lời qua tiếng lại, ông Nhỏ đánh vợ ngay giữa đường, bị công an mời lên phường giải quyết.

“Bà Mai từng khóc kể với tui rằng, đợt đó công an hỏi lý do sao đánh vợ. Ông Nhỏ kêu rằng, “thấy bà Mai lang thang ngoài đường ông thương tình đem về nhà nuôi. Vậy mà bà không biết ơn lấy tiền bạc của tôi nên tôi đánh”.

Lần đó bà Mai nghe chồng nói vậy thì khóc ngất đi, bà ấy không tin là những lời nói đó lại được người đàn ông mình tin tưởng nói ra. Bà đâu dám đi với ổng về nhà đâu, bà thuê xe ôm tự về. Đợt đó tui khuyên bà về lại với con cái đi, bỏ ông đi, chứ với tính khí của ổng có ngày bà lãnh đủ. Vậy mà bà không nghe”, hàng xóm của bà Mai bức xúc kể lại.

Với vợ mới ông Nhỏ đối xử như vậy, còn với người vợ cũ đã ly dị cũng không khá hơn. Thỉnh thoảng bức xúc chuyện gì, ông lại tìm tới chửi rủa, đánh đập. Chính vì tính khí như thế, người đàn ông này càng bị cô lập với hàng xóm, láng giềng.

Bà Mai khi về với ông cũng chỉ quanh quẩn trong nhà chẳng đi đâu, có đi thì cũng đích thân chồng đưa rước. Cuộc sống của hai vợ chồng trôi qua những ngày bình yên, sóng gió lẫn lộn.

Bị cả vợ cũ lẫn vợ mới đâm đơn

Với vợ cũ, ông Nhỏ từng nhiều lần yêu cầu bà đưa sổ đỏ để mình giữ nhưng người phụ nữ này không đồng ý. Nhiều lần bị chồng đe dọa đòi sổ đất, bà viết đơn nhờ ấp Thạnh Phong can thiệp. Người vợ lý giải nguyên nhân không chịu đưa sổ cho chồng giữ là vì sợ ông đem sổ đi cầm cố, vay nóng rồi không có khả năng trả. Còn nếu ông Nhỏ muốn tách sổ thì bà sẵn sàng. Sự việc này đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Còn về người vợ mới, bà Mai sau nhiều mâu thuẫn với chồng, lại nghi ngờ rằng chồng chỉ muốn “đào mỏ” mình nên cũng viết đơn khiếu nại đòi lại tiền. Trong nội dung lá đơn của bà Mai, bà kê rõ từng khoản tiền từ khi về ở với ông Nhỏ. Từ chiếc xe máy trả góp 33 triệu đã trả xong 23 triệu, chiếc tủ thờ gần chục triệu cho đến vài ký xi măng trị giá mấy chục ngàn mua về sửa nhà.

Danh sách “liệt kê tài chính” của bà Mai khiến ông Nhỏ “nóng mặt”. Tuy vậy, bà Mai không đòi lại hoàn toàn số tiền của mình chi ra mà chỉ liệt kê ra đó xem như mình đóng góp vào cuộc sống chung của gia đình. Còn số tiền bà đưa cho chồng chuộc lại đất và một số khoản khác thì bà yêu cầu được lấy lại.

Biết ông chồng không có khả năng chi trả, bà Mai yêu cầu ông chồng viết giấy nợ nhận rằng có mượn bà 1 cây vàng. Ông Nhỏ đã chấp nhận ký vào tờ giấy mượn vàng này. Lá đơn của bà Mai được gửi đi khoảng 10 ngày thì ông Nhỏ chở bà đi rút đơn lại.

“Đó là một ngày trước khi ông Nhỏ giết vợ, hai vợ chồng tới nhà tôi rút đơn lại. Tôi không biết họ đã bàn bạc như thế nào nhưng đã có sự chấp thuận thì tôi trả đơn lại”, công an viên ấp nhận đơn cho biết.

Tưởng chừng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đã được giải quyết nhưng không ngờ ông Nhỏ lại ôm hận trong lòng để rồi gây ra án mạng. Những vết thương trên mình người bà vợ đã phần nào chứng minh sự giận dữ, hận thù của người chồng này.

Cũng trong thời gian bà Mai nộp đơn, một số người dân biết chuyện đã khuyên nhủ người phụ nữ này suy nghĩ thấu đáo để chấm dứt với ông Nhỏ. Bà Mai cũng ngần ngại nhưng rồi lại trở về với chồng.

“Tiền bạc của bà Mai buôn bán cực khổ, dành dụm bao nhiêu năm trời mới có. Nếu tui là bả tui cũng tiếc lắm chứ, nhưng làm sao quý bằng cuộc sống an toàn của mình được. Tui khuyên bà ấy dứt khoát với ông ấy đi, bà ấy không nghe nên chết tội nghiệp”, người hàng xóm nói.

Ngoài ra, người dân ở đây cũng cho rằng bà Mai không có mối quan hệ nào bên ngoài để ông Nhỏ phải ghen tuông. Trong những lần đưa đơn, rút đơn của hai vợ chồng đến ấp ông Nhỏ cũng không đề cập gì đến chuyện vợ mình có mối quan hệ tình cảm bên ngoài.

Căn nhà nhỏ của ông Nhỏ sau án mạng đã trở nên hoang lạnh

Căn nhà nhỏ của ông Nhỏ sau án mạng đã trở nên hoang lạnh

Căn nhà nhỏ xíu, tồi tàn của ông Nhỏ, sau án mạng lại càng hoang lạnh, thê lương hơn. Nhà ở bên sông, xe máy phải gửi nhà hàng xóm, ngồi trên một chiếc bè tự chế mới có thể về nhà. Lối vào căn nhà này lại gập ghềnh đất đá như chính cuộc đời của hai vợ chồng này. Người dân đi ngang có người không dám đưa mắt nhìn vào. 

“Không ở được thì mạnh dạn chia tay đi”

Đó là lời của rất nhiều dân ở xã Đông Thạnh khi biết được cái chết hãi hùng của bà Mai. Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ án xảy ra mà nạn nhân và hung thủ là chồng hoặc vợ. Nguồn cơn của những vụ án đau lòng như thế thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn kéo dài và không giải quyết được. Từ những mâu thuẫn kéo dài này sinh ra những thù hận, khiến vợ hoặc chồng ra tay với người đầu ấp tay gối với mình.

Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng: Để ngăn chặn những án mạng đau lòng như trên thì phải cương quyết ngay từ trong trứng nước. Khi vợ hoặc chồng cảm thấy có những mâu thuẫn không thể hóa giải, những lần cãi nhau, đánh đập thường xuyên thì phải mạnh dạn đưa ra quyết định có nên tiếp tục chung sống hay không.

“Đừng xem thường bất cứ lời đe dọa nào của đối phương. Những người chồng trong những lúc nóng giận thường đe dọa rằng, tôi sẽ làm như thế này, tôi sẽ làm như thế khác với vợ của mình. Những người vợ nghe xong lại nghĩ rằng, chồng mình chỉ nói trong lúc giận dữ thế thôi nhưng rồi cuối cùng chồng làm thật. Thực tế, trong rất nhiều vụ án gia đình đau lòng, hung thủ đều đã có những động thái đe dọa, báo trước nhưng nạn nhân thường không đề phòng nên khi sự việc xảy ra thì không thể tránh, hoặc ngăn chặn được”, vị chuyên gia tâm lý cho hay.

Không chỉ làm tổn thương đến vợ, hoặc chồng của mình, có nhiều trường hợp họ sẽ làm tổn thương thể xác, thậm chí tính mạng của con cái để đối phương phải dằn vặt. Như vậy, vấn đề mấu chốt của các đôi vợ chồng là phải giải quyết gốc rễ của những mâu thuẫn. Và, hãy dũng cảm để đưa ra quyết định có nên tiếp tục sống với người chồng, vợ của mình sau khi nhận ra những vấn đề không thể dung hòa của đối phương hay không./.

Đọc thêm