"Chị Dậu' thời nay và vụ kiện cái chuồng heo bị sập

(PLO) -Ban đầu, người hàng xóm cho rằng, chuồng heo của bà Thu sập là do “gió thổi”. Tuy nhiên, trước đại diện của chính quyền xã, chị Dưa thừa nhận mình đã đập hai lần, khiến chuồng heo của bà Thu sập. Từ đó, bà Thu yêu cầu hàng xóm phải đền bù cho mình tổng cộng 18 con heo con, tương đương với 11 triệu đồng. 
Người phụ nữ bất hạnh tâm sự về chuyện đời mình
Người phụ nữ bất hạnh tâm sự về chuyện đời mình

Bắt đền bầy heo

Theo đơn trình bày của bà Mai Thị Thu (SN 1965, ngụ thôn 4, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), vào năm 2012, bà có xây một chuồng heo với diện tích khoảng 21m2 . Trong quá trình xây dựng, không có ai tranh chấp và bà tiến hành chăn nuôi ổn định. 

Đến ngày 21/11/2015, bà đi làm về thì tá hỏa phát hiện chuồng heo bị sập xuống, nghi do người khác đập phá. Sau khi tìm hiểu, bà biết được, người hàng xóm là Lê Thị Dưa (SN 1977) khi rào lưới B40 quanh vườn đã đập phá chuồng heo.

Bà Thu tố rằng lúc bị đập phá, chuồng trại của mình có hai con heo nái, một con đã đẻ, một con đang mang thai. Khi bị đập phá chuồng, con heo đang mang thai hoảng loạn, nhảy khỏi chuồng, mấy ngày sau đẻ non được 14 con nhưng tất cả đều chết hết.

Sau đó heo mẹ cũng chết nốt vì sức khỏe yếu. Ngoài ra, con heo nái đang có con nhỏ cũng chạy quanh chuồng, giẫm chết bốn heo con, gây thiệt hại liên tiếp về kinh tế với bà. 

Bà Thu bức xúc: “Là hàng xóm với nhau, không ngờ cô Dưa lại khiến tôi lâm vào cảnh khốn cùng như vậy. Tôi vốn đã sống cảnh đơn thân, rất cần tình làng nghĩa xóm để nhờ cậy những lúc trái gió trở trời. Nào ngờ hàng xóm không tốt, còn đi phá hoại tài sản khiến gia đình tôi khánh kiệt”. 

Cũng theo bà Thu, trước khi xảy ra sự việc, giữa bà và hàng xóm đã xảy ra xích mích về đất đai. Do không biết mình đã lấn sang đất của hàng xóm hay chưa, bà Thu nhờ Ban địa chính xã xuống đo đạc, giải quyết. Kết quả cho biết, bà Thu đã xây chuồng heo lấn sang một ít bên đất chị Dưa.

Biết mình sai, bà Thu sẵn sàng di dời chuồng heo. Thế nhưng, khi bà chưa nhờ được người sửa sang, hàng xóm đã “động thủ” trước. 

“Tôi nhờ một người thợ cơ khí trong làng xuống giúp đỡ, làm lại cột sắt để hàng xóm tiện xây hàng rào. Người thợ hứa vài ngày sau sẽ xuống giúp vì đang bận việc. Ai ngờ đùng một cái, phía chị Dưa đã xuống đập sập chuồng heo của tôi”, bà Thu bày tỏ. 

Sau sự việc, chính quyền thôn 4 đã vào lập biên bản hiện trường, tổ chức hòa giải cho hai gia đình nhưng không thành. Đến ngày 24/12/2015, UBND xã tiếp tục tổ chức buổi hòa giải. Tại buổi làm việc, chị Dưa thừa nhận: “Chuồng heo do chính tôi đập để căng lưới”, nhưng người phụ nữ này vẫn tuyên bố: “Tôi không đền”.

Về phần mình, bà Thu yêu cầu chị Dưa phải đền bù ba triệu đồng với bốn con heo con bị mẹ giẫm chết; 8 triệu đồng với 14 con heo con chết vì bị sinh non. Yêu cầu này không được chị Dưa chấp thuận vì: “Bốn con heo chết phải có xác chứng minh rõ ràng, 14 con heo chết trong bụng mẹ là không có căn cứ”. 

Để thông tin được khách quan, PL&TĐ đã tìm đến nhà chị Dưa ghi nhận thông tin. Người phụ nữ này phân trần rằng, chị mua mảnh đất sát nhà bà Thu đã lâu nhưng mới chuyển về ở được vài năm.

Trước đây, hai người là hàng xóm thân tình, thường giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Bản thân chị cũng không muốn làm lớn chuyện, khiến tình xóm giềng rạn nứt. Khi dựng hàng rào, chị cũng đã nhắc bà Thu về chuyện di dời chuồng heo.

“Tôi có nói trước mấy lần chuyện chuồng heo nhưng chị Thu không trả lời. Sau này, bức bí quá nên tôi không nói nữa. Tôi nghĩ việc heo chị Thu chết không phải lỗi của mình nên không đồng ý đền bù”, chị Dưa trao đổi.  

Chị Dậu thời nay

Quay sang phía bên kia bờ rào nơi nhà bà Thu, người phụ nữ đưa PL&TĐ ra chuồng heo bị đập sập, vừa đi vừa cho hay số bà không may, lấy phải người chồng hay rượu, vũ phu. Năm 19 tuổi, bà sinh được con gái đầu lòng nhưng đứa trẻ vắn số, bị bệnh nặng rồi chết khi chưa tròn một tháng tuổi. Sau đó vì gia đình chồng ghẻ lạnh, bà chán nản theo cha mẹ rời Bình Định lên Đắk Lắk tìm kế sinh nhai. 

Tại vùng đất mới, gia đình bà phải buôn bán đồ nhựa, làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm tiền mưu sinh. Sau vài năm chăm chỉ làm lụng, gia đình bà cũng có vốn mua được vài sào đất tại huyện Buôn Đôn, dựng một căn nhà nhỏ.

Tưởng rằng cuộc sống ấm êm, ai ngờ anh trai bà đổ đốn, lao vào cờ bạc, nợ nần chồng chất. Khi không còn khả năng trả nợ, người anh lén bán hết ruộng đất, đẩy cha mẹ già vào cảnh khốn cùng. 

Bà Thu đang che chắn lại phần chuồng heo bị hàng xóm đập
 Bà Thu đang che chắn lại phần chuồng heo bị hàng xóm đập 

Trước tình cảnh đó, bà Thu đành đón cha mẹ về nương náu trong căn nhà nhỏ của mình. Chưa hết đau khổ vì chuyện con cái, cha mẹ, anh em…thì năm 29 tuổi, người phụ nữ này lại hứng chịu một trận hỏa hoạn và phải mang tật nguyền suốt đời.

Năm 1994, khi đã uống một chút rượu trong tiệc sinh nhật bạn, bà Thu trở về nhà, nhóm bếp nấu lại đồ ăn. Xui xẻo thay, trong lúc xào nấu, bà đổ nhầm can xăng vào chảo nóng.  

Sau vụ hỏa hoạn, bà Thu bị bỏng 50% cơ thể, những vùng da ở hai tay và mặt hoàn toàn biến dạng. Sức khỏe giảm sút, lại ít ruộng đất nên khi hết đau, bà Thu chọn nghề lượm ve chai để mưu sinh, nuôi cha mẹ già.

Đến năm 1996, bà nhận một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi làm con gái nuôi để an ủi bản thân; Vì bà biết, với hoàn cảnh của mình, đi thêm bước nữa là điều không thể. Dù là phận gái nhưng khi cha mẹ mất, bà Thu cũng tự tay nhang khói, lập bàn thờ. “Tôi từ mặt hết anh em vì không ai coi cha mẹ ra gì. Số tôi khổ, cứ tiếp chuyện này đến chuyện khác xảy ra”, bà Thu nghẹn giọng. 

Đau thương chưa dừng lại với người phụ nữ bất hạnh. Năm con gái nuôi tròn 15 tuổi, cô bé bị một thanh niên trong vùng giao cấu dẫn tới mang thai. Khi biết chuyện, người nhà chàng trai đã tới xin cưới cô gái nhỏ về làm vợ.

Nghĩ mình phận bạc, cũng mong con nuôi có nơi nương tựa nên bà Thu chấp thuận và không thưa kiện. Nào ngờ sau đám cưới, gia đình đằng trai ngược đãi con bà đủ điều, cô gái trẻ phải ôm bụng bầu trở về cầu cứu mẹ. Sau đó bà Thu mới biết, việc cưới xin chỉ là hình thức chạy tội của nhà trai. Bức xúc trước việc làm vô nhân tính trên, bà đã đâm đơn kiện “con rể” đi tù. 

Hiện bà Thu vừa bán vé số, vừa phụ quán bún gần nhà để có tiền nuôi nấng đứa cháu ngoại. Con gái nuôi của bà lên TP.Buôn Ma Thuột, xin làm nhân viên phục vụ cho một quán cà phê. Lương “ba cọc ba đồng”, mỗi tháng chị này chỉ gửi về hơn một triệu nuôi con.

Ngồi trong căn nhà trống huơ trống hoác, bà Thu chỉ vào vài bức tranh rồi gạt nước mắt khoe: “Dù không ruột thịt nhưng con nuôi rất có hiếu. Hàng tháng nó cũng tranh thủ thời gian thêu tranh, gửi về cho tôi bán.

Gia sản của tôi chẳng có gì quý giá ngoài những bức tranh và mấy con heo nái trong chuồng. Những gì tôi kể hoàn toàn đúng sự thật, mong sao cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, đòi lại công bằng cho tôi”. 

Đến nay vụ việc đã trôi qua hơn bảy tháng nhưng vẫn chưa có cái kết rõ ràng. Trao đổi với PL&TĐ, ông Tạ Đình Nguyên, Phó chủ tịch xã cho hay, vụ việc trên rất nhỏ, nhưng lại khó giải quyết vì bà Thu yêu cầu đền heo chết, trong khi hàng xóm chỉ làm sập chuồng heo. Người đứng đơn là bà Thu chỉ đưa ra được bằng chứng là chuồng heo bị sập, việc heo con chết hay sinh non thì không chứng minh được.

Bởi vậy, xã đã chuyển đơn sang phía công an và các cơ quan cấp cao hơn. “Nếu như bà Thu bắt đền chuồng heo, xã sẽ có biện pháp giải quyết. Đằng này bà Thu yêu cầu hàng xóm đền 18 con heo con nhưng không đưa ra được chứng cứ xác thực. Bởi vậy xã đã chuyển đơn cho tòa án huyện và cơ quan điều tra để giải quyết”, vị phó chủ tịch thông tin.

Đọc thêm