Cô gái massage lập công truy tìm kẻ trốn nợ

(PLO) - Sau thời gian dài truy tìm con nợ, Thắng đã tìm thấy Trung nhờ cô gái làm thuê trong quán massage của mình. Tuy nhiên, thay vì đòi lại được số tiền, Thắng đã rơi vào vòng lao lý vì thiếu hiểu biết pháp luật.
Nhờ Internet, tóm gọn con nợ
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Tuấn Trung (SN: 1981, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) khai có vay của Bùi Quốc Thắng (SN: 1968, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) 400 triệu đồng để kinh doanh. Hai bên thỏa thuận lãi suất là 2000đ/ngày/1 triệu đồng. Nhưng vì kinh doanh vỡ nợ, Trung đã khất lần một thời gian, sau đó bỏ trốn. 
Chị V. T. H. là người làm thuê trong quán massage của Thắng lên mạng và làm quen với một người có  nickname là “trungnhadat”. Chị Nguyễn Thị Liên (là vợ của Thắng) tình cờ biết được và nghi ngờ đó là Trung nên đã dặn chị H khi nào gặp mặt Trung thì báo cho chị Liên biết để xem có đúng là Trung không?
Khoảng 20h ngày 18/5/2013, Trung gọi điện rủ chị Hằng đi uống nước và hẹn gặp nhau tại ngã tư Lê Văn Lương  - Khuất Duy Tiến. Khi gặp mặt Trung tại quán cà phê trên địa bàn, chị Hằng lập tức gọi điện cho chị Liên biết. Chị Liên nhờ Đào Văn Tiến (SN: 1989, trú tại An Thọ, An lão, Hải Phòng)  là nhân viên làm thuê cho vợ chồng Thắng trở chị Liên tới chỗ chị Hằng thì phát hiện ra đó chính là Trung – người vay nợ của vợ chồng chị. Sau đó chị Liên gọi điện cho Thắng đến.
Khi nhận được điện thoại của vợ, Thắng cùng Đỗ Văn Hiếu (SN: 1986, trú tại Mỹ Đức, An Lao, Hải Phòng)  là nhân viên làm thuê cho vợ chồng Thắng lập tức phi xe máy tới.
Khi đến nơi, Thắng, Hiếu và Tiến vào quán cà phê, Trung nhìn thấy Thắng đã bỏ chạy. Bức xúc vì “bạn nợ” bỏ trốn, bị kích động tinh thần nên Thắng đã đuổi theo và đấm vào mặt Trung khiến Trung bị ngã. 
Thắng yêu cầu Trung lên cơ quan Công an để giải quyết việc vay nợ. Thấy vậy, Trung đã xin Thắng không đưa Trung lên cơ quan Công an mà đưa về nhà Thắng để đàm phán. Vì nếu đưa Trung lên cơ quan Công an thì Trung sẽ phải đối mặt với tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nể tình là bạn bè lâu năm, Thắng đồng ý đưa Trung về nhà để đàm phán.

Kế hoạch bất khả thi

Tại nhà của Thắng, Trung tự nguyện viết giấy vay nợ và hai bên đã thỏa thuận tính cả tiền lãi và gốc nợ từ 1 tỷ xuống 600 triệu đồng. Biết khả năng của Trung không trả nợ được, Thắng đã đồng ý phương án mà Trung đưa ra là gán nợ mảnh đất 68m2 với giá 20 triệu/m2 của gia đình Trung cho Thắng để trả nợ.
Sau khi hai bên đàm phán xong, Trung, Thắng, Hiếu, Tiến đã cùng nhau đi uống bia tại địa chỉ 319 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Cùng đi có anh Trần Xuân Anh (SN: 1964, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) và đối tượng Quân (Không rõ lai lịch). 
Tại quán bia, Quân đe dọa Trung: “nếu không trả nợ sẽ giết”, các đối tượng còn lại không ai nói chuyện nợ nần, lúc này Trung nói lời cảm ơn Thắng vì đã không đưa Trung lên cơ quan Công an.
Ba bị cáo tại phiên xét xử ngày 30/09.
Ba bị cáo tại phiên xét xử ngày 30/09. 
Trở lại nhà Thắng, Trung tâm sự: “Đợi mẹ em lên trả tiền cho anh để em thoát khỏi cuộc sống trốn tránh này”. 
Một mặt thì nói với Thắng như vậy nhưng Trung lại âm thầm nhắn tin cho anh Vũ Hữu Huấn (SN: 1983, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) biết là đang bị giam giữ ở nhà Thắng.
Nhận được tin nhắn của Trung, anh Huấn gọi điện cho bà Hồi. Bà Hồi đã đến Công an phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội để trình báo sự việc.
Khoảng 22h30 ngày 19/5/2013, tại nhà Thắng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Thanh Xuân đã bắt giữ được Thắng, Hiếu và Tiến.
Bị hại nhận lỗi, HĐXX tiếc cho các bị cáo vì không hiểu biết pháp luật
Tại phiên tòa ngày 30/9/2014, Trung khai là do bị đánh ở quán cà phê nên tinh thần hoảng loạn mới viết giấy vay nợ, Trung thừa nhận có vay của Thắng 400 triệu đồng, đồng thời Trung lại khai nhận khi đưa về nhà Thắng thì không bị Thắng đánh đập hay bị Thắng đe dọa gì. Trung còn cho biết, việc viết giấy vay nợ là do Thắng đọc cho để viết. Hai bên tự thỏa thuận với nhau và chốt cả gốc lẫn lãi là 600 triệu đồng.
Nhận thấy trong lời khai tại tòa Trung có dấu hiệu lừa dối, Luật sư Lê Văn Kiên – Văn phòng Luật sư ánh sáng công lý hỏi Trung có sự trao đổi và đi tới thống nhất việc trả nợ hay không? Trung lập tức trả lời là có. Đồng thời còn khai nhận thêm là tại nhà của Thắng Trung được cho ăn uống, nghỉ ngơi và tinh thần hoàn toàn bình thường.
Luật sư Kiên đưa ra quan điểm, việc VKSND TP Hà Nội truy tố Thắng về tội cưỡng đoạt tài sản là chưa chính xác và không thỏa đáng.
Tranh luận với quan điểm của Luật sư Kiên, đại diện VKS cũng cho rằng Trung là nguyên nhân chính gây ra vụ việc này. Chỉ vì bức xúc với thái độ của Trung nên Thắng bị kích động tinh thần nên mới làm như vậy. Mặc dù hậu quả chưa đạt nhưng hành vi của Thắng đã cấu thành tội chiếm đoạt tài sản nên việc truy tố của VKSND TP Hà Nội là có căn cứ.
Cả ba bị cáo Thắng, Tiến, và Hiếu đều chấp nhận với tội danh bắt giữ người trái pháp luật. Chỉ vì thiếu hiểu biết về phát luật nên các bị cáo đã vô tình mắc phải hai tội danh trên, HĐXX cảm thấy rất tiếc cho cả 3 bị cáo.
Tại phiên tòa, Trung thừa nhận trong vụ việc này có phần lỗi của mình và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho cả ba bị cáo.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, lời khai của cả bị cáo lẫn người bị hại. HĐXX tuyên phạt bị cáo Thắng 10 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản, 18 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật. Tổng hợp hình phạt mà Thắng phải chấp hành là 11 năm 6 tháng tù giam. Hai bị cáo Hiếu và Tiến mỗi người nhận 18 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật/.

Đọc thêm