Con quỷ mang mặt nạ da người: Công lý chưa kịp thực thi

(PLO) - Sau cái chết của mẹ và anh trai, Eddie Gein bắt đầu có hứng thú tìm hiểu về giải phẫu thi thể người. Hàng đêm, hắn thường mò mẫm tại các nghĩa trang địa phương và đào trộm xác phụ nữ về để phục vụ cho những cuộc thực hành giải phẫu của mình.
Tấm bia mộ của Eddie Gein
Tấm bia mộ của Eddie Gein
Những vụ mất tích bí ẩn
Sau khi thực hành giải phẫu các xác chết, Eddie không phi tang chúng mà… giữ lại để làm đồ dùng trong nhà. Hắn rất thích sưu tầm các bộ phận thi thể người, đặc biệt là đầu và luôn tìm cách để làm dày bộ sưu tập của mình. 
Kể từ những năm 1940 và đầu 1950, cảnh sát ở Wisconsin bắt đầu công bố về những vụ mất tích trong khu vực. Trong đó có 4 trường hợp nổi trội nhất. Đầu tiên là cô bé 8 tuổi có tên Georgia Weckler bị mất tích khi từ trường trở về nhà ngày 01/05/1947. Hàng trăm cư dân khu vực và cảnh sát đã lục soát hơn 10km2 ở Jefferson, Wisconsin nhưng chẳng tìm được bất cứ dấu vết nào.
Sáu năm sau, cũng có một cô gái bị mất tích tại La Crosse, Wisconsin. Ông Hartley gọi điện về nhà không thấy cô con gái 15 tuổi Evelyn nhấc máy. Lo lắng Evelyn gặp chuyện chẳng lành, ông bỏ công việc về nhà và chỉ thấy đôi giày cùng cặp kính của cô bé nằm giữa nhà. Kể từ ngày đó, không có bất cứ thông tin nào về Evelyn ngoại trừ việc cảnh sát tìm thấy chiếc áo cô bé mặc ở gần đường La Crosse. 
Ngày 16/11/1957, chủ một cửa hàng ở Plainfield tên Bernice Worden biến mất và cảnh sát có lý do để nghi ngờ Gein. Con trai nạn nhân nói với cảnh sát rằng Gein có mặt tại cửa hàng vào buổi tối trước khi mẹ mình biến mất và nói rằng sẽ quay lại vào sáng hôm sau. Phiếu bán hàng cho Gein do Bernice Worden ghi được viết vào buổi sáng bà biến mất. 
Ngày 17/11/1957, cảnh sát đến căn nhà ọp ẹp mà Eddie Gein đang sống và kinh hãi khi phát hiện ra cái xác không đầu của Bernice Worden trong nhà kho. Thi thể bà bị treo ngược xuống bằng dây thừng. Nạn nhân bị bắn bởi một khẩu súng và bị hành hình sau khi chết. 
Sau đó, họ bắt đầu xới tung từng mét vuông đất bởi họ nghĩ rằng “gã điên” kia còn chôn nhiều nạn nhân khác xung quanh trang trại bao gồm cả Georgie Weckler, Vitor Travis, Ray Burgess, Evelyn Hartley và Mary Hogan, những người bị mất tích một cách kỳ bí. 
Tiếp tục tìm kiếm ngôi nhà của Gein, cảnh sát tìm thấy xương người, thùng rác làm bằng da người, da của con người trên ghế, sọ người, bát được làm từ sọ người, mặt nạ được làm từ da người, 4 chiếc mũi, 1 chụp đèn được làm từ da trên khuôn mặt con người…
Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Gein đã khai rằng trong khoảng từ năm 1947 – 1952, hắn đã 40 lần ra 3 nghĩa trang vào ban đêm để khai quật thi thể người chết. Gein thường đào mộ những người phụ nữ trung niên mà hắn nghĩ rằng rất giống với mẹ mình.
Chẳng bao lâu sau cái chết của mẹ, Gein bắt đầu đào những ngôi mộ. Gein phủ nhận hoàn toàn việc có quan hệ với xác chết. Hắn nói rằng những xác chết có mùi quá thối. Trong thời gian thẩm vấn, kẻ sát nhân cũng thừa nhận đã bắn chết Mary Hogan – một chủ quán rượu mất tích vào năm 1954. Đầu nạn nhân được tìm thấy trong nhà của Gein nhưng hắn nói không nhớ mình đã giết người như thế nào.
Công lý không thể thực thi
Với từng đó lời khai và tang vật thu được tại hiện trường, cảnh sát quá đủ bằng chứng để đưa Eddie Gein ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, trong thời gian xét xử, hắn được cho là có triệu chứng tâm thần nên được đưa vào bệnh viện trung ương (nay là Dodge Correctional Institution) tại Waupun,Wiscosin. Sau đó hắn được chuyển tới Mendota State Hospital tại Madison, Wisconsin. 
Vào năm 1968, bác sĩ của Edward Gein quả quyết rằng hắn không bị điên và có thể tiến hành xét xử được ngay. Phiên tòa diễn ra vào ngày 14/11/1968, chỉ sau đó 1 tuần. Cảnh sát Arthur Schley của Plainfield, người chỉ huy cuộc đột kích vào nhà tên sát nhân là một trong số những người có thể đứng ra làm nhân chứng chống lại Eddie Gein. Tuy nhiên, ông đã không dám làm điều đó. 
Cảnh sát Schley đã bị khủng hoảng tinh thần khi thấy những thứ kinh khủng trong nhà Gein. Không lâu sau, ông chết do một cơn trụy tim vào tháng 12/1968 ở tuổi 43, sau vụ xét xử Gein 1 tháng. Những người bạn của ông nói rằng ông bị ám ảnh bởi những tội ác của Gein và sợ phải làm nhân chứng trước tòa.
Mặc dù không có nhiều người làm chứng, Gein vẫn bị kết tội là giết người cấp độ 1 bởi Thẩm phán Robert H. Gollmar. Nhưng xét do có biểu hiện của tâm thần nên hắn không bị tử hình, mà được quản lý trong bệnh viện tâm thần. 
Ngày 26/7/1984 Eddie Gein chết do bệnh về đường hô hấp và tim. Hắn được chôn tại Wiscosin với bia mộ là một cục đá trước khi tấm bia chính thức được làm năm 2000. Cục đá làm bia mộ của Edward Gein đã được phục chế và hiện đang trưng bày tại Waushara County, Wisconsin.
Nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật
Dù là một tên sát nhân giết người không gớm tay nhưng Eddie Gein có không ít fan hâm mộ trên toàn thế giới. Câu chuyện của hắn đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà văn và đạo diễn Hollywood. 
Cảnh quay nổi tiếng trong bộ phim Psycho
Cảnh quay nổi tiếng trong bộ phim Psycho 
Nhà văn Robert Bloch đã dựng lên nhân vật Norman Bates dựa trên chính câu chuyện của Eddie và được các nhà làm phim sau này làm thành một bộ phim kinh dị mang tên Psycho. Năm 1960, bộ phim kinh dị có tên “Psycho” ra mắt kể về nhân vật chính Norman Bates, một chủ nhà nghỉ gặp vấn đề về tâm lý và luôn bị ám ảnh bởi người mẹ quá cố. 
Hắn giấu xác mẹ trong tầng hầm và tìm cách giết hại những người khách tới nghỉ trọ. Norman cải trang thành mẹ khi thực hiện các vụ giết người. Cảnh nhân vật nữ Marion bị Norman đâm cho đến chết khi đứng tắm dưới vòi hoa sen từng gây ám ảnh cho khán giả trên khắp thế giới suốt một thời gian dài. Rất nhiều cô gái đã không dám tắm vòi hoa sen sau khi xem bộ phim kinh dị “Psycho”.
Năm 1974, Eddie Gein một lần nữa được hình tượng hoá thông qua một bộ phim kinh dị có tên The Texas Chainsaw Massacre của đạo diễn Tobe Hooper. Tác phẩm này đã được làm lại tới 6 lần và phiên bản mới nhất phát hành vào năm 2006 là một trong những bộ phim thuộc top 10 những tác phẩm điện ảnh kinh dị hay nhất mọi thời đại.
Nhiều năm sau, Eddie lại tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng để các nhà văn viết nên nhân vật Buffalo Bill trong The Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu). Giống như Eddie, Buffao Bill cũng lấy da phụ nữ để làm quần áo mặc như thể đó là chiến lợi phẩm. Khi được chuyển thể thành phim, 
Sự im lặng của bầy cừu đã đoạt 5 giải Oscar quan trọng nhất (Big Five) gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bộ phim này cũng lọt top 10 tác phẩm điện ảnh kinh dị hay nhất mọi thời đại.
Không chỉ trên địa hạt phim ảnh, cái tên Eddie Gein cũng ảnh hưởng rất lớn đến thông tin đại chúng của Mỹ. Bên cạnh những tác phẩm phim, tiểu thuyết, khá nhiều nhóm nhạc đã lấy tên Ed Gein đệm vào tên Band của mình. Trong đó có một nhóm lấy tên hoàn chỉnh là Ed Gein, nhóm khác lấy tên là Ed Gein’s car. Từ một kẻ sát nhân thầm lặng, cô đơn, Eddie Gein đã trở thành một huyền thoại sát nhất nổi tiếng toàn thế giới với biệt danh “Sát nhân mang mặt nạ da người”.

Đọc thêm