Công an bị tố ép người dân ký giấy gán nợ

(PLO) -Sau khi nhận ký gửi khoảng 200 tấn cà phê của 47 hộ dân (trị giá khoảng 7,5 tỷ đồng), bà Đoàn Thị Niềm (53 tuổi, ngụ Ia Krái, Ia Grai, Gia Lai) đã tuyên bố vỡ nợ.
Bà Niềm (người mặc áo len sọc) bị cho là dựng lên “màn kịch” vỡ nợ. Ảnh: Dân trí.
Bà Niềm (người mặc áo len sọc) bị cho là dựng lên “màn kịch” vỡ nợ. Ảnh: Dân trí.

Trước khi nộp đơn xin vỡ nợ, gia đình bà Niềm đã có hàng loạt hành động “kỳ quặc”: “mượn” thêm cà phê của người dân, bán toàn bộ cà phê, điều người dân ký nợ, mang tiền trả nợ ngân hàng, sang tên nhà đất, ô tô cho con…

Sang tên tài sản trước khi “vỡ nợ”

Sau khi nhận ký gửi khoảng 200 tấn cà phê của 47 hộ dân (trị giá khoảng 7,5 tỷ đồng), bà Đoàn Thị Niềm (53 tuổi, ngụ Ia Krái, Ia Grai, Gia Lai) đã tuyên bố vỡ nợ.

Sáng 12/5, hàng chục người dân xã Ia Krái đã kéo đến nhà bà Niềm để đòi nợ sau khi nghe tin bà này tuyên bố vỡ nợ. Theo các chủ nợ trình bày, bà Niềm làm nghề thu mua nông sản trên địa bàn sáu năm nay. Thấy gia đình bà này có vẻ làm ăn phát đạt, mua xe ô tô con, xe tải… nên người nông dân đã tin tưởng mang cà phê đến nhà bà này ký gửi, chờ giá cao sẽ bán.

Theo đó, sau khi thu hoạch và phơi cà phê xong, do giá thấp nên nhiều người dân chưa muốn bán ngay mà đã mang đến nhà bà Niềm ký gửi. Khi nào được giá, nông dân sẽ bán cho bà Niềm. Nếu ứng tiền, bà Niềm sẽ cho người ký gửi ứng nhưng tính với lãi suất cao hơn ngân hàng (hiện tại là lãi suất 1,2%).

Đến khoảng 16h ngày 11/5, bà Niềm cùng chồng bất ngờ mang đơn lên công an xã trình báo vỡ nợ. Theo cơ quan công an xã, bà Niềm trình báo vỡ nợ số tiền 7,5 tỷ (tương đương hơn 200 tấn cà phê của 47 hộ dân).

Những nông dân hoang mang, kéo đến đòi nợ. Trong khi công an địa phương thì cho rằng đây chỉ là vụ việc dân sự, khiến người dân càng hoang mang. Nhiều người kéo sang nhà bà Niềm để đòi nợ, lấy tài sản mong “gỡ” lại chút gì đó nhưng họ lại bức xúc hơn khi các tài sản đưa ra gán nợ được ép giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Công an xã bị cho là cũng yêu cầu người dân ký vào giấy gán nợ.

Một nông dân ngụ thôn 4 (Ia Krái) kể, nghe bà Niềm năn nỉ, gia đình bà đã cho bà Niềm mượn 5 tấn cà phê nhân. “Tôi nghĩ bà Niềm là hàng xóm, lại là đồng hương nên tôi mới cho bà ấy mượn. Bà ấy nói cà phê nhân nhà tôi đẹp, cho bà mượn về trộn với cà phê nhà bà để bà bán cho cao giá, vì cà phê nhà bà ấy đen, xấu, bán giá thấp. Bà năn nỉ mãi tôi mới cho mượn. Ai ngờ bà đi lừa nhà tôi”, người tố cáo cho hay.

Khi sang nhà bà Niềm siết nợ, người tố cáo này cho biết: “Cái quạt hoen gỉ và xe rùa này bán không biết được 500 nghìn không nhưng bà Niềm gán cho tôi giá 10 triệu đồng, cái dây kéo băng chuyền mua mới có 30 triệu đồng, nhà bà dùng không biết mấy năm rồi mà giờ hô giá 100 triệu để gán nợ. Khi chúng tôi không đồng ý với giá này thì ông Nguyễn Ngọc Đoài - Phó Trưởng Công an xã yêu cầu chúng tôi phải ký vào giấy định giá này thì chúng tôi mới được lấy đồ. Giờ chúng tôi không biết làm sao”.

Chiếc quạt điện được gán nợ với giá… 10 triệu. Ảnh: Dân trí.
Chiếc quạt điện được gán nợ với giá… 10 triệu. Ảnh: Dân trí.

Một nông dân khác cho biết, gia đình ông đang ký gửi nhà bà Niềm hơn 11 tấn cà phê nhân, với giá hiện tại là khoảng 400 triệu đồng. Khi ông đến đòi nợ, bà Niềm gán cho ông 1 miếng đất rộng 5m (chưa rõ chiều dài) với giá 200 triệu đồng. “Ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, ruộng vườn nhà nào cũng rộng rãi, đất khô cằn để hoang vậy mà bà hét giá trên trời như vậy. 1 lô đất bà hét giá 3 tỷ cho 12 người nhận”, người này ngao ngán.

Điều khiến người dân bức xúc hơn là chính công an lại "ép" người dân phải chấp nhận mức giá trên trời đó, ký vào giấy gán nợ.

Cũng theo người dân, trước khi nộp đơn xin vỡ nợ, gia đình bà Niềm đã có 1 loạt động thái “kỳ quặc” như: tổ chức thu mua, nhận ký gửi cà phê, điều của rất nhiều người với lý do “lấy cà phê mới trộn với cà phê thối cho dễ bán”. Toàn bộ hơn 200 tấn cà phê nhân của người dân ký gửi tại kho của bà Niềm được gia đình bà này mang bán sạch. Sau đó bà Niềm đã mang tiền vào ngân hàng trả nợ, rút sổ đỏ đang thế chấp ra để sang tên cho người thân. Ngoài ra, chiếc xe ô tô bà này đứng tên cũng được làm giấy tờ sang lại cho người thân…

“Trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Niềm đi thu mua và bán rất nhiều điều, cà phê. Chúng tôi đi đến những nơi bà này cân, bán thì được biết số tiền bà bán điều, cà phê của chúng tôi lên đến cả chục tỷ đồng. Tài sản chúng tôi ký gửi cho bà ấy, có trả tiền ký gửi chứ không phải bán nên bà ấy không có quyền bán tài sản của chúng tôi. Tại sao công an không làm rõ điều này? Đây là lừa đảo chứ không phải là dân sự nữa”, một người tố cáo nói.

Báo Dân trí dẫn lời một cán bộ huyện Ia Grai cho biết, trước khi bà Niềm tuyên bố vỡ nợ khoảng 3 ngày, bà này đã mang tiền đi trả nợ ngân hàng và yêu cầu cơ quan ông xóa thế chấp cho gia đình bà. Sau khi xóa thế chấp, bà này đã làm giấy trao, tặng tài sản cho người thân.  

Trước việc người dân phản ánh công an yêu cầu dân ký giấy gán nợ với tài sản giá trên trời, Phó Trưởng Công an xã trả lời phòng viên: “Hai bên thỏa thuận với nhau thì nhờ tôi ký xác nhận”.  

Trả lời báo chí, ông Lý Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krái phụ trách mảng an ninh, cho rằng gia đình bà Niềm đã thanh toán được cho người dân 4,8 tỷ đồng. Trong khi đó ở cấp cao hơn, ông Lê Ngọc Quý (Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai), cho biết, Chủ tịch huyện đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu công an huyện vào cuộc điều tra vụ việc.

Áp dụng Luật Phá sản hay Bộ luật Dân sự?

Sau sự việc này, vấn đề khiến nhiều bạn đọc quan tâm là giá trị pháp lý của đơn vỡ nợ trong vụ việc này có được pháp luật công nhận hay không? Hệ quả ảnh hưởng đến chủ nợ ra sao? XLPL có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam).

Thưa ông, thế nào là phá sản?

Luật Phá sản định nghĩa “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Tiêu chí để xác định mất khả năng thanh toán?

Theo Luật Phá sản, một doanh nghiệp hay hợp tác xã được coi là mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp hay hợp tác xã đó không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Thuật ngữ “vỡ nợ” và “phá sản” có khác nhau hay không?

Hai thuật ngữ “vỡ nợ” và “phá sản” có những điểm giống và khác nhau. Cụ thể như sau:

Về điểm giống nhau: Đều chỉ tình trạng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Về điểm khác nhau: Theo luật, hiện không có tuyên bố phá sản dành cho cá nhân. Thủ tục tuyên bố phá sản chỉ dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Một cá nhân tuyên bố vỡ nợ có gì khác so với một doanh nghiệp tuyên bố phá sản?

Khi một cá nhân mất khả năng thanh toán nợ, anh ta có thể thông báo với các chủ nợ rằng anh ta đã bị vỡ nợ. Thông báo này không cần phải làm theo thủ tục luật định. Mọi câu chuyện liên quan đến thanh toán các khoản nợ này sẽ do chủ nợ và con nợ tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện dân sự để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Còn khi một doanh nghiệp muốn tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp phải làm đơn yêu cầu, Tòa án sẽ là cơ quan thụ lý đơn, xem xét xem doanh nghiệp có thỏa mãn điều kiện để được coi là phá sản hay không. Nếu thỏa mãn điều kiện, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản. Khi đã có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án, thì việc thanh toán khoản nợ các chủ nợ sẽ thực hiện theo nguyên tắc và thủ tục quy định tại Luật Phá sản.

Vụ chủ cơ sở thu mua cà phê ở Gia Lai tuyên bố vỡ nợ có thuộc sự điều chỉnh bởi Luật Phá sản hay không?

Nếu cơ sở thua mua cà phê này được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp thì việc tuyên bố vỡ nợ phải được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật Phá sản.

Còn nếu cơ sở thu mua cà phê này chỉ là hộ kinh doanh cá nhân thì việc tuyên bố vỡ nợ sẽ không do Luật Phá sản điều chỉnh. Nói cách khác, các khoản nợ sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) để xử lý.

Công an xã “làm chứng” là sai thẩm quyền

Việc áp dụng Luật Phá sản hay BLDS để xử lý khoản nợ có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các chủ nợ?

Giải thích một cách dễ hiểu thì thanh toán nợ theo thủ tục phá sản là một thủ tục thanh toán đặc biệt và nó sẽ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các chủ nợ ở những điểm đáng chú ý sau:

Việc thanh toán nợ mang tính tập thể: Tất cả các chủ nợ đều có cơ hội tham gia vào quá trình đòi nợ và thanh toán nợ. Tuy nhiên các chủ nợ không thể tiến hành đòi doanh nghiệp mắc nợ phải thanh toán các khoản nợ cho mình một cách tùy tiện mà phải tuân thủ quy tắc do Luật Phá sản quy định. Khi đó, các chủ nợ sẽ được phân thành các nhóm khác nhau và yêu cầu của họ sẽ được xem xét công bằng, tại cùng một địa điểm, thời điểm và theo một thứ tự ưu tiên nhất định.

Con nợ không thanh toán trực tiếp cho chủ nợ mà mà phải thông qua đại diện do Tòa án thiết lập là tổ quản lí, thanh lý tài sản. Các chủ nợ nhận được một phần hay toàn bộ số nợ của mình từ tổ quản lý, thanh lý đây chứ không trực tiếp từ doanh nghiệp mắc nợ.

Việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành trên cơ sở tài sản còn lại của doanh nghiệp. Nói cách khác, nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp mắc nợ sẽ chấm dứt sau khi dùng toàn bộ tài sản của mình để trả nợ mặc dù có thể thanh toán chưa đủ cho các chủ nợ (trừ doanh nghiệp tư nhân và thành viên công ty hợp danh sẽ vẫn phải tiếp tục trả nợ khi phát hiện tài sản vẫn còn)

Việc thanh toán các khoản nợ chỉ được tiến hành sau khi có quyết định của Tòa án.

Còn nếu như không thuộc trường hợp áp dụng Luật Phá sản, thì các chủ nợ sẽ phải thực hiện vụ kiện đòi tài sản thông thường trong dân sự. Khi đó, nguyên tắc sẽ là nợ bao nhiêu thì trả bấy nhiêu như nợ trong dân sự.

Theo như báo chí phản ánh, Công an địa phương đã can thiệp, ép buộc chủ nợ phải ký vào giấy định giá tài sản của con nợ. Hành vi này có đúng hay không?

Việc Công an can thiệp vào quá trình thỏa thuận, định giá tài sản trả nợ là không đúng thẩm quyền. Tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án chứ không phải là của cơ quan công an.

Những hành vi của chủ cơ sở thu mua cà phê bị cấm khi có quyết định mở thủ tục phá sản?

Khi đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án, Luật nghiêm cấm chủ cơ sở thu mua cà phê thực hiện các hoạt động sau:

+ Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản.

+ Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động.

+ Từ bỏ quyền đòi nợ.

+ Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ tự phân chia tài sản khi cơ sở thu mua cà phê bị tuyên bố phá sản?

Khi đã có quyết định tuyên bố phá sản, thì tài sản của cơ sở thu mua cà phê sẽ được phân chia theo thứ tự sau:

+ Chi phí phá sản.

+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phóng viên bị “vô tình đâm va” khi tác nghiệp

Liên quan đến vụ vỡ nợ nói trên, ngày 23/5, 3 phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai đến xã Ia Krái để điều tra vụ việc. Sau khi đến cơ sở thu mua nông sản này ghi hình, xe ô tô của Đài rời đi thì bất ngờ bị một xe tải chạy ra ngăn cản, lái xe tải có vẻ cố tình đâm va. Nhóm phóng viên của Đài đã phải gọi điện báo nhờ cơ quan công an huyện Ia Grai can thiệp.

Một phóng viên cho biết: "Sau khi làm việc với người dân, chúng tôi đến cơ sở thu mua nông sản của bà Niềm để liên hệ làm việc nhưng không thấy ai. Thấy kho bãi trống trơn, chúng tôi liền lấy máy quay ghi lại một số hình ảnh rồi lên xe ô tô rời đi. Vừa chuẩn bị quay đầu xe thì bất ngờ có một chiếc xe tải chạy ra cản đường không cho xe đi. Sau đó, nhiều lần cố ý lái xe ép, đâm va buộc lái xe của Đài phải de xe lại, né tránh. Có lần chưa kịp chạy nên bị xe tải tông vào đuôi xe làm vỡ nhóm đèn hậu. Sau đó lợi dụng lúc xe này bị kẹt số chúng tôi mới chạy thoát rồi báo công an".

Cơ quan công an đã đưa 2 phương tiện về trụ sở Công an huyện Ia Grai để điều tra. Ban đầu xác định người lái xe tải BKS 76C-00373 đâm vào xe ô tô của Đài tên là Tưởng Công Tình (sinh năm 1977, trú tại xã IaKrái), là em ruột của ông Tưởng Công Kỳ (chồng bà Niềm). Chủ xe tải 76C – 00373 là em rể ông Kỳ.

CA huyện Ia Grai cho biết, vụ việc đang được điều tra, xác minh nên chưa có kết luận cụ thể, riêng phương tiện phải chờ giám định thiệt hại. Bước đầu, lái xe tên Tình khai báo vụ việc chỉ là “vô tình” chứ không phải cố tình cản trở, đâm va.

Đọc thêm