Công an nơi tội phạm lộng hành làm mất niềm tin của "sếp"?

Không phủ nhận rằng, thời gian qua, lực lượng Công an các cấp đã có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình và khó hiểu chính là sự lộ liễu của hoạt động bảo kê tội phạm. Nhờ sự bảo kê này, tại nhiều địa phương, tội phạm lộng hành “dọc ngang”, bất chấp các quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ - phải có văn bản “chỉ mặt”, yêu cầu Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên; Thành ủy, UBND TP HCM và Hải Phòng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm hoạt động kiểu “xã hội đen” hoạt động bảo kê, lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự tại địa phương.

Vì đâu tội phạm lộng hành?

Không phủ nhận rằng, thời gian qua, lực lượng Công an các cấp đã có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình và khó hiểu chính là sự lộ liễu của hoạt động bảo kê tội phạm. Nhờ sự bảo kê này, tại nhiều địa phương, tội phạm lộng hành “dọc ngang”, bất chấp các quy định của pháp luật.

Các con bạc bị bắt tại Lương Sơn - Hòa Bình
Các "con bạc" bị bắt tại Lương Sơn - Hòa Bình

Tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chỉ trong một thời gian ngắn, Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm trật tự xã hội (C45) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an đã liên tiếp triệt phá nhiều sới bạc lớn, đã hoạt động trong thời gian dài, công khai như họp chợ.

Điển hình như ngày 3/4, C45 đã phá sòng bạc di động tại chợ Đường Cái, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm - Hưng Yên, bắt 27 con bạc, thu giữ hơn 300 triệu đồng. Sòng bạc này tồn tại nhiều năm do Nguyễn Văn Thành (Thành “vẩu”), Nguyễn Văn Minh (Minh “xoăn”) và Hoàng Ngọc Diệp cầm đầu.

Chỉ 10 ngày sau, ngày 14/3, một sới bạc “khủng” tại khu lán lò gạch nằm giáp ranh giữa xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội) và phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên - Vĩnh Phúc) cũng bị Bộ Công an đánh sập. Tại sới bạc này, 68 con bạc trong đó có 31 con bạc nữ đã bị bắt giữ. Lực lượng chức năng còn thu  2,4 tỉ đồng, 7.000 USD, 2 khẩu súng ngắn, nhiều đạn cao su và dao…

 “Khó nhất là chưa đánh đã bị lộ”

 “Đối với bọn xã hội đen, tội phạm hoạt động có tổ chức, công an triệt phá chúng không khó. Nhưng cái khó nhất là trong vụ nào cũng đều dính dáng đến cán bộ cơ sở vì đã bị “mua” nên chưa đánh đã bị lộ”!

(Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an)

Tiếp đó, giữa trưa 25/4, 120 trinh sát và cảnh sát hình sự thuộc C45 cùng cảnh sát cơ động đã đồng loạt đột kích vào sới bạc gần bãi khai thác đá trên đồi Núi Võng thuộc thôn Tân Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn, Hoà Bình.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt được 60 người và thu được hơn 600 triệu đồng cùng 6 ô tô và 11 xe máy.  Sới bạc này do Nguyễn Văn Tài (còn gọi là Tài “vượng”, SN 1973, quê ở Quốc Oai, Hà Nội) và Nguyễn Đắc Sơn (tức “Sơn bãi”) làm chủ.

Không chỉ các tụ điểm cờ bạc, mấy tháng qua, hàng loạt băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên cũng bị Bộ Công an triệt phá.

Điều đáng nói là các băng nhóm này manh động, hung hãn và hoạt động một cách công khai nhưng hành vi phạm tội của chúng chỉ được phát hiện khi Bộ Công an trực tiếp vào cuộc. Thậm chí, nhân dân địa phương còn khiếp hãi không dám tố cáo hay cung cấp thông tin về tội phạm cho các cơ quan chức năng.

Điển hình là vụ gần 10 đối tượng đầu sỏ trong băng nhóm tội phạm chuyên hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tại địa bàn huyện Khoái Châu - Hưng Yên bị C45 bắt giữ. Băng nhóm tội phạm này có gần 100 đối tượng do Phạm Khắc Tú (hay còn gọi Tú “khỉ”) cầm đầu, chuyên tổ chức bảo kê, cá độ, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản và đòi nợ thuê. Tú từng bị kết án 1 năm tù về tội tổ chức đánh bạc nhưng chỉ bị tạm giam 5 ngày rồi được tại ngoại.

“Nạn nhân” mới nhất của băng nhóm này là Nhà máy Gạch Sông Hồng. Khi chúng đòi tiền bảo kê, DN không chấp nhận nên các xe ra vào xí nghiệp bị làm khó khiến sản xuất đình trệ suốt một thời gian dài. Khi đó, đơn tố cáo không được các cơ quan chức năng địa phương giải quyết, DN này buộc phải cắn răng “nộp phí”.

Ngoài đòi tiền bảo kê những DN làm ăn chân chính, các tàu khai thác cát không có giấy phép phải “nộp phí” cho băng này 2 triệu đồng/ngày/tàu. Các DN làm ăn khuất tất thì phải nộp tiền “bảo kê” tùy theo mức độ vi phạm. Chưa hết, băng nhóm này còn tổ chức đánh bạc, xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản và thanh toán lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Không còn tin lực lượng tại chỗ

Không phải đến khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động bảo kê tội phạm thì ngành Công an mới hốt hoảng với sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ trong Ngành.  

Khi cầm quân đi phá các sới bạc, đại tá Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng C45 - đã nhận định: “Có thể có sự dung túng, bao che và thậm chí không loại trừ sự bảo kê đối với băng nhóm này”.

Theo ông Hồ Sỹ Tiến, các sới bạc lớn bị triệt phá trong thời gian qua đều được tổ chức công khai, thường nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác hoặc ở giữa vùng đồi núi, địa hình hiểm trở. Cầm đầu các sới bạc là những đối tượng có tiền án, tiền sự nên tổ chức khá chuyên nghiệp.

Chiều 20/3, nhân tổng kết đợt cao điểm bảo vệ Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013 và phát động đợt thi đua đặc biệt "90 ngày đêm cán bộ chiến sỹ công an Thủ đô lập công dâng Bác", Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã lưu ý Công an Hà Nội về vấn đề bảo kê tội phạm.

Theo báo cáo của Công an Hà Nội, sau 3 tháng thực hiện đợt cao điểm ( từ 15/12/2012 - 15/3/2913) Công an TP Hà Nội đã điều tra, khám phá 865 vụ, bắt 1.344 đối tượng, triệt phá 358 ổ, nhóm tội phạm hình sự, bắt 972 đối tượng.

Mặc dù biểu dương Công an Hà Nội về thành tích này nhưng Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng không khỏi băn khoăn khi chỉ đạo: "Phải chú ý tội phạm liên quan tới ổ nhóm, các vùng giáp ranh với các tỉnh khác. Kiên quyết nói không với bảo kê tội phạm. Ví dụ, những vụ đánh bạc vừa qua phải xem lại công an xã, huyện thế nào?. Phải xử lý thật triệt để, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân".

Trước đó, vào cuối tháng 1/2013, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Công an thành phố Hà Nội tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các đường dây tội phạm nguy hiểm, giết người cướp của, đặc biệt là nạn bảo kê cho tội phạm, xe dù bến cóc...

Phó Thủ tướng yêu cầu Công an thành phố phải tiếp tục đánh mạnh, đánh trúng các đường dây, các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, phát hiện, xử lý nghiêm nạn “bảo kê” cho tội phạm...

Trong khi đó, tại TP HCM, ngày 17/4, khi  tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ  2013, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP đã thẳng thắn nhận xét: “Đối với án kinh tế, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá tại các vùng giáp ranh, mỗi khi ra quân đều bị lộ khiến dư luận rất bức xúc, kể cả người trong ngành. Chúng ta chỉ bắt được phần ngọn, còn phần gốc không giải quyết được. Người dân trên các tuyến đường mà bọn buôn lậu hoành hành đều biết rõ đối tượng nào làm trùm ngành hàng nào, trong khi công an lại không biết!. Tôi rất lấy làm xấu hổ”.

Để giải quyết phần gốc tình trạng buôn lậu nêu trên, Thiếu tướng Phan Anh Minh kiến nghị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an là đơn vị "cầm trịch". Điều đó có nghĩa là chính Phó Giám đốc Công an TP HCM cũng không còn tin tưởng vào lực lượng tại chỗ.

“Các đối tượng đã “mua” ai đó”

Tại TP HCM, nhiều lần lực lượng chức năng rầm rộ ra quân kiểm tra các vũ trường, quán bar trên địa bàn nhưng đều không phát hiện được gì. Chẳng hạn, rạng sáng 11/1, lực lượng chức năng định kiểm tra vũ trường 02 Gold Club nhưng đến nơi vũ trường đã tắt nhạc, "dân chơi" bình thản dắt xe ra về.

Tiếp đó, đêm 27/1, theo kế hoạch, ngành chức năng sẽ kiểm tra một vũ trường ở đường Trần Não, quận 2 và một vũ trường khác trên địa bàn quận này nhưng khi đến nơi thì đã thấy  2 vũ trường... tắt điện.

Theo một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội TP HCM, nhiều khả năng “các đối tượng đã mua “ai đó” trong nội bộ đoàn kiểm tra nên mới có việc rò rỉ thông tin, khiến đoàn kiểm tra chưa đến nơi, đã bị động”.

Quang Minh

Đọc thêm