Cựu cán bộ CA mổ bụng kêu oan giữa phiên tòa

(PLO) - Cầm trên tay tập hồ sơ dày cộp về vụ án đi kêu oan suốt hơn 20 năm qua, ông Huỳnh Văn Tới (SN 1944, ngụ TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho rằng: “Họ đã lên kế hoạch trước nên đã cho tôi về hưu trước sáu tháng so với quy định, để buộc tội tôi dễ dàng hơn”.  
Ông Huỳnh Văn Tới cho rằng mình bị tù oan
Ông Huỳnh Văn Tới cho rằng mình bị tù oan
Chiếm đoạt hàng trăm lượng vàng?
Theo ông Tới, đầu tháng 1/1990, ông về nghỉ hưu trước sáu tháng. Bất ngờ đến ngày 27/6/1990 thì bị Ban Nội chính Tỉnh ủy Minh Hải (trước đây là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) bắt giam “khai thác nội bộ”.
Theo cáo trạng của TAND Tối cao tại TP.HCM ngày 27/12/1993, ông Tới nguyên là Phó văn phòng phụ trách công tác hành chính – quản trị thuộc Ty Công an tỉnh Minh Hải (tương đương Sở ngày nay). Ông Tới còn được giao các nhiệm vụ: Thu ngân, quản lý các loại tang, tài vật của các vụ án; thu giữ tiền, vàng, bán tàu cũ của Ty công an... Trong quá trình công tác, ông Tới đã chiếm đoạt số lượng lớn tài sản gồm: 
1. Tang vật nhận của ông Trần Văn Phát: Trong biên bản giao nhận ngày 4/4/1978, ông Tới nhận: một miếng vàng lá ngắn; bốn miếng vàng lá dài; một đôi bông tai vàng có hột cẩm thạch xanh hình bán nguyệt; một khâu vàng nhỏ. Tuy nhiên, trong biên bản bàn giao nộp cho ngân hàng tỉnh thì thiếu đôi bông tai vàng hột cẩm thạch hình bán nguyệt. 
2. Nhận tang vật do Phòng chấp pháp Ty công an giao: Qua đối chiếu các biên bản giao nhận tang vật thì tổng số tiền ông Tới giao thiếu là 5.287 USD. Ông Tới khai việc giao thiếu số USD trên là do có lệnh của lãnh đạo Ty, phần dư ra để mua hàng hóa mà cụ thể là xe Peugeot 504. Số vàng 232 lượng ba chỉ tám phân, ông Tới chỉ giao 232 lượng hai phân, như vậy còn thiếu ba chỉ sáu phân. 
3. Cuối cùng là thu chi tiền vàng nghĩa vụ, ông Tới đã nộp thiếu 339,56 lượng vàng 24k và hơn 700 nghìn đồng cho sở tài chính.
Tòa án nhận định: “Trong quá trình hoạt động, Tới đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nộp thiếu vàng, chi khống tiền vàng nhằm chiếm đoạt tài sản, mà số vàng tiền trên công an tỉnh Minh Hải phải có trách nhiệm nộp cho sở Tài chính và Ngân hàng tỉnh”.
Phiên sơ thẩm ngày 13/12/1991, TAND tỉnh Minh Hải xử ông Tới 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản Xã hội chủ nghĩa”; buộc ông Tới phải bồi thường một đôi bông tai vàng hột cẩm thạch hình bán nguyệt, 5287 đô la, một ca ra vàng 18k có hai hột xoàn, hai lắc tay vàng 18k có tám hột cẩm thạch và chín hột xoàn; 685,64 lượng vàng 24k.  Quyết định tịch thu tài sản bị cáo và ngôi nhà tại khóm 6, phường 6. 
Bị cáo Tới kháng cáo kêu oan. Phiên tòa sau đó vẫn kết án 20 năm tù. Cuối tháng 10/1998, ông Tới được được đặc xá ra tù trước thời hạn sau khi ngồi tù tám năm bốn tháng.  
Đã ra tù vẫn kêu oan
Cáo trạng như đã nêu trên, nhưng bị cáo năm xưa thì lại có lý lẽ khác. Ông Tới lấy trong cặp ra tập hồ sơ dày cộp cất giữ gần 20 năm. Những bản cáo trạng từ những năm 1990 được photocopy hết lần này đến lần khác đã mờ cả chữ. 
Ông cho biết: “Tất cả số tài sản tòa án buộc tội tôi “tham ô tài sản”, tôi đều không biết ở đâu mà có. Bởi thời điểm giao nhận những tang, tài vật này cho Sở Tài chính đều có biên bản ghi nhận. Năm 1980, đoàn kiểm tra cấp trên đến kiểm tra ban lãnh đạo giám đốc công an Minh Hải, tôi đều giao hết hồ sơ. Bỗng gần 10 năm sau, cơ quan chức năng lại lật lại buộc tội tôi tham ô”. 
Ông Tới lý giải: Thứ nhất, về tang vật ông Trần Phát giao: Tang vật này được ông Tới giao cho Ty tài chính cùng các tang vật khác mà cáo trạng công nhận thể hiện qua biên bản ngày 7/4/1978. Căn cứ vào biên bản này, việc bàn giao có sự chứng kiến của Phó Ty công an và Phó ban thanh tra tài chính. Việc giao nhận tang vật đều có đối chiếu với biên bản gốc và không thiếu nên những cán bộ có thẩm quyền đã ký xác nhận vào biên bản mà không có ý kiến gì. 
Thứ hai, về tang tài vật nhận từ phòng Chấp pháp: ông Tới cho rằng mình không  giao thiếu tang vật của phòng Chấp pháp cũng như các đơn vị khác, căn cứ vào những chứng cứ sau: Lời khai của các nhân chứng do CQĐT ghi, ông Tới trong quá trình giao nhận đã kiểm kê cẩn thận, lập biên bản đầy đủ và có sự chứng kiến của thanh tra. 
“Với cách thức giao nhận như vậy thì tại sao thiếu hàng chục món nữ trang mà vị thanh tra này không ghi nhận trong biên bản? Tôi không hiểu được họ buộc tội tôi dựa trên bằng chứng nào”, ông Tới đặt câu hỏi. 
Thứ ba, là việc thu chi vàng nghĩa vụ và việc mua tàu, ông Tới cho biết: “Tôi được lệnh xuất 5.000 đô la Mỹ dùng vào việc mua xe Peugeot 504 (loại xe mới nhất thời đó) giao cho sở Tài chính nhưng lại bị tòa bác bỏ, cho rằng tôi đã tham ô số tiền ấy. Hơn nữa, chính các công an tỉnh lúc đó đã làm đơn xác nhận cho tôi việc có chi tiền và đưa máy để làm máy nước đá, mua đầu máy xe 504, xe cơ giới, mua gỗ, xăng dầu, bồn chứa…”. 
Mổ bụng trước vành móng ngựa
Động thái bất ngờ trong vụ án này, theo ông Tới, là tại phiên tòa do TAND tối cao TP.HCM xét xử lưu động tại Bạc Liêu, ông Tới đã đứng trước vành móng ngựa mổ bụng kêu oan. 
“Những phiên tòa trước tôi đều bị xử ép, uất ức nhưng cũng không thể làm được gì. Tôi nghĩ “nếu chỉ kêu oan thì chẳng có ai tin, mình phải lấy tính mạng ra đánh đổi mới còn chút tia hy vọng lấy lại được danh dự, sự công bằng”.
"Đêm trước ngày ra tòa, tôi không nhắm mắt được chút nào, lén lấy con dao lam bẻ làm đôi, nhét một nửa vào gói thuốc. Vì nó nhỏ, mỏng dính nên cán bộ kiểm tra khó phát hiện. Đã chuẩn bị tâm lý, giữa phiên tòa tôi đã lấy dao lam rạch bụng ý định chết ở đó, nhưng vì dao mỏng nên khó rạch vào sâu nên thương tích nhẹ”, ông Tới kể.
Mất hết danh dự vì mang oan tội “tham ô tài sản”, ông Tới kể thấy mình nhục nhã, sống không bằng chết. Ông càng đau hơn khi nghĩ tới cảnh tất cả nhà cửa, tài sản bị tịch thu, vợ con phải lang thang “ăn nhờ ở đậu” nhà người quen. 
Các con ông từ chỗ được ăn học đàng hoàng đã lần lượt bỏ học giữa chừng vì bạn bè chê cười, kinh tế suy sụp. Ba người con lớn theo mẹ về Cà Mau nuôi tôm, quần quật làm việc để duy trì kinh tế gia đình. 
Ông Tới nói: “Giá như tôi không bị mắc tội oan, có lẽ tương lai các con tôi đã tươi sáng hơn”.  
Suốt thời gian dài, vợ con ông Tới không dám ra đường ngẩng mặt nhìn ai, sợ ánh mắt dò xét, khinh thường của mọi người xung quanh. “Vợ con là hậu phương vững chắc, an ủi tôi, vì dù ai có nói gì họ vẫn tin tôi bị oan. Suốt những năm ngồi tù, vợ con đều đặn vào thăm, tiếp tế cho tôi. Bẵng đi thời gian không thấy vợ vào thăm, khi ra tù tôi mới biết bà ấy bị ốm nặng, sức khỏe yếu dần”, ông Tới ngậm ngùi kể.
Sau khi ra tù, ông Tới trở về quê sống bằng nghề nuôi tôm cùng vợ con, nhưng vẫn luôn cho rằng mình bị oan, phải đi đòi lại danh dự. Ngoài thời gian lao động duy trì kinh tế gia đình, ông lại ngồi mày mò soạn đơn, gửi tới các cơ quan chức năng. 
“Hơn 20 năm nay, tôi ngược xuôi khắp nơi, không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tiền của. Nhưng tôi còn sống được ngày nào thì còn kêu oan ngày đó”, ông nói./.

Đọc thêm