Đại án OceanBank: 2 nút thắt cần tháo gỡ

(PLO) - Ngày 28/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án về các hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm và đồng phạm trong thời gian điều hành Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank). Trong số các vấn đề của vụ án mà hội đồng xét xử sẽ xem xét, có hai điểm quan trọng chưa làm rõ trong phiên trước đó vào tháng 2/2017.
Bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xét xử tháng 2/2017
Bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xét xử tháng 2/2017

Trước đó như báo Pháp luật Việt Nam điện tử đã đưa tin, sau 8 ngày xét xử sơ thẩm vụ án này (bắt đầu từ vào cuối tháng 2/2017 đến ngày 08/03/2017), Hội đồng xét xử đã chấp thuận đề nghị của Viện Kiểm sát về việc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Theo đó, tòa yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý số tiền 800 tỷ đồng của PVN tại Ocean Bank

Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bổ sung thêm tội danh theo hướng tăng nặng với hai bị can chính trong vụ án, là Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) tội Tham ô tài sản. Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được xác định là người chiếm đoạt tiền với sự giúp sức của Hà Văn Thắm, số tiền tham ô được xác định là hơn 49 tỷ đồng.

Có 4 bị cáo mới sẽ xuất hiện tại phiên tòa lần này, bên cạnh 47 bị cáo trong phiên xét xử trước vào tháng 2/2017. Đó là các bị cáo Phạm Công Danh – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Hứa Thị Phấn – đại diện nhóm cổ lớn ở Ngân hàng Đại Tín, Hoàng Thị Hồng Tứ – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, Trần Văn Bình – Giám đốc Công ty Trung Dung cũng sẽ hầu tòa với các tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, tòa cũng triệu tập gần 730 người và pháp nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến năm 2014, dưới sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm và cựu Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Thị Minh Thu, ngân hàng này đã chi trả lãi suất huy động ngoài hợp đồng tiền gửi cho hàng trăm cá nhân, tổ chức gửi tiền vào ngân hàng với tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng. Số tiền chi trả này được xác định là chi trả trái pháp luật và làm thiệt hại cho OceanBank

Tuy nhiên, trong phiên xử tháng 2/2017, nhiều ý kiến cho rằng do trong giai đoạn này thanh khoản của các ngân hàng – trong đó có OceanBank - rất căng thẳng. Do đó, mọi ngân hàng đều lao vào vòng xoáy huy động với lãi suất cao, trong đó phần lãi suất vượt quy định của Ngân hàng nhà nước sẽ được chi trả ngoài bằng nhiều hình thức như thưởng, khuyến mại. Với OceanBank, nhờ có luồng tiền chi trả chăm sóc khách hàng, hoặc lãi ngoài này mới huy động được nguồn tiền gửi và duy trì phát triển với tốc độ cao.

“Nếu không chi có 1.576 tỉ đồng thì khách hàng sẽ gửi tiền chỗ khác, vì thế ngân hàng không thể có nguồn thu. Và đây chính là khoản chi phí vốn” – bị cáo Hà Văn Thắm từng giải thích việc chi lãi ngoài tại phiên tòa ngày 8/3.

Thực tế, việc chi trả lãi ngoài và vượt trần lãi suất đã diễn ra phổ biến trong hệ thống ngân hàng giai đoạn 2008 -2011. Và cho đến nay, Ngân hàng nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp hành chính hoặc buộc thôi việc với các cá nhân vi phạm.

Vụ OceanBank chính là vụ việc đầu tiên xử lý hình sự đối với hành vi chi và thu lãi ngoài.

Điểm nút của vụ án là làm rõ hành vi tham ô của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, theo kết luận của cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát.

Theo lời khai của Hà Văn Thắm, Sơn là người “gợi ý” cho Thắm chi lãi ngoài “để huy động được nguồn vốn khổng lồ của PVN” và việc chi lãi ngoài này phải giao cho Sơn toàn quyền quyết định về mức chi và cách chi cụ thể, không cần bàn bạc, xin ý kiến của Thắm.

Tuy nhiên, trong phiên xét xử trước vào tháng 2/2017, Nguyễn Xuân Sơn không thừa nhận có thỏa thuận với Thắm về việc này.

Theo lời khai của Thắm, thời gian Sơn nhận tiền là từ đầu năm 2011 tới giữa năm 2014 mới chấm dứt. Tuy nhiên, thời gian Sơn đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tại Ocean Bank là từ 1/1/2009 đến 15/11/2010. Sau đó, từ 06/11/2010 đến 18/4/2011, Sơn chỉ là đại diện phần vốn của PVN tại Ocean Bank.

Như vậy, Hội đồng xét xử sẽ phải làm rõ hành vi tham ô của Sơn trong từng quãng thời gian cụ thể, từ khi làm việc tại OceanBank (kết thúc vào 11/2010) và khi trở về PVN làm Phó Tổng Giám đốc, rồi Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV tập đoàn này.

Ở diễn biến trước đó, trong phiên xử vào tháng 2/2017, hội đồng xét xử đã cố gắng làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên thực tế cho đến nay những chứng cứ buộc tội bị cáo Sơn đều là chứng cứ gián tiếp, chủ yếu là lời khai của những người đưa tiền.

Cũng cần phải nói thêm, trước khi về OceanBank làm việc theo điều động của PVN, Sơn là Tổng giám đốc của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) chứ chưa phải là lãnh đạo của PVN. Tác động của bị cáo Sơn tới việc điều chuyển dòng tiền từ PVN về OceanBank như nào là điều các cơ quan thực thi tố tụng cần phải làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm./.

Đọc thêm