“Đại ca” hoàn lương chuyên cảm hóa “giang hồ nhí”

(PLO) - Cuộc sống sau ngày ra trại không dễ dàng. Đối mặt với hàng loạt khó khăn: không tiền, có khi bị kì thị, xa lánh… anh có lúc mất phương hướng. Chính những tháng ngày hành nghề xe ôm, rong ruổi chở khách, anh đã chứng kiến không ít những thanh thiếu niên giật đồ, trộm cắp, lang thang… Bản tính nghĩa hiệp nổi lên.
Không chỉ cảm hóa trẻ em hư, anh Lợi còn dạy các em biết nghề làm lồng chim
Không chỉ cảm hóa trẻ em hư, anh Lợi còn dạy các em biết nghề làm lồng chim
Một thời dọc ngang quậy phá từ Bắc chí Nam, để rồi trả giá bằng những bản án, anh Nguyễn Văn Lợi (43 tuổi, ngụ phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) quyết rũ bỏ quá khứ, quay đầu hướng thiện trở thành Đội trưởng Đội dân phòng Cơ động phường. 
Lấy “kinh nghiệm” từ chính bản thân, biết “đi guốc trong bụng” nhiều “đám nhóc”, anh đã gom nhặt những thiếu niên lang thang, sa vào ma túy, trộm cắp… trên địa bàn đem về dạy dỗ, tạo công ăn việc làm từ chính cái nghề anh đã học được trong trại giam.
Một thời “chọc trời, khuấy nước”
Những năm 1990 về trước, giới giang hồ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ai cũng biết “anh Sáu Đà Nẵng” (biệt danh của anh Lợi), người chuyên dẫn đầu hàng chục “đệ tử” đi bảo kê, đòi nợ thuê kiếm tiền. Tuổi đời lẫn “tuổi nghề” của Lợi khi ấy còn “non choẹt”, song nhờ biết cách đãi ngộ đàn em, lại có độc chiêu dùng “đệ” toàn đám choai choai, vô công rồi nghề, tiền án tiền sự “trĩu vai”… nên Lợi nhanh chóng có đám tay sai đông đảo. 
Cùng độ liều lĩnh, manh động “không hề biết pháp luật là gì”, không ít thành phần bất hảo phải nghiêng mình kiêng nể. Để “dằn mặt” các nhóm đối thủ trên địa bàn, Lợi thường mang quân đi gây hấn, sẵn sàng trấn áp bằng nắm đẫm. Với các con nợ, phương châm hành động của nhóm Lợi bấy giờ là “động thủ trước, nói chuyện sau”, nhiều nạn nhân bị hành hung cũng không dám hé răng nửa lời.
Có điều lạ, cái tên “anh Sáu Đà Nẵng” nổi như vậy, nhưng hễ ai gọi Lợi như vậy đều bị thẳng tay “đấm cho vỡ miệng”, kể cả đám đàn em. Đến giờ Lợi mới tâm sự, “anh Sáu” thực ra là một ông lão hàng xóm đáng kính mỗi sáng thường hay cùng Lợi uống cà phê. Ông Sáu khi đó biết Lợi đang “dấn thân” vào tội lỗi nhưng không thể khuyên can nên chỉ còn cách đi theo bên cạnh để khuyên rắn. Một già, một trẻ “cặp” nhau thường xuyên, đám đàn em thấy thế mới chọn “anh Sáu” làm biệt danh gọi Lợi, đồng thời cũng cho ra dáng… giang hồ.
Lợi là con thứ hai trong gia đình đông con. Người mẹ qua đời sau ca sinh khó lần thứ năm. Cha đi bước nữa, Lợi có thêm ba người em. Ở với mẹ kế, tuy bà rất thương anh em Lợi nhưng do kinh tế quá khó khăn, tất cả đều phải nghỉ học giữa chừng. Chàng thiếu niên bỏ nhà đi bụi, ngang tàng, liều lĩnh khi mới 16 tuổi.
Sau khi gây ra nhiều vụ tai tiếng khiến cơ quan chức năng gọi hỏi, mang lại không ít phiền phức cho người thân, Lợi quyết đi xa lang bạt kỳ hồ. Cả bọn cùng nhảy lên xe, hết ra Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi vào Quy Nhơn, Bình Dương, TP.HCM. “Thấy đứa nào hư hỏng, mình tìm cách lôi kéo. Đứa nào chống trả, mình đánh nó khiếp nên phải tham gia, thành ra băng nhóm có đến cả trăm người”, anh Lợi hồi ức. 
Không nhớ nổi mình đã lang thang bao nhiêu nơi, gây hại cho bao nhiêu nạn nhân, chỉ nhớ bước ngoặt cuộc đời đến với Lợi vào năm 1997. Khi ấy vừa từ Tây Nguyên về thăm nhà, Lợi bị một “đại ca” khác kéo quân đến thị uy. Lợi trực tiếp vác kiếm ra đánh lộn khiến đối thủ ngã lăn bất tỉnh. May mắn nạn nhân giữ được tính mạng, Lợi chịu án bốn năm tù giam, thụ án tại Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế)
Bốn năm trong trại giam, khoảng thời gian không phải quá dài so với những tội lỗi Lợi đã gây ra, nhưng cũng đủ để đối tượng “giang hồ” này thấm thía nhiều điều. Hằng đêm gặm nhấm quá khứ, Lợi nhận ra một điều, cuộc sống rất công bằng, “ác giả, ác báo”. 
Đặc biệt hơn, khi người thân của Lợi lúc bấy giờ vì nghèo khổ mà tạm quên đứa con trong trại, ông Sáu hàng xóm lại lần mò đi thăm. Chính tình thương và niềm mong mỏi của hàng xóm muốn anh làm lại cuộc đời đã khiến Lợi quyết từ bỏ con đường tội lỗi.
Đêm đi tuần, ngày cảm hóa thanh niên hư
Cuộc sống sau ngày ra trại không dễ dàng. Đối mặt với hàng loạt khó khăn: không tiền, có khi bị kì thị, xa lánh… anh có lúc mất phương hướng. May có nguồn “Quỹ hoàn lương” của TP.Đà Nẵng, anh vay 3 triệu, mượn thêm bạn bè, mua được chiếc xe máy về chạy xe ôm. Chính những tháng ngày rong ruổi chở khách, anh đã chứng kiến không ít những thanh thiếu niên giật đồ, trộm cắp, lang thang… 
Bản tính nghĩa hiệp vốn có, nhiều lúc anh đề nghị khách xuống xe giữa chừng để đuổi theo bắt kẻ xấu. Anh đã tóm không ít đối tượng trộm, cướp lưu manh chuyên nghiệp mang về giao cho công an xử lý. Từ việc làm này, một năm sau ngày ra tù, anh được động viên tham gia Đội dân phòng cơ động của phường.
Năm 2002, anh lấy vợ, sinh con, cuộc sống càng khó khăn. Thời gian trong trại giam, từng được học cách làm lồng chim, nay thấy thú chơi chim đang thịnh ở Đà Nẵng, anh sắm ít dụng cụ, ngoài thời gian công tác xã hội lại làm lồng chim. Một mũi khoan, một cái cưa nhỏ, thấy “tạm sống được”, anh bắt đầu nghĩ đến những đứa trẻ lang thang, những “giang hồ nhí” anh từng bắt gặp. 
Ngôi nhà chỉ có 25m2 nhưng anh kêu đám trẻ đến ở cùng, có khi chỉ vàiđứa, có đợt lên đến 20. Hàng ngày anh vừa dạy nghề, vừa khuyên nhủ, vừa truyền dạy kinh nghiệm, khuyến khích đám trẻ tự đi làm kiếm sống lương thiện. Anh tâm sự: “Do tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ nên các em mới bị lôi kéo vào những việc làm phi pháp. Có được việc làm ổn định, có thu nhập, nhất định các em sẽ rời xa thói hư tật xấu”. 
Anh Lợi luôn giữ tờ giấy mãn hạn tù trong người như một lời tự nhắc nhở tránh xa quá khứ lầm lỗi
Anh Lợi luôn giữ tờ giấy mãn hạn tù trong người như một lời tự nhắc nhở tránh xa quá khứ lầm lỗi 
Thực tế đúng như lời anh nói, nhiều em đã có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng với nghề làm lồng chim cảnh. Một số đối tượng nghiện hút được Lợi cảm hóa, mỗi sáng còn đi uống thuốc Methadone theo chỉ dẫn của bác sĩ để cai nghiện, sau đó quay về “nhà anh học nghề. 
Một số trường hợp như Nguyễn Văn Hùng (18 tuổi, quê Hội An, Quảng Nam), Hồ Văn Cảnh (16 tuổi,Sơn Trà, Đà Nẵng), Lê Văn Cương (18 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng)… đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lang thang sinh hư hỏng, bị lôi kéo nghiện hút, anh đều tỉ tê tâm sự những sai lầm của đời mình để các em lấy đó làm bài học. Khoảng gần 50 thanh niên như thế đã được anh giúp đỡ, cảm hóa, dạy nghề.
Anh Lợi tâm sự, có thể giúp ích cho xã hội nhiều hơn thế, nếu không gặp eo hẹp về kinh tế, nếu có tiền mua máy móc, mở rộng cơ sở hiện tại để tạo thêm công ăn việc làm cho các anh em. Tham gia Đội dân phòng cơ động ba ngày/tuần, đi suốt đêm được phụ cấp 50 ngàn đồng/đêm, số tiền không đủ trang trải cuộc sống, khó có thể làm thêm những việc nghĩa hiệp. 
Xưởng sản xuất lồng chim vì thế hoàn toàn chỉ dựa vào sự khéo léo của đôi tay. Tỉ mẩn, “lấy công làm lời”, bốn ngày một người cho “ra lò” một chiếc lồng chim bán với giá 700 ngàn, trừ đi tiền vật liệu, số còn lại không bao nhiêu. Để có thể giúp các em nhiều hơn, anh Lợi phải đi phụ vợ bán bánh mì, nhặt ve chai cùng người mẹ kế đang ở với vợ chồng anh. 
Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an phường Hải Châu 2 nói về anh Lợi: “Đêm đi tuần, sáng phụ vợ dọn hàng, đưa con đi học, sau đó lại quay về dạy các em làm lồng chim, tìm mối tiêu thụ, không rượu chè, cờ bạc, anh Lợi đã thực sự đoạn tuyệt hẳn với quá khứ bất hảo”./.

Đọc thêm