Đám tang không kèn trống của nam sinh vô tội chết oan

(PLO) - 12 giờ đêm, ánh trăng non treo lặng lẽ phía cuối trời. Người làng Phú Khê dường như không ngủ. Người già người trẻ đều đổ ra một khúc sông Phổ Lợi, đèn đuốc sáng trưng. Những tiếng gọi khắc khoải cứ hằn vào đêm đen...
Cha nạn nhân ủ rũ bên quan tài con
Cha nạn nhân ủ rũ bên quan tài con
“Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”
Tối 1/8/2014, một nhóm thanh niên gồm Cao Văn Rốp, Dương Phong Hào (cùng 21 tuổi), Dương Quang Việt (27 tuổi), và một thanh niên tên Bụng (27 tuổi, cùng ngụ thôn Phú Khê, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngồi nhậu trước nhà anh Lê Quang Vinh. Thấy một thanh niên chạy xe “lếu láo” ngang qua, Việt buột miệng, “chạy xe chi mà dữ rứa em”. Người thanh niên vừa chạy xe vừa quay lại nhìn, sau đó chạy thẳng. 
Cuộc nhậu sắp tàn, lúc này Trần Văn Nghi (sinh viên năm 3, khoa luật, trú cùng thôn) đi sinh nhật bạn về, đang mở cổng vào nhà thì được gọi sang ngồi chơi. Vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp uống cạn ly bia, bất ngờ một nhóm thanh niên gồm sáu người, ngồi trên ba xe máy kéo đến, do thanh niên chạy xe “lếu láo” lúc nãy dẫn đầu. Vừa xông vào, nhóm lạ mặt chém tới tấp khiến cả bàn nhậu bỏ chạy tán loạn.
Bị chém bất ngờ, Việt bị thương ở tay, máu chảy đầm đìa, nén đau, thanh niên này lao vào màn đêm, lẫn vào một bụi rậm cạnh đó ẩn nấp. Thấy Rốp và Hào chạy về hướng cầu chợ Nọ, Nghi cũng bám theo, sau lưng nhóm côn đồ đang truy đuổi suýt soát. Đến cầu, Rốp và Hào lao xuống sông Phổ Lợi thoát thân. Cả hai bơi vào dưới dầm cầu ngồi đợi Nghi. Đợi mãi không thấy bạn bơi đến, hai thanh niên đành lên bờ về nhà. Thấy xe Nghi vẫn để ngoài cổng, biết bạn chưa về, cả hai thông báo cho gia đình, rồi cùng ra bờ sông tìm kiếm.
Chị gái Nghi kể lại. Lúc đó đã 12 giờ đêm. Bố mẹ cô ngủ say thì nghe hai thanh niên hàng xóm báo tin dữ. Hoảng hồn, cả hai lật bật cầm đèn pin, hớt hải chạy ra bờ sông tìm kiếm. Tìm mãi không thấy con trai, hai ông bà vừa khóc, vừa hoảng loạn chạy quanh. Hàng xóm hay tin, cũng đổ ra kiếm phụ. Tìm đến bạc mặt, chẳng thấy con đâu. Đến 6h sáng, bố mẹ cô hết hy vọng. Lúc này họ mới chấp nhận sự thật đau lòng, Nghi có thể đã bị đuối nước. Ông bà liền thuê đội lặn xác đến tìm. Vừa lặn vừa cúng, giấy tiền vàng mã, rải trắng cả một khúc sông. Thương con, hai ông bà vật vã bên bờ sông, khóc đến cạn nước mắt. 12 giờ trưa hôm ấy, đầu Nghi mới nhô lên khỏi mặt nước.
Trước cái chết của Nghi, không những gia đình, mà cả thôn Phú Khê đều bàng hoàng thương xót. Nghi vốn hiền lành, chẳng bao giờ gây sự với ai. Nay gặp họa từ trên trời rơi xuống, dẫn đến mất mạng một cách oan uổng. “Em với Nghi có hẹn, thực tập xong, em sẽ về chở Nghi đi ăn, bất cứ thứ gì mà em trai thích. Rứa mà giờ em chết đành đoạn như rứa. Em nợ em trai mình một lời hẹn, mà cả đời ni không thực hiện được rồi”, chị gái nạn nhân nói trong nước mắt. 
Cô kể, 12 giờ trưa hôm ấy, khi người nhà điện vào, cô cứ nghĩ đã tìm thấy em trai, nào ngờ là tin báo tử. Đôi chân cô gái quỵ xuống, chỉ muốn ngất lịm khi biết tin dữ. Bạn bè, đồng nghiệp, mỗi người một tay, chở cô ra bến xe để về quê chịu tang em.
Đám tang không kèn trống
Theo người nhà nạn nhân kể lại, nguồn cơn của cuộc đụng độ hôm ấy, dẫn đến người thân của họ phải chết oan ức, bắt nguồn từ việc có một thanh niên làng khác đến làng Phú Khê tán gái. Thanh niên này thường chạy xe lếu láo, nên từng bị trai làng “dần” cho nhiều lần và “khuyên” không được đến làng Phú Khê tán gái nữa. Họ nghi ngờ, nhóm thanh niên đến làm loạn đêm ấy, mục đích để rửa nỗi hận trước đó.
Nằm trong bệnh viện với một cánh tay được băng bó, Việt nói trong ân hận. “Em bị vậy chẳng oan uổng chi. Nhưng Nghi chết thì oan quá. Nó ở trong làng, hiền lành lắm. Tối ngày chỉ chăm chỉ học hành, không hề gây gỗ chi với ai. Tối đó, chắc cũng vì nể nang, nên mới qua ngồi chơi. Ai ngờ...”.
Các nghi phạm trong vụ án
 Các nghi phạm trong vụ án
Đám tang Nghi lặng lẽ. Không tiếng kèn, tiếng trống. Người thân nạn nhân cho biết: “Cháu chết trẻ quá, lại chết tức tưởi như rứa. Mà tiếng kèn đám ma thì ai oán, não ruột. Sợ nghe những âm thanh đau đớn đó, người thân càng thêm nát lòng. Nên đành để cháu ra đi, mà không có kèn trống đưa tiễn”.  
Nghi là con trai độc nhất trong gia đình có ba chị em. Chị cả Nghi đã lấy chồng, chị kế học năm cuối đại học. Sau cái chết của cậu con trai, bố mẹ thanh niên quỵ ngã. Người bố vốn khỏe mạnh, giờ trong bộ đồ tang trắng xóa, ông ngồi vật vờ bên quan tài con trai, lúc tỉnh lúc mê. Con trai ông biết bố thích nghe nhạc xưa, nên trước đó mấy ngày đi mua một đĩa trắng về. “Hắn nói ba thích bài hát mô, thì ghi ra giấy. Để con ghi vô đĩa cho ba nghe. Nó đã hứa với tui như rứa, mà giờ “nuốt lời””, nước mắt mặn mòi của người cha trải dài trên má.
Nơi góc nhà, mẹ Nghi nằm liệt giường. Con trai bà hứa năm nay học thật tốt, để kiếm cho được một suất học bổng. Nghi định sẽ dùng số tiền học bổng ấy, để “lên đời” chiếc điện thoại “cùi” của mẹ. Chiều hôm Nghi gặp nạn, biết mẹ thích ăn cháo, cậu con trai đã mua cháo về cho mẹ. Nào ngờ, đó là bữa ăn cuối cùng người mẹ tội nghiệp được con chăm sóc. 
Khi đưa xác Nghi lên bờ, máu ở mắt, mũi miệng người chết liên tục trào ra. Người chị nói, theo quan niệm dân gian, những ai chết oan ức, người thân đến bên cạnh, người chết sẽ hộc máu mãi. Thương Nghi, nên cả nhà chỉ dám đứng xa nhìn. Đến lúc tẩm liệm, chị gái nạn nhân cũng không đến nhìn mặt em trai lần cuối. Vì sợ em ấy tủi. Dù có người ngồi bên cạnh để lau cho em, vậy mà máu vẫn thấm ướt cả gối em nằm. 
Bị đuối nước hay bị đánh đến chết?
 “Tìm thấy xác con, anh chị tui đau đến chết đi sống lại. Lúc hay tin phải mổ tử thi cháu, họ càng đau đớn dữ. Tui đại diện gia đình, xin đừng mổ tử thi mà tội cháu. Nhưng bên cơ quan điều tra quyết định phải mổ, để xác định nguyên nhân cái chết”, dượng của nạn nhân kể lại. Người này cho biết, lúc tìm thấy xác người cháu, một bên mặt, cánh tay, ngực tím bầm. Không rõ nguyên nhân do bị đánh hay do áp lực của nước tác động khi nạn nhân nhảy xuống nước. Ngoài ra, lúc mổ tử thi, trong phổi nạn nhân không thấy nước. Người dượng nghi ngờ cháu ông bị đánh chết rồi xô xuống nước.
Người nhà nạn nhân thuật lại sự việc
Người nhà nạn nhân thuật lại sự việc 
Người hàng xóm cạnh nhà còn cho hay, trong tay nạn nhân có cầm miếng ngói vỡ. Theo ông này suy đoán, Nghi sau khi bị đánh, đã bị đẩy xuống sông. “Chổ đó bờ dốc thoai thoải, người ta có đổ các gạch ngói vỡ. Chắc lúc thằng bé lăn xuống, trong phút giây cuối cùng, nó đã cố bấu víu xuống đất để tìm chút sự sống.
Hào cũng khẳng định, trong lúc ngồi đợi bạn phía dưới cầu, Hào và Rốp không hề nghe tiếng “bõm”, nên cả hai nghi ngờ, Nghi đã không nhảy xuống sông. “Nghi không biết bơi, nên em nghĩ chắc nó không dám nhảy”, Hào khẳng định.
Câu chuyện dang dở khi một nhóm 4 người lấp ló ngoài cổng. Họ đến viếng đám tang trong rụt rè, ái ngại. Người phụ nữ cho biết, mình là mẹ của một thanh niên đã tham gia gây rối đêm ấy. Biết tin, nên bà cùng gia đình của những thanh niên kia đến viếng. Mong chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân. Vẻ mặt khắc khổ, bà cúi mặt nói ngập ngừng, “nhà nghèo, em tối ngày lo làm lụng kiếm tiền. Con cái giao du với bạn bè xấu hay tốt cũng không biết. Nên giờ mới ra nông nỗi như ri”. 
Dì của nạn nhân bức xúc: “Cháu tui là con trai độc nhất. Mai này còn hương khói cho cha mẹ. Chị tui giờ già rồi, mà con trai lại chết, chị mô có đẻ thêm được nữa. Giờ gia đình chị tui, coi như tuyệt tự rồi”. 
Chồng bà gạt ngang, nói chậm rãi. “Con hư cũng tại cha mẹ không dạy dỗ. Nếu gia đình không dạy được, thì thôi, để pháp luật xử lý. Chứ chị thương con, lại tìm cách đưa nó ra, biết đâu mai mốt nó lại gây sự tiếp. Ai biết được sau này còn có người khác phải chết oan uổng như cháu tui. Ở đời nhân quả báo ứng, có vay có trả. Mấy đứa không trả, thì con cháu nó trả. Chị đã đến đây, thắp cho cháu nén nhang. Tui ghi nhận. Mọi việc đành phải chờ kết quả từ cơ quan chức năng mới biết được”.
Công an huyện Phú Vang đã đang tạm giam các đối tượng để điều tra làm rõ vụ việc.  /.

Đọc thêm