Dấu hỏi lớn từ đại án bầu Kiên

(PLO) - Hôm nay 2/6, đại án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bước vào ngày xét xử thứ 11. Dự kiến, đại diện Viện kiểm sát (VKS) sẽ đối đáp tiếp những câu hỏi của các Luật sư (LS). Nếu các lập luận, phản biện không được VKS chấp nhận thì nguy cơ đối diện với bản án nghiêm khắc càng rõ rệt.
Dấu hỏi lớn  từ đại án bầu Kiên
Hiệu quả hay hậu quả?
Hành vi “Cố ý làm trái” của bầu Kiên và các đồng phạm ban đầu được khởi tố trong vụ lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như, sau đó được tách ra nhập vào vụ án này nhưng 718 tỷ đồng, khoản được cho là thiệt hại của hành vi cố ý làm trái không được xem xét ở vụ án này. 
Việc này nhiều LS ví có “đầu” mà không có “đuôi”, có hành vi mà hậu quả xét ở vụ án khác thì không cấu thành tội “Cố ý làm trái”. Dù VKS cho rằng mỗi hành vi có tính độc lập tương đối nên việc tách vụ án không làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ này nhưng LS của Kiên và của 5 đồng phạm suốt những ngày xử vừa qua không “tâm phục, khẩu phục”. 
“Không xem xét hậu quả thiệt hại của hành vi làm trái trong vụ án này sẽ xảy ra một vấn đề pháp lý trong kết tội, đó là: hậu quả thiệt hại 718 tỷ đồng đã được xác định thiệt hại của ACB tại bản án sơ thẩm Huyền Như nhưng bản án này lại bị kháng cáo nên hiện giờ vẫn chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở khẳng định hành vi ủy thác gửi tiền có gây thiệt hại. Do đó, vụ án này phải chứng minh Như chiếm đoạt của ai, và ACB được xác định là nguyên đơn thì phải xác định họ có thiệt hại hay không?
Tại Tòa, đang có hai quan điểm trái ngược, Huyền Như nói chiếm đoạt của ACB nhưng ACB nói Như chiếm đoạt của Vietinbank, do đó không làm rõ Như chiếm đoạt của ai sẽ khó kết tội cố ý làm trái. Phải chăng, không chứng minh vì sợ “án chồng án?”- LS Nguyễn Minh Tâm nêu và đề nghị VKS trả lời lại vấn đề này. 
LS Lưu Văn Tám còn “phát hiện” số tiền thiệt hại trong án sơ thẩm vụ Huyền Như không khớp với con số 718 tỷ ở vụ này nên các LS vẫn hoang mang không biết thiệt hại chính xác là bao nhiêu?
Ngoài hậu quả thiệt hại, LS của các bị cáo còn đặt câu hỏi: “Nếu nói thực hiện chủ trương ủy thác gửi tiền gây thiệt hại thì số tiền thu lãi được từ hoạt động gửi  tiền này hơn 1,1 tỷ đồng và số lãi này đã được hạch toán, nộp thuế theo quy định thì đây được coi là hậu quả hay hiệu quả?”.
Một vấn đề khác mà các LS cho là vi phạm tố tụng, đó là VKS đã luận tội vượt phạm vi truy tố ban đầu. Theo đó, cáo trạng của VKSNDTC truy tố các bị cáo tội “Cố ý làm trái” chỉ truy tố hành vi thực hiện Nghị quyết của Thường trực Hội đồng quản trị ACB về ủy thác gửi tiền từ ngày 1/1/2011 trở về sau  (thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2011 có hiệu lực) chứ không truy tố hành vi ban hành chủ trương trước đó. 
Thế nhưng, tại nội dung luận tội, VKS đã mở rộng phạm vi, xét cả hành vi ban hành chủ trương trước đó (ngày 22/3/2010) với nhận định hành vi ban hành chủ trương vi phạm Quyết định 742 ngày 17/7/2002 quy định về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng. Việc mở rộng này gây bất lợi cho bị cáo, vi phạm Điều 196 Bộ luật Tố tụng Hình sự khiến bị cáo mất quyền tự bào  chữa. Các LS chờ đợi đối đáp của VKS, thậm chí còn kiến nghị hoãn phiên tòa để điều tra lại, đưa hành vi luận tội thêm đó vào cáo trạng và xét hỏi lại từ đầu.
Thiếu tiếng nói của các tổ chức xã hội 
Sau mấy ngày xét xử vừa qua, Báo PLVN nhận được nhiều ý kiến của LS quan tâm đến vụ án, cho rằng tội lừa đảo của bầu Kiên nếu nhìn vào thời điểm Hòa Phát có đơn và lời khai của bầu Long tại Tòa phần nào nói lên được Hòa Phát có là bị hại hay không:
“Trong vụ án này, Hòa Phát cho rằng họ không có đơn tố cáo, khiếu nại và thời điểm làm đơn là sau khi cơ quan công an vào cuộc nên có thể hiểu họ không bị chiếm đoạt. Nếu khi chưa có vụ án mà họ tự làm đơn thì lúc đó mới phản ánh khách quan đúng quyền lợi của họ bị xâm hại. Bầu Long cũng mạnh dạn nói bầu Kiên không có ý lừa đảo mình. Như vậy, 3 yếu tố của tội lừa đảo là bị hại, tài sản bị chiếm đoạt và gian dối trong vụ án này rất mờ nhạt, Hội đồng xét xử cần xem xét khách quan, tránh đánh giá phiến diện”- một LS nói.
Một số LS cũng cho rằng vụ án này thiếu tiếng nói của các tổ chức xã hội là điều rất đáng tiếc, dù các bị cáo đã kiến nghị, trông chờ biết mấy. Tại Tòa, bầu Kiên cho biết có gửi đơn kêu oan tới các cơ quan công quyền, còn LS bào chữa cho bầu Kiên thì cầu cứu đến Quốc hội để giải thích luật. 
Nhiều LS, các doanh nhân đã có ý kiến, quan điểm đa chiều về vụ án này, đồng thời một loạt các câu hỏi trong vụ án chưa có lời giải thỏa đáng như: Tài chính, kinh doanh tài chính là gì? Kinh doanh tài chính (khi đã thành lập doanh nghiệp) có cần phải xin “Giấy phép con”? Nguyên lý kinh doanh những gì pháp luật không cấm hay kinh doanh những gì pháp luật cho phép? Thế chấp cổ phần có làm chấm dứt quyền sở hữu? Thế nào là cố ý làm trái quy định của Nhà nước? Quyền tự do kinh doanh là gì?... 
Các câu hỏi này có thể được viện dẫn, giải thích, phản biện từ những tổ chức của doanh nghiệp như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhưng kể từ khi xảy ra vụ án cho đến khi các bên có những tranh luận “nảy lửa” tại Toà, vẫn không thấy các hiệp hội lên tiếng.
“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo quy định là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, còn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức tín dụng Việt Nam, có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng ở vụ án có nhiều tranh cãi này tuyệt nhiên không thấy tiếng nói của hai tổ chức là điều đáng tiếc. 
Tất cả những vụ án kinh tế hiện nay chúng ta cũng không thấy “bóng dáng” các tổ chức xã hội nghề nghiệp khiến chức năng cơ bản của các hiệp hội là “bảo vệ”, “tham mưu” và “phản biện”cho hội viên của mình dần yếu đi”- LS Trương Anh Tú (VPLS Trương Anh Tú) nhận xét.

Đọc thêm