Đau lòng khi tội phạm là người Việt… “giúp đỡ”

(PLVN) - Việt Nam có gần 4000km đường biên giới tiếp giáp với ba quốc gia, địa hình biên giới đa dạng, vừa là sông ngòi, vừa có núi cao vực sâu lại có cả đồng bằng... Cả ba quốc gia cũng đều đang có dịch, thậm chí là vùng dịch khổng lồ. 
Phạt 25 năm năm tù với nhóm thanh niên đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam!
Phạt 25 năm năm tù với nhóm thanh niên đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam!

Thời gian qua, dù lực lượng chức năng Việt Nam thắt chặt việc nhập cảnh để kiểm soát, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn có nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, gây xáo trộn xã hội và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao…

27/63 tỉnh có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Đà Nẵng, Quảng Ngãi trở thành tâm điểm nóng bỏng của cả nước, khi các ca mắc Covid-19 mới được xác nhận tại hai địa phương này. Dư luận cho rằng, để xảy ra các ca mắc Covid-19 tại các địa phương này rất có thể liên quan đến những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, khi Đà Nẵng vừa phát hiện thêm 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, trà trộn giữa các khu dân cư, nâng tổng số người Trung Quốc được “che giấu” tại các cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng và Quảng Nam lên tới 73 người. 

Như vậy, trong chuỗi 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, có rất nhiều người nước ngoài (đa phần là Trung Quốc) đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, có rất nhiều công dân Việt Nam đã lẻn về nước thông qua các dịch vụ vận chuyển người trái phép để tránh cách ly. Đó là một lỗ hổng và có thể là nguyên nhân truyền bệnh vào Việt Nam. 

Theo thống kê của Công an TP.HCM, từ ngày 21-7 đến ngày 3/8 đã phát hiện 114 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP.HCM, xảy ra ở các quận: 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào thành phố có nhiều nguyên nhân: TP.HCM có lượng lớn người gốc Hoa sinh sống, làm việc và cư trú, những người này có mối quan hệ nhân thân, làm ăn với công dân Trung Quốc, cùng với tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Trung Quốc đang diễn ra phức tạp. 

“Chúng ta không loại trừ một số người nước ngoài lợi dụng chủ trương này để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để lao động. Việc này tác động tiêu cực đến công tác an ninh trật tự và phòng chống dịch”, ông Phong nhận định.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 3/8, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã giải đáp câu hỏi của báo giới về việc vì sao gần đây các đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam xuất hiện nhiều hơn so với khi trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng? Tại sao những đối tượng này vào sâu trong nội địa mới phát hiện ra?

Về vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ, liên quan tới người nhập cảnh vào Việt Nam, cần phân biệt rõ có 2 nhóm: Người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bất hợp pháp và số công dân Việt Nam ở các nước láng giềng trở lại trong nước. 

Theo đó, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam vì một số nguyên nhân, trong đó có: Tìm việc ở một số địa phương Việt Nam, đi du lịch và có “số lượng tương đối nhiều”  vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài, bởi Campuchia đã mở lại các sòng bài. 

Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin, từ đầu năm đến nay, tại 27/63 địa phương của Việt Nam có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với tổng số là 504 người. Một số ví dụ cụ thể như: An Giang có 4 trường hợp, Bắc Ninh có 35 trường hợp, Đà Nẵng có 78 trường hợp, TP.Hồ Chí Minh là 12 người, Lai Châu có 36 người, Lạng Sơn có 29 người, Quảng Ninh có 126 trường hợp và Tây Ninh là 32 trường hợp. 

Từ tháng 6 đến nay, công an và biên phòng các địa phương phát hiện 21 vụ việc, với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ông cho biết, Việt Nam đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. 

Theo đại diện Bộ Công an, số đông tới hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh là người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới sang bên kia biên giới làm việc.

Nỗi đau… 250 ngàn đồng!

Bạn tin được không, cái giá cho một người Việt Nam về từ Trung Quốc thông qua các hãng xe dịch vụ Trung Việt chỉ khoảng 4000 NDT ~ 12 triệu đồng Việt Nam. Chi phí ấy được nhà xe cam kết đảm bảo tránh được chốt kiểm dịch và người trên xe không phải cách ly 14 ngày bắt buộc.

Tin được không khi tiền công “vận chuyển” một người Việt Nam qua đường mòn, lối mở từ Campuchia về Việt Nam chỉ có... 250 ngàn đồng. Tất cả những kẻ trốn chui trốn lủi đó né được các chốt biên phòng và không phải cách ly 14 ngày. 

Có thể nói, chỉ cần nhìn vào giá đưa một người Trung Quốc sang Việt Nam chỉ mất có 250 ngàn đồng Việt Nam, thì ước lượng được con số người vượt biên rất lớn và rất nhiều nguồn tổ chức cho người Trung Quốc vượt biên. Nếu tính cả 4 lực lượng gồm Bộ đội biên phòng, Công an, Hải Quan, chỉ riêng tuyến biên giới phía bắc trải dài 700 km rừng núi hoang dã, khó khăn, nếu mỗi người trong hoàn cảnh khẩn cấp, phải canh chừng 50 mét, mỗi ngày ba ca  thì phải mất vài chục ngàn người mới đủ.

Ta không có lực lượng ấy! Trong khi có những “Nhà dịch vụ” dùng mạng gọi khách đi xe của họ qua lại biên giới Việt-Trung như là gọi khách Hà Nội đi Hải Phòng, giá cả phải chăng, không cần hộ chiếu. Họ cam kết chở qua điểm kiểm soát, cách ly.

Chưa kể, bất kỳ nơi nào trên suốt 4000km biên giới đều có thể trở thành “đường”. “Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng”, những đường dây ấy có đủ kinh nghiệm để tìm cách băng rừng, vượt biên, tìm ra những đoạn đường mà bộ đội biên phòng chưa tuần tra đến, lựa chọn thời gian, địa điểm thích hợp đưa người vượt biên, giấu người trong các phương tiện giao thông qua mặt lực lượng chức năng. Và những việc ấy tất cả đều được “giúp đỡ” bởi những người Việt trong nước...

Bởi vậy, nếu việc ngăn chặn vượt biên, ngăn chặn dẫn người vượt biên không xuất phát từ ý thức của chính những người dân quanh vùng biên giới, từ trách nhiệm của chính những đơn vị vận tải qua cửa khẩu thì khó lòng lực lượng biên phòng có thể ngăn chặn được. Chỉ một ca lọt, tiếp xúc với một vài người khác cũng đủ khiến dịch bệnh bùng phát. 

Ngoảnh đầu lại thì thấy, dù chúng ta đang làm rất tốt, nhưng vẫn có kẻ mang danh “đồng bào” vì sự thiếu hiểu hiểu biết, âm thầm phá hoại! Cuộc chiến này thật đau lòng do người Việt hại người Việt. Khi những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam kia chính là do người Việt dẫn đường. Những người có thể về Việt Nam trốn được cách ly cũng là nhờ người Việt dẫn đường.

Chúng tổ chức thành một đường dây tinh vi, tự tin quảng cáo trên mạng xã hội: “Đảm bảo né được cách ly”, chúng hả hê thu về những đồng tiền đánh đổi bằng sự an toàn của cả một đất nước. Và bây giờ, hàng triệu con người đang chạy theo, phải nhanh hơn cả virus, vì biết đâu, trong những người đang vui vẻ dạo phố, có người đang âm thầm mang mầm bệnh?!...

Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép tại Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay là rất nguy hiểm cho xã hội, hoàn toàn có thể̉ truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo an ninh an toàn cũng như phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng có nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật phổ biến, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng chống dịch bệnh.

Theo nghị quyết, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Đối với trường hợp làm lây lan dịch bệnh, hình phạt tù cao nhất có thể lên đến 12 năm tù giam. 

Ngày 4/8 vừa qua, tại xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa lưu động xét xử công khai vụ án sơ thẩm hình sự đối với đối tượng Voòng A Sủi cùng đồng phạm về tội “tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Theo hồ sơ vụ án, Voòng A Sủi (sinh năm 1997, trú tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cùng với 5 người khác đã móc nối với các đối tượng nước ngoài đưa người vượt biên trái phép vào Việt Nam.

Cụ thể, trong các ngày 9 và 10/6, nhóm này đã 2 lần tổ chức cho 6 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đã bị Bộ đội Biên phòng Đồn Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) bắt giữ. Trong đó, Voòng A Sủi là kẻ đóng vai trò chính, chỉ đạo; 5 người còn lại giúp sức đắc lực cho Sủi. Mỗi vụ trót lọt, nhóm của Sủi thu hơn 13 triệu đồng/người.

Những người nhập cảnh trái phép sẽ di chuyển bằng bè xốp vượt sông qua biên giới, sau đó được cái đối tượng dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và vào nội địa Việt Nam.

Căn cứ hành vi, tình tiết, mức độ vi phạm, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Voòng A Sủi 6 năm tù giam; Voòng A Hây 6 năm tù giam; Lỷ A Tằng 5 năm tù giam; Phùn Quay Phóng 4 năm tù giam; Nình Văn Xuân 2 năm tù giam và Phùn Văn Dũng 2 năm tù giam.

Đây là bài học nghiêm khắc cho những kẻ thiếu hiểu biết, vì hám lợi mà sẵn sàng vi phạm pháp luật. Phiên tòa lưu động với bản án nghiêm khắc trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới đã thể hiện sự quyết liệt của không chỉ Quảng Ninh trong cuộc chiến với dịch Covid-19, vì sự bình yên hạnh phúc của đất nước và nhân dân…

Đọc thêm