Đi tìm màu dó điệp

(PLO) - Tháng Chạp mà nắng vàng như những vạt cải nở sớm bên bãi bồi sông Đuống, chúng tôi về xứ Kinh Bắc đi tìm màu dó điệp – đi tìm những thứ màu lấp lánh như ngọc trai, nhưng lại khiêm nhường ẩn mình sau lớp giấy thô nháp, sần sùi, như những cuộc đời tốt đẹp đang ẩn sau những tất bận, ồn ã của cuộc sống…
Nụ cười đã trở lại trên gương mặt của cụ Trần Văn Thêm - người mang thân phận bị can 46 năm
Nụ cười đã trở lại trên gương mặt của cụ Trần Văn Thêm - người mang thân phận bị can 46 năm

Chuyện bên trong thị trấn Chờ

Đường về xứ Kinh Bắc bây giờ đã rộng thênh thang. Khi nghe chúng tôi hỏi đường về Yên Phong – Bắc Ninh, bà bán nước chè chén bên cổng chợ  quê vồn vã nhắc ngay đến tên cụ Thêm – người vừa được công khai xin lỗi sau vụ án oan. Tận tình chỉ đường xong, cụ còn nói với theo giọng đầy hồ hởi: Đấy, trời có mắt, công lý lúc nào chẳng thấu trời xanh.

Vâng, công lý đã thấu trời xanh, chúng tôi cũng nhận thấy sự hồ hởi ấy trên khuôn mặt của cụ Trần Văn Thêm khi mở cánh cổng gỗ mời chúng tôi vào nhà. Có lẽ, trong bài viết này, chúng tôi không phải nhắc lại bản án oan nghiệt từ những năm 70 của thế kỷ trước… Bởi những độc giả của báo PLVN đã từng rất nhiều lần được đọc những bài viết về vụ án ấy. Không những thế, cụ Trần Văn Thêm đã từng giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam điện tử để chia sẻ về những nỗi niềm của mình trong hành trình đi tìm công lý.  

Nhưng có điều, dù chúng tôi có né tránh nhắc lại kỷ niệm buồn, thì trong câu chuyện của mình, cụ Thêm vẫn không thể  bỏ qua những tháng ngày tăm tối chốn lao tù của cụ.

Nỗi niềm đau đáu nhất của tử tù Trần Văn Thêm khi ấy là vợ và 5 đứa con nhỏ ở nhà. Ngày cụ vào tù, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn 2 tuổi. Trước khi vướng vòng lao lý, cụ là người đàn ông sức vóc, được cả làng ngưỡng mộ. Cụ bôn ba đây đó, mua đầu chợ, bán cuối chợ, từ đàn lợn con gà, đôi dép nhựa, cái nón lá… cứ thấy cái gì kiếm lời được là cụ mua đi bán lại. Cũng chính bởi thế nên gia đình gia đình của cụ so với dân làng ngày ấy thuộc hàng khá giả. Ấy vậy mà từ ngày cụ vào tù, của nả đội nón ra đi hết sạch. Con cái bỏ học. Phần vì phải ở nhà giúp mẹ, phần vì nỗi nhục, nỗi uất ức khi luôn bị người làng chỉ trỏ “con thằng giết người’.

“Hồi đó tôi lớp 4, em kế tôi lớp 2 đều phải bỏ học. Mẹ con đàn bà ở với nhau, bị chia cho con bò sắp chết đói, em gái tôi phải đi cắt cỏ cho bò ăn. Nhà nghèo xơ xác, đến manh quần áo tử tế không có để mặc. Hễ trời mưa là phải mặc quần áo ướt vì phơi không kịp khô. Thậm chí con gái nhưng phải mặc lại chiếc quần đùi của bố để lại. Quần rách tả tơi vẫn phải mặc, khách đến đang quét sân phải đi giật lùi vì rách hết phía sau…” – người con gái cả của cụ Thêm thay lời bố, kể lại câu chuyện nhà mình.

Cụ Thêm khắc khoải đợi chờ để được cảm ơn những lời đã giúp đỡ mình.
Cụ Thêm khắc khoải đợi chờ để được cảm ơn những lời đã giúp đỡ mình.

Bà bảo, bà đã khóc nhiều lắm, khóc tưởng như đã hết nước mắt. Từ ngày cụ Thêm được xin lỗi công khai, bà tự nhủ mình sẽ  không bao giờ khóc nữa. Nhưng, nhủ lòng như thế vậy mà mỗi lần nhắc lại quá khứ tủi hờn ấy, nước mắt vẫn trào ra ứa nghẹn.

Nhớ lại những cái Tết là “con người tù”, bà bần thần: Đến manh áo không đủ che thân thì lấy đâu ra Tết. Lấy đâu ra bánh chưng, thịt mỡ. Chỉ nhớ, Tết là lúc mẹ vét mẻ ngô trong nhà, mang rang mật, rồi cho vào tay nải, khăn gói đến trại giam cho bố. “Chúng tôi len lén quanh mẹ, dè xẻn xin xỏ, nhưng chỉ được đôi hạt gọi là. Mẹ bảo: Bố ở trong tù khổ lắm. Để dành mang lên cho bố”.

6 cái Tết trong tù, cụ Thêm cũng không nhớ mình đã mấy lần được ăn ngô rang mật vợ gửi lên. Cái Tết thứ 7, vào ngày năm cùng tháng tận, cụ được thả về. Sau 2 ngày ở Bộ Công an, cụ được đưa ra ga tàu về với một tấm giấy miễn lao động và mấy kg bánh kẹo. “Tôi cầm giấy miễn lao động, còn gói kẹo, tôi cám ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn các ông ở Bộ công an, chứ không nhận. Được tự do, được minh oan, thế là tốt lắm rồi” – Cụ Thêm kể.

Tết đó, nhà ông ăn Tết to hơn hẳn. Mời anh em họ hàng thân thiết. Ăn xong của nhà, ông còn được bà con hết nhà nọ đến nhà kia mời đến.

“Tết này, đã được xin lỗi rồi, nhà mình lại làm tết to chứ cụ?” – chúng tôi hỏi. Cụ Thêm nheo nheo mắt cười. “À, ừ! Ai cũng mừng cho tôi. Tôi cũng muốn làm cái Tết to to để cám ơn những người đã giúp đỡ tôi được minh oan. Nhưng tôi còn chờ…!Nhà còn gì đâu! Đi tù về thời trai trẻ hết rồi, sức khỏe hết rồi, còn làm được gì đâu. Vợ mất, các con lấy vợ lấy chồng, kinh tế cũng chả mấy dư dả…”

Tạm biệt cụ Thêm, rẽ ra khỏi lối ngõ nho nhỏ của nhà cụ là thị trấn. Thị trấn có cái tên thật lạ: Thị trấn Chờ. Cái tên như nỗi niềm của cụ già đang ở tuổi gần đất xa trời, mong ngóng chút ánh sáng cuối cùng trước khi khuất núi...

Đi tìm màu dó điệpnghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - hậu duệ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn đang cố gìn giữ nghề tranh đông hồ
Đi tìm màu dó điệpnghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - hậu duệ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn đang cố gìn giữ nghề tranh đông hồ

Lấp lánh ven sông…

Men theo con đê dọc bờ sông Đuống, chúng tôi đi tìm làng tranh Đông Hồ. Cậu bé chừng hơn 10 tuổi nhoi nhoi trên chiếc xe đạp ngược gió, tưng bừng khi nghe khách hỏi: Làng tranh Đông Hồ ở đâu em? Lòng khách lạ có chút nao nao khi thấy cậu bé không dấu nổi niềm vui khi quay ngược xe dẫn khách về làng mình.

Chẳng biết, cậu bé ấy có được kể ngày xưa ấy, nếu vào độ tháng Chạp này, khúc sông Đuống ở quê cậu nhộn nhịp trên bến dưới thuyền bởi khách mua tranh. Ngày xưa ấy, cả làng Hồ vào độ tháng Chạp là rực rỡ sắc màu của tranh Đông Hồ, “màu dân tộc sáng bừng trang giấy điệp”… Ấy vậy mà, giờ đây, dấu vết của bến sông tranh đã lẫn vào bờ cỏ lau cao vút, cả làng tranh chỉ còn vài ba nhà giữ nghề cha ông để lại.

Hậu duệ của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ra tận ngõ đón chúng tôi khi xe vừa dừng trước cổng. Bà là người hiếm hoi ở làng này còn giữ nghề làm tranh Đông Hồ. Từ năm 10 tuổi, bà đã theo mẹ đi làm tranh ở Hợp tác xã. Rồi bà được nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (lúc đó là chủ nhiệm HTX Tranh Đông Hồ) yêu thương, tin tưởng chọn làm dâu trưởng, truyền hết bí quyết của nghề. Khi cụ mất, bà chính thức thừa kế gia tài quý giá của tổ tiên để lại – đó là nghề làm tranh, hàng trăm bộ khuôn tranh Đông Hồ. 

Dành trọn cả cuộc đời cho tranh Đông Hồ, yêu nghề tranh Đông Hồ như yêu máu thịt của mình, nhưng bà phải thừa nhận, ngoài bà ra, thì chồng con bà đều kiếm sống bằng những công việc khác, chỉ làm tranh như một thú vui, như một nghĩa vụ của người con làng Hồ với nghề truyền thống của cha ông. Bởi tranh Đông Hồ mấy ai còn chuộng. Ngoài những đơn đặt hàng của một số cơ quan, đơn vị làm quà biếu tặng, thì khách hàng của bà đa phần chỉ là sinh viên, mua vài ba bức tranh nho nhỏ để làm kỷ niệm. 

Dẫu vậy, bà vẫn cứ đến độ tháng 5, tháng 6 là mài điệp, hồ giấy, ngày lại ngày vẫn túc tắc in tranh, vẽ tranh, đưa tranh Đông Hồ đến hội chợ này, triển lãm nọ để những ‘đám cưới chuột tưng bừng rộn rã” ‘mẹ con đàn lợn âm dương’… vẫn sáng bừng trên trang giấy điệp…

Rời xứ Kinh Bắc khi nắng chiều đã ngả, chúng tôi sẽ trở lại vào mùa Xuân này, để nghe liền anh, liền chị hát trong mùa gọi bạn, để ngắm những vạt hoa cải nở vàng trong mê mải ở bên triền sông, để đến thị chấn Chờ chứng kiến niềm vui không còn mòn mỏi đợi, để tiếp tục đi tìm những màu dó điều lấp lánh, như màu ngọc ẩn mình sau lớp giấy nhám xù xì…

Đọc thêm