Doanh nhân lừa đảo chui vào thùng xốp trốn cảnh sát

(PLO) - Nhận định đối tượng đang lẩn trốn trên gác, nhưng khi ập vào, cảnh sát thấy “vườn không nhà trống”. Căn phòng nhỏ, đồ đạc sơ sài, khó có chỗ nào lẩn trốn. Quan sát chiếc thùng xốp loại thường dùng để đựng đá nằm úp ở góc phòng, cảnh sát tò mò lật lên, bất ngờ phát hiện đối tượng đang nằm cuộn tròn như con tôm.
Doanh nhân lừa đảo chui vào thùng xốp trốn cảnh sát
Lừa ngoạn mục cả trăm cây vàng
Đối tượng bị bắt trong vụ án này đã từng lừa đảo một doanh nghiệp nhà nước số tiền trị giá hàng trăm cây vàng, sau đó chạy trốn hàng chục năm ròng rã.
Vào những năm 1990, Công ty Mía đường Tây Ninh (doanh nghiệp nhà nước) ký hợp đồng đại lý phân phối với Phạm Đình Hân (SN 1958, địa chỉ thị trấn Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Hai bên thống nhất Hân làm đại lý cho Công ty mía đường Tây Ninh, giá đường sẽ do phía Công ty căn cứ vào thị trường và thời điểm quy định, Hân sẽ được hưởng hoa hồng 30đ/kg. Hai bên thỏa thuận hàng tuần kiểm tra sổ sách hàng tồn, sau đó nộp số tiền bán được hàng vào Công ty. 
Giai đoạn đầu Hân thực hiện đúng hợp đồng. Đến ngày 19/12/1996, Hân bất ngờ đặt một lượng hàng lớn giá trị gần 600 triệu đồng (tương đương với khoảng 100 cây vàng thời điểm đó), rồi khất lần việc trả tiền. Công ty kiểm tra hàng hóa, Hân trưng ra các hợp đồng thể hiện việc bán đường cho các công ty tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh nhưng chưa thu được tiền.
Qua xác minh, Công ty khẳng định những hợp đồng Hân đưa ra là hợp đồng giả mạo. Thực chất Hân đã bán hết số đường trên nhưng không lập sổ sách, không đưa tiền về Công ty mà đút túi. Trong lúc sực việc còn đang được cơ quan chức năng làm rõ, Hân cùng vợ và con gái “bốc hơi”. 
Công ty mía đường chuyển hồ sơ đến cảnh sát đề nghị xử lý. Công an Tây Ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Đình Hân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1988).
Ngày 21/7/1997, công an tỉnh ra quyết định truy nã với Phạm Đình Hân trên toàn quốc. Suốt nhiều năm trời lao tâm khổ tứ với nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác minh, rà soát … nhưng gia đình Hân như “bốc hơi” không còn dấu vết. Sau khi công an tỉnh quyết định thành lập PC52 (Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm), hồ sơ Hân được chuyển giao cho đơn vị này.
Trinh sát nhận định Hân là đối tượng “có kinh nghiệm”. Trước đây Hân đã có một tiền án về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử bốn năm tù giam. Với vai trò là chủ một đại lý lớn, Hân có mối quan hệ rộng trong và ngoài tỉnh, có thể có nhiều nơi lẩn trốn. Việc mang cả gia đình bỏ trốn, chứng tỏ Hân đã quyết tâm “mai danh ẩn tích”.
Nhiều mũi trinh sát đã được cử đến chỗ ở của cha, anh, chị. em ruột nghi phạm ở TP. Tây Ninh; chỗ ở của mẹ và anh, chị, em của vợ đối tượng ở huyện Châu Thành (Tây Ninh), huyện Hóc Môn (TP.HCM). Tuy nhiên những người này đều khẳng định vợ chồng Hân không hề liên lạc. 
Suốt hơn chục năm trời truy tìm, tung tích kẻ lừa đảo vẫn như “bóng chim tăm cá”. Lãnh đạo PC52 chỉ đạo: ““Con người có gốc, bất kỳ đối tượng nào dù ranh ma xảo quyệt đến đâu, một thời gian lẩn trốn cũng sẽ tìm cách liên lạc với gia đình”. 
Không thể trốn thoát
Cuối năm 2013, cha Hân già yếu lâm bệnh nặng, nhiều khả năng đối tượng sẽ liên lạc về gia đình. Đúng như dự đoán, một thời gian sau vợ Hân bí mật về thăm quê. Từ đầu mối này, cảnh sát lần ra thông tin Hân đang lẩn trốn ở TP.HCM, song chưa xác định địa điểm cụ thể.
Ảnh chụp đối tượng Hân trong lệnh truy nã
 Ảnh chụp đối tượng Hân trong lệnh truy nã
Tung lực lượng rà soát, trinh sát được biết Hân đang cặp kè với một nhân viên tiệm cắt tóc ở quận Gò Vấp. Giám sát tiệm cắt tóc, phát hiện có người đàn ông trung tuổi thường xuyên lui tới. Gần 20 năm trôi qua, người đàn ông khắc khổ hiện tại vẫn còn nhiều nét giống với một “doanh nhân” trong tấm ảnh 3x4 năm xưa. 
Tuy nhiên để chắc chắn, “tránh bứt dây động rừng” từ dấu vết của “phòng nhì”, cảnh sát đã tìm đến nơi ở người vợ “chính thất” của người đàn ông trên. Đó một ngôi nhà nhỏ nằm trong khu lao động ở phường 11, quận Gò Vấp. Giở sổ đăng ký của phường, cảnh sát thở phào khi thấy chủ nhân ngôi nhà là Phạm Thị Thúy (con gái của Phạm Đình Hân).
Trưa 28/2/2014, PC52 Công an Tây Ninh phối hợp Công an quận Gò Vấp kiểm tra hành chính ngôi nhà. Trong nhà đang cười nói xôn xao, đột nhiên nghe thấy hai từ “kiểm tra” thì im lặng bất thường, phải đến 10 phút sau mới có người mở cửa. 
Cảnh sát đi vào, thấy chỉ có vợ và con gái Hân đang ngồi ở phòng khách. Phải chăng Hân đang lẩn trốn trên gác? Trên gác là căn phòng nhỏ sơ sài khó có chỗ lẩn trốn, chỉ một chiếc thùng xốp loại đựng đá nằm úp ở góc phòng. Cảnh sát tò mò lật chiếc thùng lên, phát hiện kẻ trốn nã gần 20 năm đang nằm cuộn tròn như con tôm.
Bị di lý về Tây Ninh, Hân khai sau khi trốn khỏi địa phương, đưa gia đình lên Bình Phước. Mặc dù có trong tay nhiều tiền nhưng Hân không dám không dám vung tiền mua đất đai, thuê mướn người làm vì sợ bị để ý. 
Lợi dụng chính sách giao đất cho những hộ gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới, vợ chồng Hân đã khai hoang đất để làm nương rẫy, chấp nhận sống cuộc sống thiếu thốn khó khăn ở nơi hoang vu. Sau 13 năm sống vất vả chui rúc ở những nơi hẻo lánh, cắt mọi liên lạc với người thân, kẻ trốn nã tưởng như “quá khứ đã ngủ yên”, nên chuyển cả gia đình về TP.HCM để con gái có cơ hội học hành làm việc.
Cặp vợ chồng “nông dân Bình Phước” bỏ tiền ra mua một ngôi nhà nhỏ ở quận Gò Vấp là nơi nhiều người nhập cư lao động cho con gái đứng tên. Để trốn tránh sự kiểm tra của địa phương, Hân cho vợ con đăng ký tạm trú tạm vắng, mình thì chọn công việc thầu xây dựng, thường ở công trình, ít khi về nhà. Thời gian đây, cho rằng vụ án năm xưa đã trôi vào quên lãng, đối tượng tìm cách liên lạc về gia đình, không ngờ trinh sát truy nã vẫn bền bỉ lần theo tung tích./.

Đọc thêm