Độc quyền: Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong khẳng định mình không vi phạm pháp luật?

(PLVN) - Trong đơn gửi tới TAND tối cao, ông Nguyễn Quang Huy, bị can bị bắt sau 26 năm trốn truy nã mới đây khẳng định mình không vi phạm pháp luật.
TAND huyện Cao Phong. Ảnh: VnE
TAND huyện Cao Phong. Ảnh: VnE

Ông Huy khẳng định mình vô tội?

Như báo PLVN đã đưa tin, ông Nguyễn Quang Huy (SN 1973, ngụ tại tổ 1, phường Nguyễn Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong bị bắt vì có lệnh truy nã vào năm 1993 về hành vi "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Liên quan đến vụ việc, 3 đồng bọn khác đã bị pháp luật trừng trị.

Trước khi bị bắt vào ngày 28/11, ông Huy đã nhận quyết định đình chỉ công tác đối với công chức số 239/QĐ-TA ngày 15/11/2019 do Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình ký. Lý do ghi rõ: "Xác minh việc khai man hồ sơ công chức và xem xét, xử lý kỷ luật". Thời gian tạm đình chỉ công tác là 15 ngày.

Ngày 20/11/2019, ông Huy làm đơn gửi TAND tối cao. Trong đơn có đoạn, "khi được biết sự việc này (có lệnh truy nã - PV), bản thân tôi và gia đình rất bất ngờ và ngỡ ngàng vì 26 năm qua, gia đình và chính quyền địa phương không nhận được thông tin nào từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình về việc tôi bị khởi tố bị can, giấy triệu tập bị can và việc tôi bị truy nã. Bản thân tôi từ trước đến nay không có hành vi gì liên quan đến vi phạm pháp luật hình sự. Từ khi còn nhỏ đến tháng 6/1991, tôi học xong lớp 12 và những năm sau đó, tôi luôn có mặt tại nơi cư trú".

Đơn của ông Nguyễn Quang Huy gửi TAND tối cao ngày 20/11/2019. Ảnh: NT
 Đơn của ông Nguyễn Quang Huy gửi TAND tối cao ngày 20/11/2019. Ảnh: NT

Trong đơn, ông Huy trình bày, năm 1999 làm Phó bí thư rồi Bí thư chi đoàn tổ 1 phường Nguyễn Thái Bình. Năm 1999, ông Huy được kết nạp Đảng. Cũng trong năm này, ông Huy thi tuyển công chức ngành tòa án, được trúng tuyển và điều về làm thư ký TAND huyện Yên Thủy. Năm 2000, ông Huy chuyển về TAND huyện Cao Phong và năm 2005 thì được cử đi học lớp nghiệp vụ thẩm phán.

Đến cuối năm 2016, ông Huy được bổ nhiệm Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong. Ngoài chức vụ này, ông Huy còn là phó chủ tịch Công đoàn TAND huyện Cao Phong.

Ông Huy khẳng định trong đơn: "quá trình sinh sống, lao động, học tập và công tác, tôi không thay đổi nơi cư trú từ năm 1991 đến nay". Ông Huy cũng khẳng định mình không nhận được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc vi phạm pháp luật như giấy triệu tập, lệnh truy nã. Chính vì thế, khi ông Huy làm hồ sơ đi học tại chức Đại học Luật năm 1994 và các giấy tờ sau này, đều được chính quyền địa phương xác nhận.

Cũng trong đơn, ông Huy nhắc đến em gái làm ngành Công an từ năm 1998. Quá trình vào ngành cũng như công tác của em gái đều được thẩm tra lý lịch rõ ràng. "Hồ sơ xác minh lý lịch đều thể hiện gia đình, anh chị em của em gái tôi không vi phạm pháp luật hình sự thì em tôi mới được vào ngành công an từ đó đến nay", ông Huy viết.

Ông Huy cam đoan nội dung mình gửi tới TAND tối cao là đúng sự thật, không khai man hồ sơ và không vi phạm pháp luật nên đề nghị các cơ quan làm rõ để trả lại danh dự cho mình, không bị oan sai.

Theo nguồn tin riêng của PLVN, gia đình đã mời luật sư để bảo vệ quyền lợi cho ông Huy.

Trong đơn, Huy khẳng định mình vô tội?. Ảnh: NT
 Trong đơn, Huy khẳng định mình vô tội?. Ảnh: NT

Ở một động thái khác, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Công an tỉnh Hòa Bình báo cáo rõ sự việc.

Trách nhiệm của ai?

Trao đổi với PLVN về vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, căn cứ ra quyết định truy nã khi cơ quan có thẩm quyền xét thấy các yếu tố như bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết ở đâu; đã tiến hành các biện pháp truy bắt, xác minh nhưng không có kết quả; đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

Theo Luật sư Dũng, sau khi ra Quyết định truy nã gồm đầy đủ tên tuổi, tội danh, cơ quan cảnh sát điều tra phải gửi Quyết định này đến Công an xã, phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở của người bị truy nã, Cục Truy nã tội phạm, Bộ Công an, Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ và đặc biệt quyết định truy nã phải được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Một quy trình rất chặt chẽ, đầy đủ như vậy không thể nào xảy ra việc bị can vẫn điềm nhiên sống tại địa phương, vẫn làm việc, lấy vợ sinh con như không có chuyện gì xảy ra thì trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan công an địa phương đã không hoàn thành nhiệm vụ".

"Quá trình làm việc, ông Huy đã phải thẩm tra lý lịch qua hàng loạt các cấp nhưng vẫn leo đến chức vụ cao, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý để xảy ra việc qua loa, không kín kẽ dẫn đến hậu quả người bị truy nã nhưng vẫn được xem xét đề bạt, bổ nhiệm", Luật sư Dũng nói.

Đọc thêm