Đứa cháu đoạt mạng cậu trong cuộc nhậu

(PLO) -Phiên tòa vắng lặng không đông đúc, ồn ào như những phiên tòa xử án giết người khác, đến dự khán chỉ có gia đình bị cáo, bị hại, mà họ đều là bà con của nhau và những người hàng xóm lân cận được tòa triệu tập đến để làm sáng tỏ vụ án. Ai nấy đều tỏ vẻ lo sợ, chỉ khi họ được tòa mời lên trấn an khi thẩm tra lý lịch họ mới bớt phần nào hồi hộp. 
Bị cáo Cao Đại
Bị cáo Cao Đại

Bản giám định tâm thần

Đối tượng bị truy tố về tội giết người trong vụ án này là Cao Đại (SN 1991, trú thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, dân tộc Rắc Lây), còn người bị hại là Cao Quảng B (cậu ruột của Đại, trú cùng thôn). 

Hồ sơ vụ án thể hiện: khoảng 7h sáng 30/7/2016, Cao Quảng B mang theo gùi và 1 cây rựa để đi rẫy. Thấy cậu đi ngang qua nhà, Cao Đại gọi Quảng B vào uống rượu. Quảng B để gùi và rựa trước nhà Đại và vào cùng uống. 

Khi hết rượu, Quảng B nói không uống nữa để đi rẫy. Nghe Đại nói đi mua rượu uống một mình, Quảng B nói: “Mày bị điên hay sao mà uống rượu một mình”. Thấy cậu nói vậy, Đại đi ra ngoài lấy cây rựa từ trong gùi của Quảng B, quay vào đứng sau lưng chém cậu trúng vùng gáy. 

Quảng B bỏ chạy, bị Đại cầm rựa chém tiếp trúng vai trái. Quảng B chạy ra ngoài đường được một đoạn thì gục ngã và tử vong. Đại lấy nước lau dọn vết máu trong nhà rồi cất giấu cây rựa trên giường ngủ. Nhưng hành vi của Đại đã bị phát hiện.

Theo bản kết luận giám định pháp y tâm thần đối với Cao Đại thì: về y học, trước, trong, sau khi gây án và hiện nay: Đại bị bệnh tâm thần phân liệt thể không biệt định giai đoạn thuyên giảm không hoàn toàn. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời diểm gây án và hiện nay, Đại bị bạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.

Sau gần 8 tháng điều tra, ngày 16/3/2017, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa đưa Cao Đại ra xét xử. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo cứ run lập cập, phải vin cả tay trên vành móng ngựa để bớt lo sợ. 

Chủ tọa sau khi giới thiệu thành phần xét xử hỏi bị cáo có đồng ý để những người này ngồi xét xử không, bị cáo lúng túng một hồi rồi trả lời “Cũng được”. 

Đến lượt mẹ bị cáo Đại, Tòa cho mời lên hỏi có đồng ý để hội đồng này ngồi xét xử không, bà rụt rè không dám bước lên. Tòa hỏi bà còn run không, bà nói “còn ít ít”. Tòa nói: “Bà cứ bình tỉnh đi lên trả lời cho tòa, không ai bắt bà đâu mà bà sợ, ai bắt bà tòa chịu trách nhiệm cho”. Lúc này, bà mới mạnh dạn đi lên và cũng đồng ý để những người này ngồi xét xử con bà. 

Đối đáp tại tòa

Sau khi vị đại diện Viện kiểm sát công bố xong cáo trạng, Tòa hỏi bị cáo Đại: “Bị cáo gọi ông Quảng B bằng gì? Ông B có đến nhà bị cáo uống rượu không?”. Đại trả lời gọi bằng cậu ruột, và có mời cậu B vào nhà uống rượu. 

Tòa tiếp, từ đó đến giờ có gặp lại cậu Quảng B không, ông Quảng B chết rồi đúng không? Đại nói: Không rõ. Chủ tọa nghiêm giọng: “Chết rồi chứ sao không rõ, người chết sao gặp lại được, hôm đó tại sao mời ông B uống rượu”. Đại khai: Hôm đó thấy cậu B buồn nên gọi vào nhà uống rượu, cậu B có mang theo cây rựa đi rẫy để trong gùi và hai người uống hết một lít rượu. 

Tòa hỏi: Hai người sao uống dữ vậy, mồi nhậu là gì? Đại nói chỉ có chanh và xoài. “Uống gần hết rượu, cậu B không chịu mua rượu uống tiếp mà đòi đi rẫy bỏ lại một mình bị cáo, còn nói bị cáo bị điên nên bị cáo bức xúc chém cậu”, Đại khai. 

Tòa tiếp, bị cáo có thương cậu Quảng B không? Đại đáp: Thương. Tòa hỏi: Thương sao chém chết cậu? Đại trả lời không biết. Tòa hỏi bây giờ có thấy ân hận không, Viện kiểm sát truy tố bị cáo có khung hình phạt cao nhất là tử hình, bị cáo có đề nghị gì với tòa không? Lúc này, Đại nói rất ân hận và xin tòa tha thứ và giảm nhẹ hình phạt cho mình. 

Tòa mời mẹ bị cáo lên hỏi nhưng cái gì bà cũng nói không nhớ, không biết con bà sinh năm nào, bao nhiêu tuổi, cả chị, em của Đại có gia đình hay chưa bà cũng bảo không nhớ luôn vì... run quá. 

Vị chủ tọa lại trấn an “Không ai bắt bà hết đó, ai bắt bà tòa chịu trách nhiệm cho”. Nghe vậy bà liền “mạnh dạn” kể khổ rằng có đưa cho vợ bị hại 410 ngàn đồng để bồi thường cho con mình, số tiền ít ỏi đó do bà đi làm để dành dụm mới có chứ trong nhà bây giờ không còn đồng nào. “Khổ lắm, còn 3 đứa con phải nuôi nữa” bà trần tình.

Về phía đại diện bị hại, Tòa hỏi vợ bị hại, hai vợ chồng đã có đến 4 đứa con mà tại sao không đăng ký kết hôn? Bà này nói do không có hộ khẩu, dù không đăng ký kết hôn nhưng hai vợ chồng cùng làm cùng nuôi con. Còn về số tiền mai táng, tại sao tại cơ quan điều tra khai có 2 triệu đồng mà bây giờ lại khai 3,5 triệu đồng, bà nói lúc đó chưa cộng tiền... ăn nhậu. 

Chủ tọa nghe vậy hỏi lại “Đám chết mà sao ăn nhậu, ăn nhậu gì nhiều dữ vậy”? Vợ bị hại trả lời: “Đó là phong tục”. 

Về bồi thường về tổn thất về tình thần, lúc đầu vợ bị hại đòi bị cáo phải bồi thường cho bà 100 lần mức lương cơ bản tức 121 triệu đồng, bà nói “bồi thường chứ, không bồi thường mấy đứa nhỏ ăn cái gì”. Nhưng khi tòa cho tham khảo ý kiến của 2 trợ giúp pháp lý tại tòa thì bà giảm xuống chỉ yêu cầu bồi thường 20 triệu đồng. 

Tòa hỏi về vấn đề trợ cấp nuôi con, bà có yêu cầu gì không? Vợ bị hại nói: “Có 20 triệu đó nuôi con được rồi, không yêu cầu gì nữa, cậu cháu với nhau, nó có tiền đâu mà đòi cho nhiều”. 

Cuối cùng, sau khi nghị án, tòa tuyên phạt Cao Đại 16 năm tù về tội giết người, buộc bồi thường cho gia đình bị hại 23.090.000 đồng. 

Đọc thêm