Dương Chí Dũng tiếp tục làm chứng trong phiên tòa phúc thẩm Dương Tự Trọng?

(PLO) - Ngày 22/5 tới đây sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Dương Tự Trọng và các bị cáo trong vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Trong phiên tòa phúc thẩm tới đây, Dương Chí Dũng sẽ tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng trong vụ án mà người em trai giữ vai trò kẻ chủ mưu, cầm đầu.
Bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2014. Ảnh: T.N
Bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2014. Ảnh: T.N
Dương Chí Dũng phấp phỏng mong em trai được giảm án?
Theo bản án sơ thẩm, biết anh trai là Dương Chí Dũng bị khởi tố về hành vi tham nhũng trong đại án Vinalines, Dương Tự Trọng - nguyên Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, cựu Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn đi nước ngoài. 
Trọng đã chỉ đạo Vũ Tiến Sơn (cựu Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.Hải Phòng) đã thay mặt Trọng giải quyết. Dương Chí Dũng được đưa vào TP.HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa (thị thực) vào Mỹ, từ Singapore, Dương Chí Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (tháng 9/2012).
Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội nhận định hành vi đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn của 7 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc điều tra vụ án ở Vinalines. Bị cáo Dương Tự Trọng là cán bộ công an cấp cao nhưng đã làm sai, gây khó khăn cho công tác điều tra, cần phải áp dụng mức án cao. 
HĐXX đã tuyên Dương Tự Trọng mức án 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn lĩnh 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an TP.Hải Phòng) 5 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.Hải Phòng) 6 năm tù; Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) 7 năm tù; Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) 8 năm tù; Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng) 5 năm tù.
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án “Tổ chức người trốn đi nước ngoài” vào tháng 1/2014, với tư cách người làm chứng, Dương Chí Dũng đã bất ngờ khai ra người mật báo cho bị cáo bỏ trốn một ngày trước khi vụ án sai phạm tại Vinalines bị khởi tố. Căn cứ vào lời khai của Dũng về người mật báo cho bị cáo là một cán bộ cấp cao, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Tuy nhiên, vụ án đang trong quá trình điều tra thì vị cán bộ cấp cao bị “tình nghi” đã từ trần, đến nay chưa có thông tin chính xác về việc vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” đã được đình chỉ hay chưa, nếu tiếp tục thì tiến trình điều tra đến đâu?
Dương Chí Dũng sẽ là người làm chứng
Dương Chí Dũng sẽ là người làm chứng 
Trách nhiệm của Dương Chí Dũng về lời khai chấn động?
Tiến sỹ Dương Thanh Biểu (nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC) - một chuyên gia hàng đầu về pháp luật và là người rất quan tâm đến vụ án này có quan điểm cho rằng, trong những sự việc chấn động như vụ “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” thì cần thiết phải thành lập Ban chuyên án để điều tra làm rõ, việc điều tra phải hết sức thận trọng. Với tình tiết cái chết của vị quan chức được cho là “nghi can”, nhiều luật sư, luật gia lo ngại rằng có thể sẽ phải đình chỉ vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lời khai của Dương Chí Dũng không chỉ liên quan đến một mình vị quan chức kia mà còn có liên quan đến một số người khác nên cần thiết vẫn phải tiếp tục điều tra làm rõ vụ án làm lộ bí mật nhà nước. 
Trường hợp điều tra mà không có dấu hiệu phạm tội thì sẽ phải đình chỉ vụ án, nếu không có dấu hiệu phạm tội đồng nghĩa với việc Dương Chí Dũng đã có hành vi “vu oan giá họa”, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự vì hành vi “khai báo gian dối”. Chỉ trường hợp cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu phạm tội nhưng vì nhiều lý do không thể thu thập chứng cứ làm rõ được thì Dương Chí Dũng mới không phải chịu trách nhiệm hình sự. 
Một Luật sư nhận định rằng, nhiều khả năng số phận vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” rơi vào tình trạng có dấu hiệu phạm tội nhưng không thu thập được đầy đủ chứng cứ chứng minh làm rõ nên sẽ phải đình chỉ vụ án. Trường hợp này sẽ “hòa cả làng” và đương nhiên Dương Chí Dũng cũng không phạm tội vì hành vi của Dương Chí Dũng ở đây đơn giản là tố giác tội phạm.  

Đọc thêm