Gã chồng bạc tình khiến vợ tự sát lại không phạm tội bức tử?

(PLO) - Bị chồng phụ bạc, lại còn đánh đập nhục mạ thậm tệ trước mặt đông người nên thiếu phụ tự sát. Nhưng tòa lại chỉ phạt người chồng vì hành vi “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”. Vụ án đã khép lại nhưng dư luận vẫn bức xúc thay cho mẹ con thiếu phụ đoản mệnh và đòi hỏi phải giám đốc thẩm vụ án để điều tra người chồng về hành vi “bức tử”.
Phẫn uất vì người chồng tệ bạc, thiếu phụ đã cùng con uống thuốc sâu tự tử.
Phẫn uất vì người chồng tệ bạc, thiếu phụ đã cùng con uống thuốc sâu tự tử.
 14 năm hôn nhân tận tụy, hết lòng vì chồng con nhưng rốt cục chị Trần Thị Hạnh Tr. vẫn bị chồng phụ bạc, lại còn bị chồng bạo hành, sỉ nhục trước mặt đông người. Trong tâm trạng tuyệt vọng cùng cực đó, chị Tr. nói trước sẽ tự tử nếu chồng không chịu bỏ nhân tình, quay về sống với mẹ con mình. 
Lời cảnh báo đã thành sự thật, chị Tr. và cậu con trai 5 tuổi thiệt mạng, chỉ có cô con gái đầu lòng may mắn thoát lưỡi hái tử thần…
Gái có công, chồng vẫn phụ
Năm 1999, anh Trần Triết Ng.kết hôn với chị Trần Thị Hạnh Tr. tại một phường thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Quá trình chung sống, họ có hai con chung, con gái lớn sinh năm 2002, con trai nhỏ sinh năm 2009. 
Là người trụ cột gia đình nhưng Ng. không tu chí làm ăn, chỉ thích đi “chôm” đồ người khác nên bị lãnh án về tội “Trộm cắp tài sản”. 
Mãn hạn tù, Ng. không về sống với vợ con như trước mà thường xuyên vắng nhà, sống lang thang, đã thế còn lấy tiền nhà mang đi tiêu xài.
Lâu không thấy chồng về, chị Tr. lặn lội đi kiếm thì mới vỡ lẽ:  lâu nay anh Ng. chẳng làm ăn gì, anh ta bắt vợ phải đi vay nặng lãi để lấy tiền đánh bạc và cung phụng “vợ bé” Lữ Thị H.
Sau thời gian chung sống, Ng. và H. đã có một đứa con chung. Nén nỗi đau bị lừa gạt và phụ bạc, chị Tr. chỉ một mực khuyên chồng hãy quay về gia đình, vợ chồng no đói có nhau, cùng nuôi con và trả nợ. Tuy vậy, Ng. bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ để tiếp tục sống chung với “vợ hai”.
Xử đúng người nhưng chưa đúng tội
Khoảng 19 giờ ngày 14/12/2012, chị Tr. dắt hai con đến nhà H. với mục đích gây sức ép “đòi” Ng. quay về với các con. Đến 22 giờ, Ng. quay về nhà “vợ bé” thì bị Tr. cùng hai đứa con nhào tới khóc thảm thiết, quyết tâm kéo Ng. về với gia đình. Thấy vậy, nhiều người dân túa ra xem, bàn tán. 
Cho rằng bị vợ làm cho xấu mặt, trước đông người, Ng. tháo chiếc dép đang đi ở chân đánh vào đầu, vào mặt Tr. túi bụi, sau đó còn chửi bới nhục mạ Tr. thậm tệ.
Thấy hành động của người chồng quá bất nhẫn, người dân gần đó can ngăn không được nên đã báo công an phường đến giải quyết. Đến lúc này, Ng. mới buông tha cho Tr. và bỏ đi.
Mẹ con chị Tr. được mọi người động viên nên bình tĩnh quay về nhà. Quá đau đớn và uất ức, hai ngày sau đó, Tr. điện thoại cho Ng. ra điều kiện nếu Ng. không về nhà thì Tr. sẽ cùng các con tự tử nhưng anh chồng dửng dưng, không thèm đếm xỉa đến thái độ của vợ. 
Trong tâm trạng tuyệt vọng cùng cực đó, trưa ngày 16/12/2012, thiếu phụ pha thuốc trừ sâu vào bịch sữa để ba mẹ con cùng uống. Hậu quả là chị Tr. và con trai nhỏ tử vong, cô con gái 8 tuổi may mắn thoát chết.
Vào tháng 7/2013, TAND thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Triết Ng. 6 tháng tù giam, Lữ Thị H. 3 tháng tù giam về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”. 
Mặc dù án tuyên quá nhẹ nhưng Ng. và H. vẫn kháng cáo xin giảm, gia đình chị Tr. thì không kháng cáo. 
Tháng 11/2013, phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh An Giang phải tạm hoãn do vắng mặt gia đình người bị hại. Dư luận quan tâm vụ án phẫn nộ lên án cặp tình nhân “mèo mả gà đồng” đã đẩy mẹ con thiếu phụ đến cái chết thương tâm và bày tỏ nỗi bức xúc thay cho gia đình người bị hại.
Về phía các bị cáo, nhận thấy tình thế bất lợi cho mình nên sau đó cả Ng. và H. đã tự nguyện rút kháng cáo, TAND tỉnh An Giang đã ra quyết định đình chỉ phúc thẩm vụ án, bản án sơ thẩm đương nhiên có hiệu lực pháp luật. 
Vụ án tạm khép lại nhưng dư luận vẫn vô cùng bức xúc, cho rằng bản án quá nhẹ, hơn nữa ngoài hành vi “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” thì bị cáo Ng. còn phạm thêm tội “Bức tử”.
Khi vụ án được đình chỉ, dư luận quan tâm vụ án tỏ ra vô cùng bức xúc. Dư luận cho rằng trong vụ án trên, việc Trần Triết Ng. và Lữ Thị H. là người đang có vợ, có chồng mà chung sống với nhau như vợ chồng, có con chung là phạm vào tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.
Nhưng nếu xử lý cả Ng. và H. cùng về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì chỉ đúng người, nhưng lại chưa đúng tội đối với Ng. Vì hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng của Ng. đã chuyển hóa sang hành vi bức tử.
Có dấu hiệu phạm tội “Bức tử”
Điều 100 BLHS quy định về tội “Bức tử” như sau:
“Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát…” 
Theo đó, các dấu hiệu cơ bản để xác định hành vi bức tử theo điều luật bao gồm: đối xử tàn ác đối với nạn nhân, chẳng hạn cư xử tàn nhẫn, gây đau khổ cho người lệ thuộc mình về thể xác và tinh thần; thường xuyên ức hiếp;  ngược đãi; làm nhục nạn nhân… khiến nạn nhân lâm vào trạng thái cùng quẫn, dẫn đến tự sát.
Đối chiếu vào vụ án trên, thấy rằng việc anh Trần Triết Ng. ngoại tình gây đau khổ cho chị Tr., làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của chị Tr. Đặc biệt với hành động tháo dép đang đi ở chân đánh vào đầu, mặt vợ, chửi bới sỉ nhục chị Tr. trước mặt đông người, Ng. đã khiến chị Tr. bị sỉ nhục, tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần, tâm trạng quẫn bách dẫn đến tự sát.
 Những hành vi đó của Ng. đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bức tử”. Chính vì việc định tội danh “không chuẩn” như vậy nên theo quan điểm của tôi, có căn cứ pháp lý để cấp có thẩm quyền xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử lại đối với Trần Triết Ng. về tội “Bức tử”.

Đọc thêm