Gặp nữ chủ nhân công viên ngựa bạch Tây Tạng bên triền đê sông Hồng

(PLO) - Đàn ngựa bạch hàng trăm con nhởn nhơ gặm cỏ, thỉnh thoảng tung vó và hí vang trời. Hình ảnh đó ngỡ tưởng ở thảo nguyên, núi rừng bao la lại xuất hiện ngay dưới triền đê Hà Thành tấp nập người qua lại.
 Bà Hằng và đàn ngựa bạch bên đê sông Hồng
Bà Hằng và đàn ngựa bạch bên đê sông Hồng
Rước ngựa từ miền núi về Thủ đô
Bà chủ của đàn bạch mã có tên Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1957) vừa lúi húi vốc từng bó cỏ cho ngựa ăn, vừa dỗ dành xoa đầu ngựa. Đàn ngựa xem ra rất có tình, bện hơi chủ. Chỉ cần nhìn thấy dáng chủ từ xa hay ngửi mùi mồ hôi quen là chúng hí, vung vẩy đuôi, rũ rũ bờm, mừng vui ra mặt. 
Tuy có tới hơn 10 nhân công để chăm sóc 100 chú ngựa, nhưng bà Hằng vẫn yêu những chú ngựa đến nỗi ngày nào cũng chạy xe máy từ nhà đến “đại bản doanh ngựa” để được vuốt ve, ngắm nhìn.
Ngơi tay chăm sóc đàn ngựa, bà Hằng tâm sự về cơ duyên gắn với bạch mã. Một lần đi qua đê sông Hồng, thấy bãi đất rộng gần 10 ha bỏ hoang, lau sậy mọc đầy, côn trùng làm tổ, bà thấy quá lãng phí, nên nảy ra ý định biến bãi bỏ hoang ấy thành trang trại. Năm 2004, bà xin thuê gần bảy ha đất bỏ hoang bên đê sông Hồng, thuộc địa bàn xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Với số vốn ít ỏi cộng với đi vay, ban đầu bà mở xưởng sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi gia súc, gia cầm tại chỗ. Nhưng dịch bệnh, lũ lụt đã “cuốn” sạch thời gian, công sức, tiền của. Hàng nghìn gia cầm bị chết khiến bà điêu đứng và trắng tay. 
Triền sông lộng gió, nỗi buồn dâng đầy. Trong lúc ngỡ tưởng đi vào ngõ cụt, bà bỗng nghĩ tới những chú bạch mã. Trong văn hóa, nhiều vị quân vương, hoàng tử, tướng quân rất thích cưỡi ngựa trắng, nên lịch sử có nhiều danh xưng như Bạch Mã Tướng quân, Bạch Mã Hoàng tử... Ngựa bạch còn được coi là ngựa thuốc quý hiếm để nấu cao. Liên hệ tới việc nhiều gia đình đổ xô đi mua cao ngựa mà ngựa bạch lại đang khan hiếm. “Tại sao mình không nuôi và phát triển ngựa bạch giữa Thủ đô?”, bà nảy ý tưởng táo bạo. 
Để ý tưởng đến hiện thực không hề đơn giản. Rất hiếm người nuôi ngựa bạch. Sự hiểu biết về cách nuôi ngựa đối với bà là con số 0 tròn trĩnh. Chưa kể tới việc bà đã cạn vốn. Bà về bàn với gia đình bán nhà để có vốn đầu tư. Không ít người cho rằng bà “đem tiền đổ xuống sông Hồng. Nuôi gà vịt đồng bằng còn chẳng ăn ai, giờ lại “rước” ngựa miền núi về nuôi”. 
Người phụ nữ vẫn quyết liều một phen, mời một cán bộ thú y quen cùng lên các tỉnh miền núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên lùng mua ngựa bạch. Mỗi cặp ngựa bạch bố mẹ mua trong nước có giá dăm ba chục triệu đồng. Mỗi ngựa bạch thuần chủng Tây Tạng to khỏe, giá ngót trăm triệu đồng.
Những chú ngựa đầu tiên được nuôi ở trang trại từ năm 2007. Ngoài kinh nghiệm của bà con vùng cao, những ngày đầu nuôi ngựa bạch, bà và cán bộ thú y phải nghiên cứu cách chăm sóc cho phù hợp với khí hậu, thực phẩm Hà Nội. Qua thời gian chăm nuôi, bà thấy ngựa ta tuy sinh sản tốt nhưng tầm vóc lại nhỏ. Trong khi ngựa Tây Tạng sinh sản kém lại có tầm vóc cao. Bà nảy ra ý định lai tạo giống hai loại này. Bà lại đi tìm mua thêm 10 ngựa Tây Tạng bên Trung Quốc. Vì chưa quen cách chăm, 10 con mua về thì chết chín vì bệnh đau bụng. Hàng trăm triệu đồng lại “đội nón ra đi”. Chỉ còn duy nhất một con, bà quyết tâm tìm ra cách chữa trị và lai giống. 
Sau sự cố “10 con chết 9”, tất cả ngựa đều được kiểm tra bệnh tật, tiêm phòng. Những con mới về, không cho thả vào đàn ngay mà nuôi cách ly theo dõi, một tháng mới cho nhập đàn. Bà Hằng cho biết ngựa bạch ít khi bị bệnh. Nhưng nếu mắc bệnh, không phát hiện kịp, chỉ trong vòng 2-3 giờ đồng hồ đã “đi”. 
Giống ngựa “Made in Hà Nội”
Thành công cũng đến sau những tháng ngày mày mò. Nay bà đã có hơn 100 con ngựa “Made in Hà Nội”, là loài lai giữa ngựa bạch Việt Nam và ngựa bạch Tây Tạng. Đàn ngựa cái hàng năm lại đẻ ra vài chục ngựa bạch con. Ngoài việc nhân giống ngựa bạch Tây Tạng, bà còn phối giống ngựa Tây Tạng với ngựa kim Việt Nam để cải thiện chất lượng và vóc dáng. Trong khi một số trại ngựa ở vùng cao, tỉ lệ ngựa sinh sản chỉ đạt 20%, ngựa bạch trong trang trại của bà đã đạt tỉ lệ sinh sản lên đến 80%. 
Bà Hằng cho hay ngựa bạch là loại khá dễ ăn. Chúng thường ăn cây cỏ, lá rau già, thân cây ngô, thân cây chuối. Để thêm chất, bà còn cho ngựa ăn bột cám, thóc, đặc biệt bã bia tạo men tiêu hóa. Đây là nguồn thức ăn rất sẵn có và dễ kiếm, chi phí thấp. Ngựa có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, rất phù hợp khi nhân giống và chăn nuôi. Mỗi năm một lứa, nuôi ngựa bạch có thể giúp người dân nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo. Những con ngựa trong trang trại đã được người dân các tỉnh tìm mua về làm giống. Một con ngựa bạch giống mua với giá 20 - 30 triệu đồng, sau 4 - 5 năm nuôi dưỡng sẽ bán được giá 60 - 70 triệu đồng. Mỗi hộ nông dân chỉ cần nuôi độ con, sau vài năm đã có lợi nhuận vài trăm triệu, năng suất hơn hẳn nuôi trâu bò.  
Một kinh nghiệm quý bà Hằng “bật mí”: “Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa ngựa bạch với ngựa trắng và ngựa kim. Chúng đều có màu lông trắng. Nhưng ngựa bạch khác ở chỗ mắt màu trắng, xung quanh con ngươi và một số bộ phận như sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng màu cước ánh bạc. Khi hoàng hôn xuống, hai con ngựa mắt đỏ rực như ngọn đèn”.
“Tác phong” của ngựa bạch cũng chậm hơn ngựa thường nên mới nhìn tưởng chúng yếu sức, nhưng thực ra không phải. Ngựa bạch đi lì hơn, tập tính cũng hiền hơn nên cũng ít xảy ra ẩu đả, kể cả mùa động dục. Ngựa bạch cũng không bị cái hại của nạn đồng huyết tàn phá như một số loài động vật khác. Tập tính sinh sản của ngựa không lung tung như trâu bò. Chúng không bao giờ phối giống với những con cùng huyết thống. Kể cả sau khi bán vài năm, ngựa bạch cũng nhận được mặt, mùi của những con cùng chung “máu mủ”.
Đàn ngựa bạch hàng trăm con nhởn nhơ gặm cỏ, thỉnh thoảng tung vó, hí vang trời. Trong nắng Xuân, ngắm đàn ngựa bờm tung bay trong gió, bà Hằng nói mình thêm ấm lòng vì sự “liều lĩnh” đã được đền đáp. 

Đọc thêm