Giải mã vụ án “phạm nhân bị điên sau khi cắt tóc”

(PLO) - Những ngày đầu mới thành lập Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng, nhiều giám định viên của Trung tâm Giám định pháp y Công an nhân dân phải tăng cường thường trực tại phân viện để giúp đỡ anh em thời kỳ đầu. Cũng trong thời kỳ này, một vụ án liên quan trực tiếp đến việc tạm giam, tạm giữ đã làm đau đầu lực lượng giám định viên... 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Bị điên sau khi cắt tóc?

Vụ việc được thông tin như sau: Nguyễn Anh Tuấn là nghi phạm bị truy nã của một vụ trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích. Sau khi được mẹ thuyết phục, Tuấn đã ra Công an huyện Ngọc Hồi đầu thú và bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra. 

Sau khoảng một tuần, các chiến sĩ đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thấy tóc Tuấn dài, đã đưa Tuấn ra cắt tóc để đảm bảo vệ sinh theo quy định của nhà tạm giữ. Khi biết thông tin mình sẽ bị cắt tóc, Tuấn khăng khăng không cho cắt và nói rằng: “Nếu cứ cắt tóc thì tôi sẽ bị điên”. Nhưng do quy định của trại, các công an vẫn tiến hành cắt tóc cho Tuấn. 

Cắt tóc xong, bất ngờ Tuấn không nói được nữa và hai chân đơ ra như người bị liệt. Tuấn được đưa vào Bệnh viện Ngọc Hồi để khám nhưng không xác định được Tuấn mắc căn bệnh gì. Để có căn cứ xử lý vụ việc, Tuấn được Công an huyện Ngọc Hồi đưa đi khám bệnh ở nhiều nơi. Sau thời gian điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, khoảng một tuần sau thì bị can được xuất viện với chẩn đoán bệnh án là “rối loạn dạng cơ thể”.

Nhưng người nhà bị can cho rằng Tuấn bị công an dùng nhục hình đến liệt chân và trầm cảm nên không thể nói được nên đã đâm đơn kiện khắp nơi. Hai chiến sĩ liên quan đến vụ việc cũng bị lãnh đạo cho nghỉ nhưng sự việc vẫn chưa được sáng tỏ, dù Tuấn đã được đưa đi các bệnh viện để khám chữa. 

Theo kết luận thanh tra của Công an huyện Ngọc Hồi, Tuấn đã bị tát 4 lần vào má trái và đá một lần vào bên ngoài đùi trái. Nhận kết luận nhưng người nhà của bị can vẫn không thỏa mãn, cho rằng với những triệu chứng “không nói, không đi” của Tuấn, chắc hẳn Tuấn phải bị nhục hình ghê lắm nên tiếp tục kiện cáo. 

Sau gần 2 tháng kể từ ngày Tuấn có biểu hiện lạ mà không có kết luận nào khiến gia đình bị can tâm phục, khẩu phục, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi đã trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng tiến hành giám định, tìm hiểu nguyên nhân khiến Tuấn bị “cấm khẩu”, không đi lại được và giám định tỷ lệ thương tật. 

Kết quả bất ngờ...

Thiếu tá Đặng Hải Dũng, cán bộ Trung tâm Pháp  y CAND được tăng cường cho phân viện được giao nhiệm vụ giám định kể lại: Vì bị can không đi lại được nên các chiến sĩ công an phải khiêng, cõng bị can 4 tầng cầu thang lên xuống để tiến hành các giám định cần thiết. Bị can được chụp MRI, siêu âm bụng, siêu âm tổng quát tại Bệnh viện Trí Tâm - Đà Nẵng; khám tổng quát và thực hiện các xét nghiệm cần thiết tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, khám tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cùng nhiều xét nghiệm sinh hóa khác.

Thiếu tá Dũng nhớ lại: “Tận mắt chứng kiến các đồng chí của mình phải vất vả cõng bị can lên xuống 4 tầng mà thấy xót xa. Tự nhiên tôi nghĩ, không biết bố mình ốm, tôi và các đồng chí của tôi có cõng được đoạn đường nào không. Vất vả thế mà người nhà bị can cứ bám theo, khóc lóc, vu oan là Tuấn bị công an đánh gây nên nỗi”. 

Điều khiến các giám định viên băn khoăn là dù thực hiện rất nhiều các công đoạn nhưng vẫn không phát hiện được bất kỳ một tổn thương nào trên người Tuấn. Ngay lập tức bệnh lý tâm thần được Thiếu tá Dũng nghĩ đến. Tuy nhiên, Thiếu tá Dũng cũng cho rằng biểu hiện tâm thần phải có cả một quá trình, không thể chỉ vì cắt tóc mà bị can bị thay đổi tâm sinh lý được. 

Dù vậy, Thiếu tá Dũng vẫn quyết định đưa bệnh nhân đi bệnh viện giám định tâm thần vì Trung tâm Giám định pháp y không có chức năng kết luận về bệnh tâm thần. Bị can được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Sau khi làm một loạt các khảo sát, bị can được kết luận mang bệnh “tâm thần thể giả bệnh” - một loại bệnh lý có sẵn và trong hoàn cảnh nào đó thì phát bệnh bất ngờ. Bệnh này khởi phát và tăng nặng khi có các yếu tố bất lợi, căng thẳng xảy ra trong cuộc sống. 

Có được kết quả nhưng các giám định viên vẫn chưa thể yên tâm, bởi người nhà của bị can kiện “công an đánh bị can” nên Thiếu tá Dũng buộc phải hỏi kỹ hơn về loại bệnh này. Và câu hỏi quan trọng nhất là “bệnh này có liên quan đến chấn thương, đánh đập không”. Kết quả là không liên quan, kết luận tỉ lệ thương tật của bị can là 0%. Vụ việc đã được giải quyết, bị can Tuấn đã được đưa ra xét xử về tội trộm cắp sau khi làm rõ các vấn đề về việc có hay không việc bị can bị công an nhà tạm giữ đánh cho bị điên, liệt người. 

Thiếu tá Dũng cho biết, sau vài tháng tiến hành ca giám định đáng nhớ ở Đà Nẵng, Thiếu tá có hỏi lại thì được biết Tuấn đã khỏe mạnh trở lại và đã tiến hành thụ án với mức án 48 tháng tù sau khi được đưa ra xét xử. Về vụ án này, Thiếu tá Dũng cho rằng, làm công tác giám định, không được bỏ qua một ý nghĩ nào bất chợt hiện lên bởi nhiều khi linh tính, giác quan nghề nghiệp rất quan trọng khi tiến hành phá án.    

Đọc thêm