Giết hai người sau cú ném mũ bảo hiểm: Giọt nước mắt ân hận của nam sinh 17 tuổi

(PLVN) - Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu C (SN 2002, trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) về tội “Giết người” thu hút sự quan tâm của dư luận bởi trong vụ án này, hai người đã tử vong chỉ từ cú “ném mũ bảo hiểm” của bị cáo. Hơn nữa, cả bị cáo và bị hại trong vụ án đều chưa đủ tuổi thành niên.
Tòa kết thúc, mẹ C chạy theo xe để nhìn con bị đưa về trại tạm giam
Tòa kết thúc, mẹ C chạy theo xe để nhìn con bị đưa về trại tạm giam

2 người tử vong sau cú ném mũ bảo hiểm

Theo hồ sơ vụ án, trưa ngày 5/11/2018, Nguyễn Văn L (SN 1998), Hoàng Quốc Khánh (SN 2003), Nguyễn Văn Trường (SN 2005) và một số người bạn đến nhà Lê Thị Q. A (SN 2005, cùng trú tại huyện Thanh Chương) chơi. Khoảng 1 tiếng sau thì Nguyễn Văn Minh (anh trai Trường) cùng Nguyễn Hữu C và Dũng đến đây để tìm Trường. 

Nghĩ Trường bỏ nhà đi, Dũng tát hai cái vào mặt của Trường và hai cái vào mặt của Khánh. Thấy vậy, L hỏi Dũng tại sao lại tát em. Dũng xin lỗi và mong được thông cảm rồi ra về.

Đến khoảng 17h cùng ngày, Minh nhờ người quen chở về. Còn Dũng đi xe cùng C. Khi chạy theo Quốc lộ 46, đến khu vực Rú Guộc thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Dũng phát hiện L điều khiển xe máy chở Q. A và Khánh nên bàn nhau đuổi theo.

Khi đuổi kịp, Dũng dùng gậy 3 khúc đánh L nhưng không trúng. Khi đến gần cầu Rộ (xã Ngọc Sơn), khi xe chạy song song với L, Minh nói L dừng lại nhưng thanh niên này không nghe. Bạn của Minh tăng tốc vượt quá xe L một đoạn thì để Minh xuống và chạy về nhà. C điều khiển xe chở Dũng vượt lên trước 1 đoạn rồi đứng bên vệ đường.

Khi L điều khiển xe máy tới gần, C liền ném mũ bảo hiểm vào yếm xe máy khiến chiếc mũ bật lên, văng trúng mặt L Ngay sau đó, L mất tay lái, lao xe xuống vệ đường và tử vong tại chỗ. Ngoài ra, Q. A và Khánh cũng bị thương. Tuy đã được đưa đi cấp cứu nhưng Q. A cũng không qua khỏi đã tử vong sau đó mấy ngày.

Thời điểm này, C mới 16 tuổi, 9 tháng, 5 ngày và đang là học sinh lớp 11.

Nước mắt ân hận của bị cáo

Tại tòa, C thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng việc ném mũ bảo hiểm vào L chỉ muốn buộc thanh niên này dừng xe chứ không cố ý ném vào người gây tai nạn khiến L và Q. A tử vong. C xin lỗi gia đình các bị hại và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Nghe những lời khai nhận và xin lỗi của C, cả mẹ C và mẹ hai bị hại đều rơi nước mắt. Suốt phiên xét xử, mẹ C luôn cúi mặt và tỏ ra ái ngại khi mỗi khi phải giáp mặt với người thân của các bị hại. Được biết, C là con đầu trong 4 đứa con của vợ chồng chị. Để có tiền nuôi các con ăn học, vợ chồng chị quần quật hái chè, chặt gỗ keo thuê. 

Trong nỗi đau quá lớn, người mẹ ấy xót xa: “Không biết sao thằng C dại dột thế. Bình thường, C không phải là đứa con hư hỏng. Bố mẹ đi làm,  mình C lo cơm nước, chăm sóc các em. Tuy có học lực khá nhưng C biết hoàn cảnh gia đình nên bảo sẽ không thi đại học mà đi bộ đội, rồi đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, mọi dự định của C coi như chấm dứt”.

Để có khoản tiền 95 triệu đồng bồi thường cho gia đình Nguyễn Văn L, 100 triệu đồng cho gia đình Lê Thị Q. A và 2 triệu đồng bồi thường cho Hoàng Quốc Khánh, bố mẹ C phải vay mượn khắp nơi nhằm thể hiện trách nhiệm của mình trước nỗi đau của các gia đình bị hại.

Trước nỗi đau mất người thân, gia đình bị hại đã không có lời oán hận mà còn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Mẹ của Q.A nói: “Dù có oán trách, thù hận thì Q.A cũng không thể sống lại. Còn C, cháu nó còn trẻ, còn cả tương lai phía trước. Tôi mong tòa xem xét cho cháu một cơ hội để sớm trở về, làm lại cuộc đời”.

Cùng tâm trạng đó, mẹ của bị hại L nghẹn ngào cho biết: “Hai năm trước L đỗ đại học nhưng lúc đó tôi đang mắc bệnh, cần tiền phẫu thuật nên cháu không học mà đi làm thuê”. Đau đớn trước cái chết oan nghiệt của con trai, chị từng oán trách kẻ đã gây ra cái chết tức tưởi cho con mình nhưng lòng chị đã chùng lại khi chứng kiến hình ảnh bố mẹ bị cáo lam lũ đến nhà tạ tội với người đã khuất. 

Trong giây phút trùng phùng ngắn ngủi tại tòa, C năn nỉ bố mẹ lo tiền bạc để đền bù một phần hậu quả mình gây ra và dặn bố mẹ năng đi lại với nhà bị hại, các em chăm lo học hành. C hứa: “Con ở trong này cũng sẽ cố gắng cải tạo để sớm được trở về”.

Với nhận định, vào thời điểm phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, tâm sinh lý phát triển chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với 3 tình tiết định khung (giết nhiều người, giết trẻ em, có tính chất côn đồ) nên cần phải đưa ra mức án tương xứng, đủ sức răn đe, HĐXX tuyên phạt C 17 năm tù về tội “Giết người”.

Thấy con được dẫn ra xe bít thùng, mẹ C ngồi thụp xuống sân tòa, khóc lặng. Thấy vậy, mẹ của một bị hại đi tới, luống cuống an ủi: “Tôi sẽ viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho cháu”.

Đọc thêm