Hai “đại ca” của băng cướp xe ôm táo tợn lãnh án tử hình

(PLO) - Trái với thái độ và hành vi lạnh lùng tàn ác, khi bị tuyên án tử hình, cả hai gã giang hồ Hà Văn Lưu và Nguyễn Sơn Nguyên đều suy sụp, té xỉu khiến cảnh sát phải dìu để nghe được hết nội dung HĐXX tuyên án.
Các bị cáo cướp xe ôm. Ảnh: Thùy Trâm
Các bị cáo cướp xe ôm. Ảnh: Thùy Trâm
Ngày 25/4, TAND TP.HCM đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động tại quận Tân Phú đã tuyên phạt Hà Văn Lưu (SN 1995, quê Vĩnh Long) và Nguyễn Sơn Nguyên (SN 1991, quê Tiền Giang) cùng mức án tử hình về hai tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. 
Đồng phạm Dương Gia Hải (SN 1988, ngụ quận 11, TP.HCM) bị tuyên án chung thân, Phạm Văn Thắng (SN 1997, quê Bắc Kạn) 16 năm tù, Nguyễn Duy Khanh (SN 1994, quê Vĩnh Long) 8 năm tù cùng về tội “Cướp tài sản”, Nguyễn Văn Được (SN 1965, ngụ quận Bình Tân) 5 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Mức án nghiêm khắc của Tòa khiến dư luận đồng tình, hàng trăm người dân đã kiên nhẫn đội nắng đầu hè gay gắt để theo dõi diễn biến phiên tòa và nghe Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án. Điều khiến dư luận cực kỳ căm phẫn là các bị cáo gây ra vụ cướp của, giết người tuổi đời đều còn rất trẻ, ở độ tuổi 19- 26 mà phải lãnh án chung thân, tử hình. Nhưng âu cũng là cái giá phải trả cho hành vi tàn ác, manh động, táo tợn mà chúng đã gây ra. 
Túng tiền, rủ nhau đi cướp của, giết người
Theo Cáo trạng, kẻ chủ mưu vụ án là Hà Văn Lưu. Lưu và Nguyễn Sơn Nguyên là “chiến hữu” do quen biết từ trước, cùng cảnh thanh niên ngoại tỉnh lên thành phố làm ăn. Rạng sáng 23/5/2013, khi Dương Gia Hải và Phạm Văn Thắng đang ngồi nhậu tại Công viên Phú Lâm thì Lưu và Nguyên đến rủ cả hai đi cướp xe máy của những người lái xe ôm, bán lấy tiền. 
Trước đó, “bộ tứ” này đã quen biết nhau do có cùng sở thích không chịu lao động mà chỉ muốn kiếm tiền bất chính để tiêu xài. Sau khi thống nhất kế hoạch, cả bọn chuẩn bị dao bấm và dao Thái Lan, Nguyên thông báo cho cả bọn sang Công viên Đầm Sen đón xe vì “bên đó mấy ông xe ôm toàn chạy xe Nhật”.
Khuya 23/5/2013, cả nhóm đến Công viên Đầm Sen kêu anh Võ Tấn Lộc và ông Lại Văn Nhơn chở sang quận Tân Phú. Anh Lộc chở Lưu và Nguyên, còn ông Nhơn chở Thắng và Hải. Nhìn mấy thanh niên có vẻ bề ngoài bảnh bao, hiền lành, vả lại đi đông người nên anh Lộc và ông Nhơn đồng ý chở, dù lúc đó đã khá khuya. 
Khi đến một con hẻm vắng, Lưu kêu dừng xe đi vệ sinh rồi bất ngờ đâm liên tiếp ba nhát vào người anh Lộc, Nguyên cũng bồi thêm một nhát khiến anh Lộc tử vong tại chỗ. Ông Nhơn cũng bị Thắng đâm vào người nhưng nạn nhân phản ứng nhanh, bỏ xe chạy thoát, đến Công an quận Tân Phú gần đó trình báo và được công an đưa nạn nhân đi cấp cứu, bảo toàn được tính mạng.
Về phía bọn Lưu, sau khi cướp được hai chiếc xe máy, bọn chúng mang bán lấy tiền tiêu xài. Tối hôm sau, Nguyên cùng Lưu rủ Nguyễn Duy Khanh (SN 1994, quê tỉnh Vĩnh Long) đi cướp một xe máy khác rồi đem xe bán cho Nguyễn Văn Được (SN 1965, ngụ quận Bình Tân). Liên tiếp gây ra hàng loạt vụ cướp xe ôm táo tợn như vậy nhưng vẫn chưa bị công an bắt giữ khiến bọn chúng khá ung dung, tiếp tục cuộc sống du thủ du thực tại các công viên. 
Cho đến cuối năm 2013, Lưu, Nguyên, Thắng, Khanh mới bị bị công an “hốt” trong một lần cơ quan chức năng mở đợt cao điểm truy quét những đối tượng sống lang thang tại các công viên đưa để vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đối tượng Dương Gia Hải sau khi bị đưa vào trại cai nghiện đã thay tên đổi họ để tránh bị phát hiện, tuy nhiên thủ đoạn của Hải đã bị các đồng phạm lột tẩy, buộc hắn phải đền tội.
Chủ mưu Hà Văn Lưu. Ảnh: Thùy Trâm
Chủ mưu Hà Văn Lưu. Ảnh: Thùy Trâm 
Bài học cảnh giác cho các lái xe ôm 
Theo dõi phiên tòa lưu động, dư luận lạnh người trước những lời khai ráo hoảnh, không chút ăn năn về thủ đoạn tàn bạo của các bị cáo. Có mặt tại phiên tòa, ông Lại Văn Nhơn là người lái xe ôm may mắn thoát chết trong cái đêm kinh hoàng cách đây một năm vẫn còn bàng hoàng khi kể lại “chuyến xe bão táp” khiến ông suýt mất mạng. 
Ông Nhơn trình bày: “Đêm đó dù đã khá khuya, ý thức được có thể sẽ gặp nguy hiểm nhưng thời buổi làm ăn khó khăn, cả ngày hôm đó tôi chưa được một cuốc khách nào nên phải ráng chạy. Chiếc xe máy hôm đó là tôi mượn của người em họ chạy kiếm bát cơm, bát cháo nuôi vợ con, ai dè bị chúng cướp trắng, lại còn đâm tôi suýt chết. Bữa đó, tôi chạy xe đến con đường vắng, hai thanh niên đó kêu tôi dừng lại để chúng đi vệ sinh. Tôi chưa kịp dừng thì đã bị chúng rút dao đâm. Tôi van xin tha mạng để còn nuôi vợ con… Sau lần đó, sức khỏe tôi yếu lắm. Mong tòa xử các bị cáo đền cho tôi 37 triệu đồng tiền thuốc men và tiền chiếc xe vì chiếc xe đó tôi mượn của người em, giờ bị cướp mà chưa có tiền đền cho người ta…”.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo cực kỳ nguy hiểm, chỉ vì muốn thỏa mãn cơn nghiện và có tiền tiêu xài đã dùng hung khí tấn công, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng người khác. Bị cáo Lưu gây án khi vừa mới bước qua tuổi 18 nhưng hành vi rất tàn nhẫn, liều lĩnh, dùng dao đâm vào những vùng trọng yếu trên cơ thể các nạn nhân chỉ để đạt mục đích cướp xe, cướp tiền. Bị cáo Nguyên là trợ thủ đắc lực cho Lưu nên trách nhiệm hình sự của hai bị cáo này là ngang nhau. Việc hai nạn nhân may mắn thoát chết là ngoài ý muốn của các bị cáo.
Với nhận định trên, HĐXX tuyên phạt mức án tử hình đối với Lưu và Nguyên về 2 tội “Giết người’, “Cướp tài sản”; Hải tù chung thân, Thắng 16 năm tù, Khanh 8 năm tù cùng về tội “Cướp tài sản”. Riêng hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Được, tuy biết rõ chiếc xe máy là tài sản do các bị cáo cướp của người lái xe ôm, là tang vật của vụ án cướp của giết người nhưng vì hám lợi nên Được vẫn mua của các đối tượng với giá rẻ. Xét hành vi của Được là rất nghiêm trọng, cần phải có mức án nghiêm khắc mới đủ sức răn đe phòng ngừa cho những kẻ tiêu thụ tài sản phạm pháp, gián tiếp tiếp tay cho tội phạm nên HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Được mức án 5 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.