Hám lãi, “bộ sậu” ACB mắc mưu đàn bà

(PLO) - Sau khi kêu oan về tội “Kinh doanh trái phép”, dư luận lại cảm thấy băn khoăn trước lời kêu oan không phạm tội “Cố ý làm trái” của bầu Kiên và những uẩn khúc quanh chuyện ACB “mắc bẫy” Huyền Như.
Hám lãi, “bộ sậu” ACB mắc mưu đàn bà
"Bầu" Kiên tiếp tục kêu oan "không làm trái"
Theo cáo trạng, vào tháng 3/2010  ACB do Nguyễn Đức Kiên làm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập đã có cuộc họp của Thường trực Hội đồng quản trị và cho ra đời một nghị quyết sai lầm nghiêm trọng khiến Kiên và các đồng phạm phải hầu Tòa ngày hôm nay. 
Nghị quyết quyết định ủy thác cho nhân viên của ACB mang hơn 718 tỷ đồng tiền huy động của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để lấy “hoa hồng”. 
Lý Xuân Hải - Tổng Giám đốc đề xuất phương án ủy thác và Nguyễn Đức Kiên đồng ý, sau đó các thành viên Thường trực Hội đồng Quản trị là Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải thống nhất cùng ký tên vào Biên bản cuộc họp Thường trực Hội đồng quản trị này.
718 tỉ đồng đã được mang đi gửi tiết kiệm tại  Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, lúc này Huỳnh Thị Huyền Như đang nắm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, đã gian dối chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà bên ACB gửi, gây thiệt hại nặng cho ACB.
Cáo trạng khẳng định, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011 là thời điểm chưa có hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác nên hành vi của các bị cáo nói trên đã vi phạm Điều 106 Luật Các tố chức tín dụng năm 2010. 
Điều luật này quy định: “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.  Có nghĩa là phải có hướng dẫn thêm của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng mới được thực hiện; trong khi chưa có mà ACB đã vội vàng ủy thác là sai nguyên tắc.
Tại phiên tòa ngày hôm qua, các bị cáo cho rằng không sai về nghiệp vụ ủy thác vì chưa có hướng dẫn thì vẫn áp dụng văn bản cũ là Quyết định 742 ngày 17/7/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng. 
Theo quy định này, các tổ chức tín dụng được quyền ủy thác cho vay vốn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước liền được triệu tập để hỏi lại quan điểm của cơ quan này tại cơ quan điều tra đã khẳng định việc làm của ACB là sai. 
Thế nhưng khi HĐXX hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước rằng có giữ quan điểm trên nữa không, lại được trả lời nước đôi: “Có lẽ còn phải căn cứ vào nhiều căn cứ khác nữa”. Vị này cũng nói, văn bản trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo, trả lời theo các câu hỏi có sẵn của cơ quan điều tra và không hề có hồ sơ cụ thể. 
Sau kêu oan về tội “Kinh doanh trái phép”, dư luận lại cảm thấy băn khoăn trước lời kêu oan không phạm tội “Cố ý làm trái” của bầu Kiên.
Bầu Kiên “bật” Huyền Như
Hôm qua, siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhiều người dự tòa ngao ngán trước thái độ trắng trợn, không cảm xúc của Huyền Như khi thuật lại thủ đoạn chiếm đoạt số tiền khủng hơn 718 tỷ đồng từ 19 nhân viên ACB đã đem gửi. 
Trước đó, Huyền Như đã bị tuyên án chung thân vào tháng 1/2014 do chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty, 3 cá nhân, trong đó có khoản tiền trên của ACB. 
Huyền Như đổ tội cho các cá nhân gửi tiền đã quá lơ là trong quy trình gửi tiền và cho rằng cá nhân mình chiếm đoạt chứ không liên quan đến  Vietinbank. “Các nhân viên đã không trực tiếp mở tài khoản mà chỉ gửi thông tin cá nhân để tôi mở rồi họ chuyển tiền vào tài khoản, sau đó, tôi rút ra chuyển thành các sổ tiết kiệm và tất toán nhưng họ không hề quan tâm, chỉ quan tâm lãi suất, kỳ hạn, hoa hồng ban đầu. Sơ hở đó đã khiến tôi thực hiện hành vi chiếm đoạt trơn tru.”- Huyền Như thản nhiên khai.
Bầu Kiên lập tức phản bác lời nhận tội của Huyền Như. “Bà Huyền Như đã trình bày sai bản chất vụ việc khi cho rằng 19 nhân viên ACB thiếu kiểm tra khi gửi 718 tỉ đồng. Nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân bà Huyền Như, mà giao dịch với bà Huyền Như với tư cách quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Chi nhánh Vietinbank TP.HCM.” 
Bầu Kiên còn “khoe” mình làm ở Cty Thiên Nam, có kinh nghiệm về phần mềm máy tính quản lý của các giao dịch. “19 nhân viên ACB không thực hiện giao dịch, các giao dịch này do nhân viên Vietinbank thực hiện. Đề nghị HĐXX xem xét lại phần mềm về các mật mã giao dịch…”.
Trước đề nghị này của bầu Kiên, HĐXX cho biết sẽ xem xét. Hôm nay, thứ bảy ngày 24/5, Tòa vẫn tiếp tục xét xử./.

Đọc thêm