Ham “người tình ngoại quốc” hàng loạt cô gái bẽ bàng

(PLO) - Những cô gái đang khát tình tưởng mình đã chọn được một người đàn ông ngoại quốc giàu có, hào hiệp. Hạnh phúc chưa kịp tận hưởng, đã bẽ bàng căn quả đắng.
Ham “người tình ngoại quốc” hàng loạt cô gái bẽ bàng
Tình “ảo”, mất tiền thật
Đầu tháng 9/2015, XLPL tiếp nhận đơn tố cáo của chị Nguyễn Thanh Trúc (ngụ TP. Quảng Ngãi) về việc chị bị một người đàn ông tự xưng gốc Mỹ, 42 tuổi có tên trên facebook Alfred Bailey, đang sống và làm việc tại Scotland lừa đảo. Tìm hiểu được biết, chị Trúc không phải nạn nhân duy nhất bị lừa theo hình thức này.
Theo chị Trúc phản ánh, sau chưa đầy một tháng nói chuyện trên facebook, người đàn ông này chủ động bày tỏ tình cảm và ngỏ ý sắp tới sẽ có chuyến du lịch Việt Nam. Ông ta còn nói, trước khi sang Việt Nam muốn tặng chị món quà làm quen. 
Năm ngày sau, người này nhắn tin trên facebook cho chị Trúc, báo đã chuyển quà vào ngày 15/8/2015 gồm nước hoa, điện thoai, máy tính xách tay và 5500 bảng (đơn vị tiền tệ của Anh, tương đương gần 200 triệu VNĐ), kèm theo lời dặn: “Gói quà đến Việt Nam vào ngày 20/8, sẽ có người của công ty gọi điện thoại cho em đến nhận”. 
Đúng ngày hẹn, một phụ nữ giọng miền Nam, xưng là nhân viên công ty dịch vụ hàng xách tay về Việt Nam, gọi cho chị Trúc từ số điện thoại đầu +60104650867 (thể hiện trên máy chị Trúc “từ Malaysia”) thông báo có món quà tổng trị giá khoảng 800 triệu đang được gửi về. 
Tuy nhiên, theo người này, khi đến sân bay Malaysia, hải quan phát hiện hàng của chị Trúc có giá trị lớn nên chị phải đóng 550 USD cho hải quan Malaysia để lọt qua kiểm tra. Nếu không đóng tiền, gói hàng bị trả lại. 
Chị Trúc tin lời đã chuyển 550 USD vào tài khoản ngân hàng Sacombank mang tên Lương Thị Hương.
Khi chuyển tiền thành công, chị Trúc được người phụ nữ trên trấn an: “Khoảng 2,5 tiếng nữa, hàng của chị sẽ đến Việt Nam” và hướng dẫn chị chuẩn bị một số giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân, hộ khẩu để nhận hàng.
Tuy nhiên sáng hôm sau vẫn không thấy quà về, lần này nữ nhân viên trên điện lại cho chị Trúc, nói giọng buồn: “Thành thật xin lỗi chị. Hàng của chị khi về đến Việt Nam, nhưng qua kiểm tra ở sân bay, người ta phát hiện có tiền trong đó, lúc nãy chị vừa mới đóng 550 USD rồi, giờ hải quan đòi 3.000 USD nữa”. 
Thấy số tiền quá lớn, chị Trúc nói “không có”. Người tên Hương nói: “Sẽ thương lượng với hải quan sân bay”. Một lúc sau, người này gọi chị Trúc thông báo “hải quan cho biết chỉ phải nộp thêm 1.200 USD”. Chị Trúc tiếp tục nộp tiền. 
Nhưng một lần nữa, người nữ trên yêu cầu: “Phải đóng thêm 1.800 USD vì “sếp” hải quan xác minh bên trong có tiền quá lớn”. Không còn hướng xoay sở, chị Trúc chỉ im lặng. 
Qua ngày thứ hai, nhân viên trên lại gọi điện giục: “Chị tính như thế nào, có chuyển tiền để tôi làm việc với hải quan và giao hàng tận nhà hay không?”.
Chị Trúc nhận thấy mình bị lừa mất hơn 37 triệu đồng nên từ chối nhận quà và đòi lại tiền. 
Lần này, nhân viên trên hù dọa: “Nếu không đóng tiền tiếp, gói hàng của chị sẽ bị khui ra và sẽ phạt 80% trị giá gói hàng”. Sau câu nói đó, chị Trúc không nói chuyện với nữ nhân viên này qua điện thoại được nữa. Chị nhắn tin cho người đàn ông ngoại quốc nhưng người này đã hủy kết bạn với chị trên facebook.
Chân dung kẻ lừa đảo
Chân dung kẻ lừa đảo 
Nhiều trường hợp bị lừa
Không chỉ ở Quảng Nam, mà theo Đại tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an TP.Đà Nẵng) thời gian qua công an trên cả nước đều tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân bị lừa tương tự. 
Một trường hợp tại Đà Nẵng như chị Trần Thị Thanh Thu (SN 1980) vốn buôn bán nhỏ lẻ, thời gian rảnh rỗi thường lên facebook giao lưu. Vốn tiếng Anh không tệ, thi thoảng chị Thu còn vào làm quen với bạn bè nước ngoài. Tháng 2/2014, một nick name xưng tên Donald Jack, làm kỹ sư, ngụ ở Texas (Mỹ) nhảy vào làm quen. 
Khoảng một tuần hỏi thăm qua lại, người đàn ông cho biết mình 47 tuổi, độc thân đã bốn năm, hiện đang ở cùng con gái 12 tuổi. Bản thân chị Thu cũng “đứt gánh giữa đường” nên cho mình cơ hội tìm hiểu về một người bạn đời khác, đặc biệt là người nước ngoài. 
Trong gần một tháng gặp gỡ trên mạng, chị Thu đã bị xiêu lòng trước những lời tán tỉnh của Donald nên nhận lời tỏ tình.
Tháng 4/2014, Donald cho biết “sẽ qua Việt Nam gặp mặt hai bên gia đình, đồng thời cử hành hôn lễ và làm thủ tục xuất ngoại cho mẹ con em”. Trước khi đi, Donald nói gửi từ Mỹ về Việt Nam tặng cho chị một thùng hàng “mỹ phẩm, áo quần và nhiều tư trang, ngoại tệ” để “bày tỏ tình cảm”, cũng như giúp Thu “có thêm kinh phí lo cho cuộc sống”. 
Thu gửi thông tin địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc cho Donald chuyển bưu phẩm. 
Đang hồ hởi đếm ngược thời gian chờ quà về, ngày 15/4/2014, chị Thu bất ngờ nhận được cuộc gọi của một người nữ, xưng là Lan, nhân viên cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội). 
Người này cho biết, chị Thu có một thùng bưu kiện do Donald gửi từ Mỹ về. Để thông quan, chị Thu phải đóng thuế 30 triệu. Hơi thắc mắc số tiền đóng quá lớn, chị gọi cho Donald xác minh và được “người yêu” khẳng định: “quy định ký gửi hàng từ nước ngoài về như vậy”. 
Nghe xong, Thu nhanh chóng thực hiện theo yêu cầu của “cán bộ Hải quan sân bay”. Tiền được chuyển vào số tài khoản tại một Ngân hàng thuộc chi nhánh TP.HCM, chủ tài khoản là Võ Thị Xuân Lan. 
Nhưng liên tiếp ba lần nữa, chị Thu đều bị yêu cầu nộp thêm tiền với lý do: số ngoại tệ gửi về lên đến cả… triệu USD. Tổng cộng chị Thu đã chuyển khoản hơn 100 triệu VNĐ. 
Lần cuối cùng gửi tiền đi vẫn không có kết quả, điện thoại cho Donald lại ngoài vùng phủ sóng, nick facebook cũng khóa, nghi ngờ bị lừa, chị Thu làm đơn gửi công an vào tháng 6/2014.
Trong lúc Công an Đà Nẵng vào cuộc xác minh theo thông tin nạn nhân Thu cung cấp, Cơ quan CSĐT ở Hà Nội, TP. HCM, Đồng Tháp… cũng tiếp nhận những đơn thư tương tự. Công an ghi nhận có thêm sáu nạn nhân nữ tố cáo Donald và người có số tài khoản mang tên Võ Thị Xuân Lan. 
Điểm chung của tất cả nạn nhân: độc thân, đơn thân, ham lấy chồng ngoại và cả tin vào những món quà hứa hẹn xa xỉ từ nước ngoài gửi về. Bước đầu xác định sáu nạn nhân này đã bị lừa hơn 700 triệu đồng.
Hồ sơ đối tượng lừa xuyên biên giới
Theo Đại tá Sơn, đây là loại hình tội phạm mới hình thành. Vì lừa đảo trên mạng xã hội nên hầu như nhân thân, lai lịch đối tượng không có. Cảnh sát lúc này chỉ biết dựa duy nhất vào manh mối tài khoản Ngân hàng có tên Võ Thị Xuân Lan để lần tìm. 
Lệnh truy nã đối tượng Lan
 Lệnh truy nã đối tượng Lan  
Tuy nhiên, Võ Thị Xuân Lan đăng ký địa chỉ một nơi, ngụ một nơi. Phải chăng đối tượng nhặt chứng minh  nhân dân của ai đó để mở thẻ ATM?
Từ thẻ ATM, CQĐT có được thông tin ra người sử dụng thực đang ở tận Campuchia. Nhờ sự phối hợp của Ngân hàng nước bạn, Công an cho trích xuất camera để ra hình ảnh người giao dịch, mang về đối chiếu với ảnh của Lan lấy từ Cục quản lý xuất nhập cảnh khu vực phía Nam (A31, đóng tại TP. HCM).
Đến cuối tháng 8/2015, thông tin về Võ Thị Xuân Lan được phác thảo đầy đủ. Lan đăng ký hộ khẩu tại 242/75/4 Bà Hom, phường 13, quận 6 (TP.HCM). 
Xác định Lan bỏ trốn, ngày 1/9, Công an TP.Đà Nẵng đã phát lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc. Ngày 12/9, Phòng PC46 tiếp tục đề xuất, cho phát lệnh truy nã quốc tế đối với Võ Thị Xuân Lan về hành vi Lừa đảo./.

Đọc thêm