Hành trình giải mã vụ án nấu nhầm cao… người (P1)

(PLO) - Chỉ vì một chút hám lợi nhỏ nhoi, một số người tại ngôi làng vùng trung du lại quên khuấy đi chuyện đặt ra những nghi vấn, để mắc sai lầm tai hại nhầm xác người với xác tinh tinh. Người ta hồ hởi mang “con tinh tinh” đi nấu cao, hồ hởi chúc rượu nhau,.
Xác người chết bị nhầm xác tinh tinh đã được nấu thành cao (hình minh họa)
Xác người chết bị nhầm xác tinh tinh đã được nấu thành cao (hình minh họa)
Tinh tinh chết cháy?
Như PLVN đã đưa tin, trong bài viết Rùng rợn nồi cao tinh tinh nấu nhầm xác người, kể câu chuyện ông Đinh Văn Ngạch (SN 1946, ngụ thôn Đá Cóc, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) là đầu mối gây ra sự việc nhầm lẫn hi hữu. Năm ấy, ông được một chủ rừng trong thuê trông coi khu rừng trồng cây lấy gỗ.
Chiều ngày 5/12/1998, ông Ngạch lên rừng kiểm tra, phát hiện một khoảng rừng có nhiều ruồi nhặng bay. Tiến lại gần, ông thấy giữa khoảng rừng bằng phẳng cháy trụi là vật thể lạ, cháy phía ngoài đen thui, hình dáng giống hệt khỉ. 
Đúng thời gian ấy, khi ấy đúng dịp người ta truyền tai nhau đồn đại, ở tận nước Lào, rừng nguyên sinh cháy lớn, nhiều con vật quý hiếm chạy tán loạn. Nhìn vật thể cháy đen, ông thợ săn suy đoán đây là con tinh tinh tận nước Lào chạy sang đây. Nhận định sai lầm này là khởi nguồn câu chuyện rùng rợn sau này. 
Người thợ săn tìm dây rừng buộc xác “con tinh tinh”,  kéo vượt qua quả đồi, đưa về làng cách đó hơn 3km. Về đến nhà thì trời chiều muộn, ông bỏ “con vật” ở góc sân, đợi sáng mai trời sáng. 
Biết tin ông Ngạch săn được loài “động vật quý hiếm” xưa nay chưa từng có, nhiều người kéo đến ngắm nghía. Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng thôn Đá Cóc nhớ lại, xác “con tinh tinh” khi ấy đã bị biến dạng, cháy xém, đen thui, lưng gù, bắp chân vừa to vừa dài. Đặc biệt, quan sát thấy hai bàn tay co quắp, móng tay khá dài, chi trước phồng lên. Do bị cháy nên cằm hất lên, cổ rụt, khuôn mặt co lại, hàm răng nhe ra trắng nhởn. 
“Trông giống y hệt con tinh tinh mà mọi người được xem trong tranh ảnh, vô tuyến. Quả thật nó quá giống tinh tinh, khiến cả tôi khi đó cũng tin rằng đó là loài vật quý hiếm”, trưởng thôn trần tình. 
Dân làng còn khiêng “con tinh tinh” ra giữa sân đo chiều dài, cân nặng, cười nói rôm rả. Đến tận đêm muộn mọi người mới tản ra, ai về nhà nấy. 
Sáng hôm sau, ông Ngạch cùng một số người mang “tinh tinh” ra ao đầu làng rửa sạch, mổ xẻ. Tổng cộng có khoảng trên mười người trực tiếp tham gia mổ xác “con tinh tinh”. Người trực tiếp cầm dao lóc thịt, chặt xương là ông Đinh Viết Dung, em rể của ông Ngạch. Hoàn tất công việc, ông Dung còn giữ nguyên một chi trước của “con tinh tinh”, mang về treo ở gác bếp làm kỷ niệm.
Cao “đặc biệt” có màu đỏ  
Cũng trong buổi sáng hôm đó, thông tin về việc dân làng bắt được “động vật quý hiếm” đã đến tai cơ quan chức năng. Một cán bộ kiểm lâm được cử đến. Vị kiểm lâm viên đến muộn, khi người làng đã hoàn tất xong việc mổ xẻ, nên chỉ chụp được 7 kiểu ảnh về bộ xương “tinh tinh”. 
Vị cán bộ kiểm lâm còn xin chiếc đầu “tinh tinh” về làm kỷ niệm. Trước khi rời đi, kiểm lâm viên đề nghị mọi người hoãn việc nấu cao lại để ông lên cấp trên báo cáo tình hình, nhưng cả một tuần sau mới thấy quay lại, khi đó nồi cao đã nấu xong. 
Ao làng nơi ông Ngạch xẻ thịt “tinh tinh”
 Ao làng nơi ông Ngạch xẻ thịt “tinh tinh”
Hơn chục người cả ngày lẫn đêm thay phiên nhau túc trực. Sau ba ngày ba đêm, việc nấu cao hoàn thành. Mọi người vớt cao ra đĩa, chờ để nguội. Có điều lạ là không giống cao khỉ màu nâu và cứng, loại cao này khá mềm, có màu đỏ nhạt. Mọi người gạt đi: “Cả đời mới thấy tinh tinh một lần, đương nhiên cao tinh tinh phải khác cao khỉ chứ”. 
Nồi cao nấu xong, được ngâm rượu để nhiều người làng tới nếm thử. Nhân chứng Nguyễn Văn Đông (SN 1964, ngụ khu Dốc Cóc, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), một người hôm đó tình cờ có mặt tại thôn Đồng Cóc, cũng được “thưởng thức” loại rượu này, nhớ lại: “Chủ nhà mời tôi uống hai chén nhỏ, còn dặn “cao này quý, uống ít mới bổ, có tác dụng””. “Cao tinh tinh” màu đỏ nhờ, khi pha vào rượu, hỗn hợp này lại có màu vàng như mỡ gà. Đặc biệt, cảm giác gây gây khi uống thì đến chết vẫn không quên được. 
“Nói thật khi ấy mọi người nói là rượu quý, lại rất bổ, cả đời gặp một lần nên tôi mới uống hai chén. Mùi gây gây xộc thẳng lên mũi, gây gây đến mức không thể tưởng tượng được vì trên đời này chưa có cái gì để so sánh”, nhân chứng nhớ lại.
Nồi cao hôm đó, sau khi cô đặc lại, có trọng lượng hơn 1kg. Trong thời gian chờ cao khô cứng để phân chia, mọi người rụng rời chân tay vì một nhân chứng phát hiện ra đám cháy rừng sau vài ngày đi chơi xa vừa trở về. 
Đám cháy bí ẩn
Nhân chứng đó là ông Đinh Văn Tám (SN 1948, ngụ thôn Dốc Kẹm, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn). Đối diện lán của ông, bên kia quả đồi là khoảng rừng nơi ông Ngạch đã phát hiện ra “xác tinh tinh”.
Một nhân chứng thuật lại sự việc
 Một nhân chứng thuật lại sự việc
Ông Tám nhớ lại, nửa đêm 29/11/1998 sáu ngày trước khi ông Ngạch tìm thấy “xác tinh tinh”, ông đang nằm ngủ ở lán thì nghe một tiếng nổ khá lớn, kêu “bụp” phát ra từ bên kia quả đồi. Nhìn sang khu rừng đối diện, ông thấy xuất hiện ánh lửa phát ra từ đám cháy nhỏ, kèm theo đó là tiếng nổ lép bép. Cho rằng người nào đó đi đốt ong rừng ban đêm, ông quay lại giường ngủ tiếp.
Hai hôm sau, ông có việc mấy ngày liền ở tận Hà Giang, nên việc người làng bên bắt được xác “tinh tinh quý hiếm” ông không hay. Cả tuần sau về nhà, được nghe kể lại người dân thôn Đá Cóc tìm thấy xác “con tinh tinh quý hiếm” gần đám cháy tối hôm trước, ông bán tin bán nghi. 
Lão nông đã tự làm một cuộc điều tra nho nhỏ, tìm đến vạt rừng cháy hôm trước, thất thần nhận ra một số vật chứng gần đám cháy. Sự liên tưởng lóe lên trong đầu khiến điều này dù mới là giả thiết, vẫn khiến ông sợ hãi không thể đi được nữa, phải bò lết xuống chân đồi, vừa lết vừa van vái: “Không phải tôi, không phải tôi”.
(Còn nữa)

Đọc thêm