Hơn chục lần mở tòa, vụ dự án "ma” vẫn chưa khép lại

(PLO) - TAND TP Hà Nội ngày 3/6 mở phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Đình Bang cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, vụ án lại bị hoãn vì một trong các bị hại không đến tham dự phiên tòa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Trước đó, đầu năm 2013, Nguyễn Đình Bang cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại trụ sở TAND TP Hà Nội và đến nay đã hơn chục lần mở tòa nhưng vụ án vẫn chưa thể khép lại. Nguyên nhân vì nhiều lần vắng mặt người tham gia tố tụng.
Mới đây, kết quả điều tra bổ sung cho thấy, ngoài ông Thái Khắc Toàn, còn xuất hiện thêm một số bị hại khác là nạn nhân của dự án “ma”.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh) thuộc sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Trung Thực và bà Nguyễn Thọ Tơ, đều trú ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.
Cuối năm 2001, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất, tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành.
Do không có vốn nên ông Thực và bà Tơ đã phải chuyển nhượng 50% diện tích đất được cấp. Sau đó, đại diện Công ty Trường Sinh đã rao bán toàn bộ doanh nghiệp cùng 50% diện tích đất còn lại tại dự án trên cho ông Duy Đức Tuấn, trú ở huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm). Tiếp đến, ông Tuấn rủ Nguyễn Đình Bang tham gia góp vốn với tỉ lệ 50:50.
Kể từ đầu năm 2008, Bang chính thức trở thành Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty Trường Sinh. Cùng trong thời gian này, Bang liên kết làm ăn với Nguyễn Huy Khang (SN: 1959, trú tại Cao Phượng, Tân Yên, Bắc Giang).
Lấy tư cách Chủ tịch HĐTV Công ty Trường Sinh, Bang ra quyết định vay vốn để đầu tư xây dựng cho dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh (gọi tắt là dự án An Khánh). Sau đó, Bang ký hợp đồng chuyển nhượng bất hợp pháp và xác nhận cho Khang sở hữu tới 80% giá trị dự án.
Chưa dừng ở đó, Bang còn tiếp tục ký khống hàng loạt giấy tờ, văn bản để Khang trở thành giám đốc tiếp theo của doanh nghiệp. Thậm chí ngay cả con dấu, Bang cũng giao cho Khang toàn quyền quản lý, sử dụng. Sau khi có được hồ sơ và giấy tờ về Công ty Trường Sinh trong tay, Khang bắt đầu kêu gọi góp vốn vào dự án An Khánh.
Tin rằng sẽ được hưởng lợi từ dự án, ông Thái Khắc Toàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Phát (Công ty Huy Phát) đã ký hợp đồng góp vốn vào công ty này. Sau đó, theo yêu cầu của đối tác, ông Toàn đã chuyển tổng cộng 22 tỷ đồng cùng 17.000 USD cho Khang và Bang.
Đợi mãi không thấy lợi ích gì từ dự án này, ông Toàn đã đòi lại số tiền góp vốn nhưng không được. Cuối cùng, đại diện Công ty Huy Phát đã tố giác hành vi lừa đảo của Bang và đồng bọn tới cơ quan công an.
CQĐT xác định, thời điểm Khang gọi ông Toàn góp vốn, dự án An Khánh mới chỉ hình thành trong “ý tưởng” của một số cá nhân ở Công ty Trường Sinh, không có tên trong danh sách các dự án đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc Khang lấy danh nghĩa đại diện Công ty Trường Sinh kêu gọi góp vốn và ký kết các hợp đồng là trái với Luật Doanh nghiệp cũng như điều lệ Công ty. Thực chất, đó chính là thủ đoạn mà Khang và Bang dùng để chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Đọc thêm