Khoảng lặng sau phiên toà chồng phóng dao đoạt mạng vợ

(PLO) - Vợ dắt chiếc xe máy của cô con gái lớn lấy chồng ngoại mua ra khỏi nhà, vì vợ đã nhiều lần “nướng” tài sản vào trò đỏ đen đề đóm nên chồng giằng xe lại hỏi đi đâu, vợ ngang ngược: “Tau đi mô kệ tau, xe con tau gửi tau có quyền bán”. Chồng mới uống với bạn vài ly bia về, nghe vậy không kiềm chế được lửa giận, chạy vào bếp lăm lăm cây dao đi ra. Vợ tiếp tục thách thức: “Tau đi bán xe, mi làm chi tau?”. Cây dao trong tay chồng phóng tới…
Bị cáo trong phiên xử.
Bị cáo trong phiên xử.
Câu chuyện bi thảm của vợ chồng anh Nguyễn Văn Đính (44 tuổi) và chị Huỳnh Thị Mến (45 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã từng được Pháp luật & Thời đại phản ánh. Ngày 22/8/2014, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo về tội “giết người”. Không di ảnh nạn nhân. Đại diện cho người bị hại không áo tang khăn tang, nhưng phiên tòa lạnh lẽo tang tóc hơn bội phần bởi các con của nạn nhân đã nằm dưới ba tấc đất cũng chính là những khúc ruột của bị cáo đang đứng sau vành móng ngựa. 
Chồng lỡ tay cướp mạng vợ cờ bạc
Cách đây hơn hai mươi lăm năm, khi đang lưu lạc ở nước ngoài, anh Đính quen chị Mến, nên vợ nên chồng ngay trên đất khách rồi mới về quê. Hằng ngày chồng theo bạn chài ra biển đánh bắt hải sản, vợ ở nhà buôn bán. Thỉnh thoảng cô con gái lớn lấy chồng ngoại gửi chút quà về cho cha mẹ. 
Cách đây chừng mười năm, người vợ bắt đầu dính trò đề đóm. Tài sản trong gia đình nhiều lần “đội nón ra đi”. Đối với người đàn ông làng chài, nỗi lo sóng gió ngoài biển khơi lại không bằng sóng gió bắt đầu hoành hành ngay trong tổ ấm của mình. Nhiều phen vợ chồng lục đục, cãi vã.
Chiều ngày 14/12/2013, anh Đính uống bia cùng với mấy người bạn ở cùng thôn rồi Đính đi bộ về nhà. Vừa vào đến sân, anh Đính thấy vợ dắt chiếc xe máy con gái gửi tiền về mua, ra khỏi nhà. Hỏi vợ đi đâu, chị Mến chỏng lỏn: “Tau đi mô kệ tau, xe con tau gửi về thì tau có quyền bán hết”. 
Lửa giận phừng phừng, Đính đi vào nhà bếp, lấy con dao dài 21,2 cm, đi ra trước sân. Lúc này hai tay đang cầm tay lái, chị Mến tiếp tục thách thức: “Tau đi bán xe mi làm chi tau”. Câu nói của vợ như giọt nước làm tràn ly. Không kiềm chế được, anh Đính phóng dao vào vùng ngực phải của vợ, chị Mến thả xe, chạy vào nằm gục xuống nền nhà, rồi trút hơi thở cuối cùng trên đường đi cấp cứu. Người chồng sau khi gây án mới hốt hoảng giật mình. Đã quá muộn. Hung thủ đưa hung khí đến Công an xã Phú Thuận đầu thú. 
Mẹ đã nằm dưới nấm mồ lạnh lẽo, cha trở thành bị cáo đối mặt với tù tội. Cô chị cả mới sinh con nhỏ chốn quê người, không về được. Vậy nên chị 19 tuổi dẫn em gái 17 tuổi và em trai út 9 tuổi lủi thủi đến phiên tòa đại diện cho mẹ. Ba chị em ngồi nép vào nhau nơi khoảng giữa chiếc ghế. Hai đầu chiếc ghế là hai khoảng trống lạnh lẽo. Chông chênh. Khi người cha bị công an dẫn vào phòng xét xử, cả mấy chị em nước mắt đầm đìa. Đứa thì thào gọi mẹ. Đứa gọi cha tắc nghẹn.  
Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng. Cứ mỗi lần nhắc đến việc mẹ nói lời không phải với cha, mấy đứa con lại cúi mặt. Nhắc đến cha gây án, cô chị giật bắn người. Hai đứa em nép vào chị. Kiểm sát viên công bố khung hình phạt có mức án cao nhất đến tử hình, mặt con gái lớn loang lổ nước mắt. Con gái nhỏ hết úp mặt vào ống tay áo này rồi tay kia. Con trai út ngơ ngác sợ sệt. Bị cáo xích sát vành móng ngựa một cách vô thức, đưa hai tay bíu chặt, cố dằn từng cơn run. 
Tòa hỏi: “Bị cáo có ý kiến gì về bản cáo trạng?”. Bị cáo lắc đầu.  Tòa lại hỏi: “Vì sao bị cáo đâm vợ?” Bị cáo khó nhọc đáp: “Lúc đó tôi bức xúc quá. Trong người lại có hơi men”. 
Bị cáo phân bua, thời gian khoảng 10 năm trở lại đây vợ chồng thường mâu thuẫn, cãi cọ nhau vì vợ máu mê đề đóm, khiến bị cáo bức xúc. Ngày xảy ra án mạng, vợ nói hỗn, thách thức nên bức xúc hôm đó như giọt nước làm tràn ly. Bị cáo không kiềm chế được chứ không có ý định tước đoạt mạng sống của vợ. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ những mâu thuẫn bức xúc kéo dài nhiều năm. 
Nước mắt phiên tòa
Tòa hỏi cô con gái lớn (đại diện cho cả hai em), có chứng kiến cha mẹ mâu thuẫn, cãi cọ nhau không? Cô gái vừa lau nước mắt vừa lí nhí trả lời “có”. Cô nói biết cha mẹ cãi nhau về chuyện tiền bạc. Tòa hỏi nhiều nhân chứng là hàng xóm của gia đình bị cáo, bị hại về điều này. Họ cũng xác nhận vợ chồng bị cáo thường to tiếng với nhau. 
Một người kể, ở địa phương bị cáo được mọi người thương vì hiền lành, chăm chỉ với nghề đánh bắt hải sản để lo cuộc sống cho vợ con. Bởi vậy khi bị cáo vì bức xúc mà phạm tội, đã có hàng chục người dân trong thôn cùng ký vào đơn “xin” cho bị cáo. Tòa phản biện, nếu cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn bức xúc không chung sống với nhau được nữa, bị cáo có thể giải quyết bằng cách ly hôn chứ không thể lấy điều này để biện minh cho hành vi phạm tội.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo từ 14 đến 15 năm tù. Bị cáo thảng thốt quay nhanh lại phía các con. Mấy đứa trẻ như bị dán chặt xuống ghế, sụt sùi nhìn theo cha đi theo công an vào phòng cách ly trong giờ nghị án. Đến lúc một cán bộ công an vẫy tay rối rít, ra hiệu cho mấy chị em vào gặp cha, bọn trẻ mới lớ quớ theo nhau vào phòng cách ly. Nhưng mấy cha con cũng chỉ ngồi nhìn nhau. Nước mắt cứ thế vòng quanh.  
Tòa tuyên án phạt bị cáo 15 năm tù. Đứng lặng một lúc lâu bị cáo mới nặng nề rời khỏi vành móng ngựa, theo công an ra khỏi phòng xét xử. Khi ngang qua chỗ các con ngồi, bị cáo ngoái mặt, miệng mấp máy nhưng không thốt lên được lời nào. Xe bịt bùng đang đợi ngoài sân. 
Ba đứa con liên tục giơ ống tay áo thấm nước mắt. Chú và cô ruột thúc giục các cháu: “Ra với ba một chút đi. Mau không xe chạy mất”. Như sực tỉnh, cả ba chị em vội chạy ra sân tòa, cũng là lúc cửa xe đóng sầm lại. Chiếc xe tù đã mất hút từ lâu nhưng những người trong gia đình bị cáo (cũng là người thân bị hại) còn ngồi thẫn thờ nơi góc sân, như những cái bóng vạ vật, mất hồn.
Đường về nhà bị cáo cũng là nhà bị hại dường như xa ngái hơn dưới cái nắng giữa trưa. Nằm gần cuối một con dốc cao, cửa nhà đóng im ỉm. Một phụ nữ sống gần nhà bị cáo cũng vừa đi dự phiên tòa về giải thích, từ khi mẹ chết, ba bị bắt, tụi nhỏ tự lo cơm nước cho nhau. Xong phiên tòa, có thể mấy đứa nhỏ còn ra mộ mẹ ở nghĩa địa gần đây, rồi về cùng người chú, không muốn về nhà mình trong lúc này.
Hai ngày sau phiên tòa, những đứa con có ở nhà, nhưng cánh cửa vẫn đóng kín. Cô của bọn trẻ buồn bã, kể từ khi nhà xảy ra chuyện, mấy đứa cháu tuổi còn thơ mà cứ lặng lặng lẽ lẽ, tiếp xúc với ai cũng ngại. Lúc ở nhà cũng đóng cửa, chị em lui cui với nhau. Nhiều buổi chiều tà, ba chị em cầm nắm hương lủi thủi đi ra mộ mẹ, ai thấy cũng thắt lòng. 
Ngôi nhà rộng rãi khang trang nhưng không khí lạnh lẽo tang tóc, dù chân hương trên bàn thờ người quá cố đã cũ. Người mẹ tươi cười trong di ảnh. Còn mấy đứa con, không nước mắt sụt sùi như hôm ở phiên tòa, nhưng mỗi đứa ngồi một góc như mấy tàu lá úa. 
Cô chị 19 tuổi thẫn thờ trước tờ giấy trắng, trên đó những dòng chữ run run xin giảm nhẹ mức án cho cha. Cô bọn trẻ cười buồn như mếu, nói mấy đứa cháu của chị phải gánh một lúc hai nỗi đau và tâm can bội phần giằng xé. Thương mẹ, nhưng làm sao có thể “bỏ” cha.
Giá như biết vợ phải mãi mãi nằm dưới nấm mồ hoang lạnh, quãng đời dài của chồng bị “chôn” trong những bức tường trại giam, những đứa con bơ vơ phải mang theo vết sẹo lòng khó xóa, thì có lẽ vợ chồng họ đã không có cách xử sự đáng tiếc như vậy./.

Đọc thêm