Khởi tố đối tượng cầm đầu cùng 7 “lâm tặc” tàn sát rừng gỗ quý Trường Sơn

(PLVN) - Công an Quảng Bình vừa xác lập chuyên án đấu tranh, bắt quả tang và khởi tố Nguyễn Quý Sơn cùng 7 đối tượng liên quan về hành vi vận chuyển, khai thác gỗ lậu quý hiếm với quy mô lớn vùng rừng xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Lực lượng phá án cũng xác định, Sơn chính là đối tượng cầm đầu.
Những bãi khai thác gỗ lậu ngổn ngang của “lâm tặc” giữa rừng Trường Sơn (ảnh chụp tháng 5/2020). Ảnh: T.N.Phong
Những bãi khai thác gỗ lậu ngổn ngang của “lâm tặc” giữa rừng Trường Sơn (ảnh chụp tháng 5/2020). Ảnh: T.N.Phong

Từ đầu tháng 5/2020, Báo PLVN đã có nhiều bài viết liên tiếp phản ánh nạn gỗ quý (chủ yếu là gõ và lim) ở rừng Trường Sơn bị “lâm tặc” ngang nhiên khai thác trái phép tràn lan suốt thời gian dài. Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Dư luận xót xa trước việc cả một vùng rừng rộng lớn, giàu gỗ quý hàng đầu ở Việt Nam đã bị tàn sát không thương tiếc và đặt ra nghi vấn lớn về việc chủ rừng, kiểm lâm đã “tiếp tay” cho nạn “lâm tặc” tung hoành.

Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ truy bắt “lâm tặc” giữa rừng già

Vừa qua, từ các nguồn tin trinh sát Công an Quảng Bình phát hiện các đối tượng phá rừng gỗ quý hiếm (chủ yếu là lim, gõ) ở các tiểu khu 316, 279, 300, 303, 318, 329 thuộc khu vực rừng địa phận xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Đây là vùng rừng do Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại) làm chủ rừng. Các đối tượng đang chờ thời cơ thuận tiện để vận chuyển về xuôi tiêu thụ.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ do Công an huyện Quảng Ninh làm chủ công, kiên quyết đấu tranh để kịp thời bảo vệ rừng Trường Sơn quý hiếm. Đại tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này được giao trực tiếp chỉ đạo chuyên án.

Theo lãnh đạo Công an huyện Quảng Ninh cho hay, bởi tính chất địa hình vùng rừng Trường Sơn khá hiểm trở, thiếu sóng điện thoại nên việc phá án gặp khá nhiều khó khăn trong liên lạc, phải đặt phương thức riêng phù hợp với tình hình. Rút kinh nghiệm ở nhiều nơi khác, cơ quan chức năng vào cuộc thì các đối tượng “lâm tặc” đã “cao chạy xa bay”.

Sau thời gian mật phục, theo dõi từng động tĩnh của nhóm đối tượng phá rừng, lực lượng phá án phát hiện gỗ rừng bị khai thác trái phép, cưa xẻ rồi được các đối tượng ngụy trang trong các xe chở cát sạn dựng để vận chuyển về xuôi. Tối 3/12, tại bãi khai thác cát sạn (gần cầu Khe Liệt), trên tỉnh lộ 9E (còn gọi là đường 11, nối từ xã Trường Sơn về thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch), của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Sơn Thúy (Cty Sơn Thúy), hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia đánh án được lệnh khép chặt vòng vây.

Tại hiện trường, công an đã bắt quả tang xe tải mang BKS 73C – 098.28 chở gần 3m3 gỗ gõ tập kết, nằm chờ phủ cát sạn lên trên ngụy trang để về xuôi. 5 đối tượng đã bị tạm giữ hình sự gồm: Nguyễn Quý Sơn (SN 1973, còn gọi là Sơn Nghiện), Hoàng Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Phan Tư Liệu và Phạm Hữu Sơn, cùng trú tại TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Đối tượng Nguyễn Quý Sơn khi bị bắt giữ. Ảnh: CAQB
Đối tượng Nguyễn Quý Sơn khi bị bắt giữ. Ảnh: CAQB 

Cty Sơn Thúy có địa chỉ tại phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới, do người khác làm Giám đốc nhưng mọi hoạt động đều do Nguyễn Quý Sơn quản lý, điều hành. Công an xác định, việc khai thác cát sạn này là để ngụy trang cho việc phá rừng, tập kết, vận chuyển gỗ. Sơn thừa nhận xe tải chở gỗ này là xe của công ty mình và tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng hơi tự chế cùng 3 máy cưa. Khám xét nơi ở, nơi làm việc, lực lượng công an thu giữ hơn 12m3 gỗ các loại và nhiều tài liệu. Mở rộng điều tra, ban chuyên án đã bắt giữ thêm 3 đối tượng là: Hoàng Sơn, Hoàng Xuân Thủy và Nguyễn Chí Tuấn. Bước đầu đã thu giữ hơn 30m3 gỗ quý hiếm.

Dấu hiệu “tiếp tay” phá rừng

Nạn “lâm tặc” tung hoành tàn phá những rừng gỗ gõ, gỗ lim quý hiếm Trường Sơn đã kéo dài nhiều năm, tình hình phức tạp. Việc Công an Quảng Bình triệt phá các đối tượng phá rừng này đã khiến dư luận địa phương rất đồng tình, ủng hộ trước yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng cấp bách.

Xác định cầm đầu trong vụ án này là Nguyễn Quý Sơn, ngày 12/12, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Quảng Ninh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 8 bị can về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản trong vụ án phá rừng nghiêm trọng, quy mô lớn tại xã Trường Sơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên PLVN, vùng rừng Trường Sơn với diện tích rộng trên 30.000ha nổi tiếng với những rừng cây gỗ cổ thụ quý hiếm. Lâm trường Trường Sơn là đơn vị chủ rừng, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo vệ với đầy đủ các ban, trạm nhưng suốt gần 2 năm qua, rừng vẫn bị phá và “máu rừng” vẫn chảy mãi.

Bãi khai thác cát bên cầu Khe Liệt ngụy trang cho việc phá rừng, tập kết và vận chuyển gỗ lậu (ảnh chụp tháng 4/2020). Ảnh: T.N.Phong
Bãi khai thác cát bên cầu Khe Liệt ngụy trang cho việc phá rừng, tập kết và vận chuyển gỗ lậu (ảnh chụp tháng 4/2020). Ảnh: T.N.Phong 

Tại đây, gỗ lậu từ rừng sâu vận chuyển về xuôi chỉ bằng một con đường độc đạo là tỉnh lộ 9E. Đường này chỉ dài khoảng 30km và có đến 3 trạm chốt có barie của lực lượng liên ngành kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Trong đó, mấu chốt là Trạm Bảo vệ rừng (BVR) Khe Đen (trạm đầu tiên từ rừng sâu về). Tại trạm này, ít nhất 4 cán bộ với cần barie kiểm soát hoạt động 24/24h mỗi ngày, gồm 2 cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình), Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và Lâm trường Trường Sơn, mỗi đơn vị 1 người.

Tối 3/12, khi lực lượng công an bắt quả tang xe tải 73C – 098.28 tại điểm cầu Khe Liệt, tức là xe chở gỗ này từ rừng ra và ngang nhiên đi qua Trạm BVR Khe Đen khoảng 2km. Vậy lực lượng làm nhiệm vụ trạm này đã ở đâu, làm gì? Liệu đã có “làm ngơ” để tiếp tay cho “lâm tặc”? Xác minh của phóng viên từ nhiều nguồn tin cho thấy, chủ trì nhiệm vụ tại Trạm BVR Khe Đen là lực lượng kiểm lâm. Lâm trường chỉ là lực lượng phối hợp.

Gỗ lậu có lọt trạm hay không, “quyền quyết” thuộc vào kiểm lâm. Mà ở đây, là Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và đặc biệt là Đội Kiểm lâm cơ động số 1 với nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, ngăn chặn các vi phạm trong quản lý rừng và lâm sản.

Còn nhớ, vụ phá rừng xôn xao dư luận với gần 100m3 gỗ lim vào tháng 3/2019, cũng xảy ra tại Lâm trường Trường Sơn. Nhưng việc xử lý chỉ hướng đến chủ rừng. “Kiểm lâm đã ở đâu khi rừng bị “chảy máu”? Mất rừng mà chỉ xử lý chủ rừng thì sinh ra kiểm lâm để làm gì? Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm khi họ có cơ động, thanh tra; có lực lượng với đầy đủ nghiệp vụ đóng trên các địa bàn, tại sao không tuần tra, kiểm soát?” - một người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng (xin giấu tên), nghi vấn.

Đọc thêm