Không có Pháp luật Việt Nam, bao giờ chúng tôi mới được minh oan?

(PLO) - Trong rất nhiều vụ án mà chúng tôi đã theo đuổi thành công, có hai vụ tôi không thể quên trong quá trình tác nghiệp của mình. Đó là chuyện về hai người đàn bà đi kêu oan, đòi lại sự công bằng cho chồng, cho con  mình...
Không có Pháp luật Việt Nam, bao giờ chúng tôi mới được minh oan?

Người đàn bà đốt đuốc kêu oan

Một ngày đầu năm 1990, chị tìm đến với chúng tôi trong bộ dạng thất thần. Đó là chị Phạm Thị Tốt, cư ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thới, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, kêu oan cho chồng là anh Bùi Văn Mãnh bị Toà án tỉnh Tiền Giang kết án 16 năm tù giam về hai tội Giết người và Cướp tài sản công dân. Và bản thân chị cũng đang có lệnh truy nã về tội Không tố giác tội phạm .

Chị kể, tại tòa, chồng chị không nhận tội, cậu con trai 13 tuổi của chị quỳ lạy trước tòa la lớn: “Nếu chứng minh được cha tôi giết người thì Tòa cứ xử cả gia đình tôi đi...”.  Năm 1987, ai ở trong ấp, xã cũng biết vụ án bà Phạm Thị Ngà (mẹ kế của anh Bùi Văn Mãnh ) bị giết và cướp của. Cơ quan điều tra đã về khám nghiệm, dựng lại hiện trường và bắt Trần Văn Chính, người cùng xã, tạm giam cả tám tháng trời. Nhưng bỗng nhiên sau đó Chính được thả về và công an bắt anh Mãnh vào lúc nửa đêm. 
Trong quá trình điều tra, anh Mãnh đã nhận tội giết mẹ kế nhưng khi ra Toà lại một mực kêu oan vì bị nhục hình, bức cung mà phải nhận tội. Là phụ nữ miệt vườn, ngoài chăm sóc ruộng vườn ra, chị Tốt chẳng đi đến đâu và chẳng biết gì đến pháp luật, nhưng trước nỗi oan của chồng, chị đem 5 đứa con nhỏ gửi họ hàng rồi quyết đội đơn đi kêu oan. Vào một đêm trời tối đen như mực, chị rời làng với đứa con út ba tuổi trên tay và một bó đuốc chỉ dám huơ huơ dưới đất soi đường...

Niềm tin để chúng tôi đồng hành cùng chị chính là lá đơn kêu oan cho anh Mãnh có 32 chữ ký của người dân trong ấp. Về Tiền Giang, tìm gặp Luật sư Phan Văn Thảo, người đã nhận bào chữa miễn phí cho anh Mãnh tại phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi đã có thêm tài liệu. Và niềm tin được nhân lên khi Luật sư Phan Trung Hoài, người mà chúng tôi nhờ bào chữa miễn phí cho anh Mãnh ở phiên toà phúc thẩm, đã vui mừng phát hiện khi thấy bàn chân của anh Mãnh không bị tõe ra như dấu chân thu được tại hiện trường... Bài báo đầu tiên đăng trên Báo Pháp luật có tên “Đường rẽ ngang trong một hồ sơ hình sự”, phân tích về việc buộc tội không có căn cứ đối với bị cáo Bùi Văn Mãnh.

Trong thời gian chờ phiên tòa phúc thẩm, để giúp chị Tốt “bám trụ” kêu oan cho chồng, chúng tôi đã giúp chị có gánh hàng rau quả bán rong và giúp con chị tiền mua máy may để kiếm sống. Sau hơn hai năm và bảy lần hoãn xử, phiên tòa phúc thẩm năm 1991 đã tuyên anh Bùi Văn Mãnh không phạm tội và trả tự do ngay tại phiên tòa. Niềm vui vỡ òa không phải chỉ với gia đình anh Mãnh, chị Tốt mà còn là của cả những người làm báo chúng tôi.

Những tưởng mọi việc đã xong, thế nhưng năm 1992, Tòa án Tối cao ra kháng nghị theo hướng tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Ngay sau đó Báo Pháp luật Việt Nam có bài viết “Còn cánh cửa công lý nào khác nữa ?”. Bám sát vụ việc, khi đã hết hạn điều tra, chúng tôi lại tiếp tục lên tiếng về “Thân phận pháp lý của Bùi Văn Mãnh". Cuối cùng, năm 2003 Cơ quan điều tra tỉnh Tiền Giang mới ra quyết định đình chỉ vụ án. Tòa án tỉnh Tiền Giang tiến hành xin lỗi và bồi thường oan sai.

Sau khi được trả tự do, cả gia đình anh Mãnh dắt díu nhau trở về quê, nhưng đất vườn đã bị lấn chiếm, căn nhà xưa đã thành hoang phế. Để trang trải nợ nần và có tiền chữa bệnh, vợ chồng anh đã bán 8 công vườn để mua mảnh đất sình lầy ở cù lao Lợi Quan, gây dựng lại từ đầu, đồng thời làm đơn đòi bồi thường oan sai về 4 năm 3 tháng 20 ngày bị tù oan và những thiệt hại mà gia đình anh phải gánh chịu. Việc thoả thuận với Toà án  mấy lần không thành, chị Tốt lại tìm chúng tôi để nhờ giúp đỡ. Báo đã mời Luật sư Trần Công Ly Tao làm luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí cho anh Mãnh. Sau vài lần đi lại của luật sư, Tòa án tỉnh mới chốt con số bồi thường cho anh Bùi Văn Mãnh trên một trăm triệu đồng.

Tới nay, cuộc sống của gia đình anh Mãnh đã bình yên trở lại. Trong những lần điện thoại hỏi thăm, chị Tốt lại nhắc: “Nếu không có chỗ dựa là Báo PLVN thì tôi khó có thể kiên trì đeo đuổi việc kêu oan cho chồng tôi đến  như vậy...”.

Niềm tin trở lại

Nỗi đau chưa nguôi ngoai khi anh Lê Kim Long, con trai trưởng bị giết một cách dã man thì bà Hoàng Thị Hường, trú tại Chùa Láng, Hà Nội lại bị sốc khi nhận được tin kẻ giết con bà là Đồng Đăng Phúc được Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do Phúc bị bệnh tâm thần phân liệt, không có khả năng chịu trách nhiệm hình sự.

Phúc là tài xế của vợ chồng anh Long, do vi phạm hợp đồng nên bị cho nghỉ việc. Để trả thù, Phúc đã mang theo dao nhọn, thanh sắt chữ V, sợi dây dù giả làm thợ điện, trèo tường vào nhà, sát hại anh Long. Ngay sau đó, Công an Thành phố đã khởi tố Phúc về tội giết người, thế nhưng quá trình điều tra đang tiến triển thì Phúc lại được thả về nhà chữa bệnh, mà dư luận cho rằng Phúc được đình chỉ điều tra bằng “vàng cây”. Không đồng ý với quyết định này, gia đình anh Long khiếu nại.

Trong một lần vào TP.HCM, bà Hường đã đến Cơ quan đại diện của Báo để cung cấp tài liệu. Báo lập tức cử phóng viên đến công an phường, tổ dân phố nơi xảy ra án mạng và vào tận Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà để tìm hiểu xem Phúc có biểu hiện tâm thần như giám định không. 
Loạt bài điều tra đầu tiên được đăng với tiêu đề "Thoát tội nhờ giám định pháp y?". Ngày 22/5/2001, Hội đồng Giám định pháp y tâm thần Trung ương giám định lại đã kết luận Đồng Đăng Phúc đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. VKSND TC yêu cầu phục hồi điều tra vụ án. Báo PLVN đã mời Luật sư Bùi Quang Nghiêm và Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại. Sau bốn năm chờ đợi và hai lần bị hoãn, ngày 29/5/2003 phiên toà sơ thẩm đầu tiên đã được mở. 
Dựa trên bản giám định pháp y lần thứ 3, Toà tuyên bị cáo Phúc tù chung thân, “phạm tội do hạn chế một phần khả năng nhận thức do rượu”. Không đồng ý với kết quả này, gia đình bà Hường kháng cáo. Toà Phúc thẩm TAND TC tại TP.HCM tuyên huỷ bản án sơ thẩm, đưa về điều tra xét xử lại từ đầu. 
Báo PLVN lại tiếp tục có những bài phân tích về tính xác thực của các bản giám định pháp y trong vụ án. Năm 2004, Công an đã tiến hành thực nghiệm lại hiện trường và trưng cầu giám định pháp y lần thứ 4 với Hội đồng giám định là các chuyên gia hàng đầu về giám định tâm thần của Việt Nam. 
Kết quả giám định kết luận: Trước, trong và sau khi gây án, Đồng Đăng Phúc không bị bệnh tâm thần. Phiên toà sơ thẩm lần 2 và phúc thẩm lần 2 đã tuyên Phúc hình phạt tử hình về tội giết người và bồi thường cho gia đình bị hại.

Như vậy, sau 8 năm khiếu nại ròng rã của gia đình người bị hại và 19 bài báo đã đăng tải trên Báo PLVN, kẻ giết người tưởng thoát chết đã phải đền tội.

Với số tiền bồi thường nhân mạng của con mình (mới được nhận chưa đến một nửa), bà Hoàng Thị Hường đã nhờ chúng tôi chuyển cho Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị, bởi đồng tiền ấy quá đau xót với gia đình bà. Bà bảo, nếu không có Báo PLVN theo đuổi thì chưa chắc vụ án đã được đưa ra xét xử công minh. 
Trong một bức thư cám ơn bà viết: "Tôi gửi lòng biết ơn chân thành nhất đến Báo Pháp luật Việt Nam, nơi thắp sáng mãi niềm tin vào công lý, công bằng xã hội cho những người dân bình thường, và niềm tin đó đã trở lại trong tôi".
Đây chỉ là 2 vụ án ấn tượng trong rất nhiều vụ án mà chúng tôi cùng đồng nghiệp Báo PLVN theo đuổi tìm công lý. Ngoài những linh cảm nghề nghiệp mách bảo những oan sai thì chính những kiến thức pháp luật mà phóng viên làm báo pháp luật phải có đã giúp chúng tôi tiếp cận với sự thật tốt hơn. Thật đáng mừng là tập thể phóng viên tâm huyết, lãnh đạo Báo “có tâm, có tầm” không dễ bị chi phối bởi đồng tiền hay quyền lực thì mới có kết quả tốt đẹp. 
Một nhân tố không thể thiếu là niềm tin của độc giả đối với người làm báo, chính họ đã tiếp thêm sức mạnh để người cầm bút phanh phui sự thật. Đồng hành không chỉ đồng nghiệp mà còn là bạn đọc, dư luận xã hội ủng hộ. Những cái đó làm nên một tờ báo có chỗ đứng vững vàng trong lòng độc giả!