'Kỳ án' chiếc máy rửa ly chưa được cấp bằng sáng chế

(PLO) - “Nhà sáng chế” chiếc máy rửa ly thì cho rằng số tiền kia là tiền cọc mua bản quyền, không mua nữa thì mất. Còn ông chủ doanh nghiệp bỏ tiền mua thì cho rằng đó là tiền thanh toán đợt đầu, nhưng do phía “nhà sáng chế” vi phạm nên quyết đòi lại.
Ông Nguyễn Duy Linh- người được cho là đã phát minh ra chiếc máy rửa ly
Ông Nguyễn Duy Linh- người được cho là đã phát minh ra chiếc máy rửa ly

Chiếc máy rửa được 1 ngàn chiếc ly trong 1 giờ

Theo hồ sơ vụ án, chiếc máy rửa ly là một sáng chế (chưa được cấp bản quyền) của ông Nguyễn Duy Linh (ngụ phường 11, quận 3, TP HCM). Vào năm 2014, ông Linh chế được một chiếc máy rửa ly, có thể rửa 1.000 chiếc ly trong vòng 1 giờ. Công suất tiêu thụ điện 1,5 kWh. Ông Linh đã sản xuất tại nhà và bán cho nhiều người với  giá bán 5 triệu đồng/máy.

Thông qua các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Lâm- giám đốc một doanh nghiệp ở quận 4 đã đề nghị ông Linh chuyển giao công nghệ chiếc máy rửa ly này. Hai bên ký biên bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Theo đó, ông Linh bán công nghệ này cho ông Lâm với giá 280 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, phía ông Lâm thanh toán đợt một là 170 triệu đồng khi ký hợp đồng có công chứng (vì chuyển giao công nghệ thì cần có bằng sáng chế mà ông Linh chưa làm thủ tục cấp bằng sáng chế). Đợt hai thanh toán số tiền còn lại là 110 triệu sau khi ông Lâm nhận xong chuyển giao và sản xuất, bán được chiếc máy đầu tiên ra thị trường.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thỏa thuận, ông Linh không được bán sản phẩm ra thị trường, phải chuyển số khách hàng còn lại cho ông Lâm, không chuyển giao công nghệ này cho bất cứ ai. Ông Linh cũng phải hỗ trợ về mặt thủ tục giấy tờ cho ông Lâm đăng ký được sáng chế; đảm bảo sáng chế của mình được cấp bằng… Nếu bên nào không thực hiện thì bồi thường gấp đôi giá trị thiệt hại cho bên còn lại.

Sau khi có bản thỏa thuận bằng giấy tay, hai bên cũng ký hợp đồng vay tiền, ông Lâm cho ông Linh vay 100 triệu đồng, thời hạn vay là 3 tháng, không tính lãi suất. Ông Linh đã nhận 100 triệu đồng này vào tháng 9/2014.

“Cuộc chiến” liên quan chiếc máy rửa ly

Chờ khoảng 6 tháng mà không thấy phía ông Lâm có thiện chí đến mua nên ông Linh quyết định tự mình tiếp tục sản xuất máy rửa ly và bán máy ra thị trường cho nhiều người khác.

Cho rằng ông Linh vi phạm thỏa thuận nên ông Lâm khởi kiện, đòi ông Linh trả lại 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Linh đã làm đơn phản tố vì cho rằng ông Lâm vi phạm hợp đồng chuyển giao, gây thiệt hại về kinh tế cho ông khoảng 450 triệu đồng (thời gian ngưng sản xuất 6 tháng từ tháng 8/2014 đến tháng 2/2015). Do đó, ông Linh đòi ông Lâm phải bồi thường 450 triệu đồng, nhưng trừ đi 100 triệu đồng đã nhận trước, số tiền còn lại mà ông Lâm phải trả là 350 triệu đồng.

Lý giải về con số 450 triệu, ông Linh cho rằng trung bình mỗi tháng ông bán ra thị trường khoảng 15 máy, trung bình mỗi máy ông lời khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi đó ông phải ngưng sản xuất 6 tháng. Như vậy, tính ra trong 6 tháng ông bán ít nhất là 90 máy, lời 225 triệu đồng. Số tiền này được nhân lên gấp đôi do hai bên đã thỏa thuận, nếu gây thiệt hại phải bồi thường gấp đôi.  

Tuy nhiên, khi tòa yêu cầu chứng minh, ông Linh không có hóa đơn để chứng minh có bán được máy. Ông cho rằng việc bán máy của ông rất chạy, đã được đăng trên nhiều phương tiện truyền thông đăng tải.

Với nội dung trên, năm 2016, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử, chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của phía nguyên đơn - ông Lâm. Theo đó HĐXX nhận định, trên thực tế giữa hai bên có thỏa thuận về việc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, do lúc này phía ông Linh chưa được cấp bằng sáng chế về sản phẩm, hai bên đã giao kết bằng một hợp đồng vay mượn tiền 100 triệu nhằm che giấu một giao dịch khác nên việc này vô hiệu. Do đây là lỗi của cả hai bên nên tuyên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên cạnh đó, HĐXX còn bác yêu cầu đòi trả 17 triệu đồng tiền lãi mà phía ông Lâm đưa ra. Tuyên không chấp nhận nội dung phản tố của phía ông Linh.

Cho rằng bản án sơ thẩm tuyên chưa hợp tình, hợp lý nên ông Linh làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, phía ông Linh vẫn chưa được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm của mình. Ông Linh cho rằng việc ông Lâm đòi lại 100 triệu đồng là không có cơ sở vì đó là tiền đặt cọc để chuyển giao công nghệ, nếu ông Lâm không mua nữa thì mất số tiền đó, sao lại bắt ông phải trả. Tuy nhiên, HĐXX vẫn cho rằng thỏa thuận giữa hai bên là vô hiệu nên tuyên bác kháng cáo của ông Linh.

Bày tỏ về với chúng tôi, “nhà sáng chế” này than thở, phải mất nhiều năm trời ông mới sáng chế được chiếc máy rửa ly với mong muốn giúp mọi người tiết kiệm được thời gian công sức trong việc rửa ly. “Do tui quá tin tưởng vào ông Lâm nên đã thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho ông ấy sản xuất. Ông ấy còn nói tui thuê mặt bằng, mở xưởng để đưa phương tiện tới sản xuất. Nghe lời ngon ngọt, tui đã đi thuê mặt bằng, dựng nhà tôn để ông ấy tiếp nhận, nhưng chờ mãi vẫn không thấy ông ấy tới nhận, để đến giờ này tui phải nợ nần chồng chất…”- ông Linh trình bày.

Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao lại giao cho phía ông Lâm đi làm các thủ tục để đăng ký bản quyền thì ông Linh cho rằng, về bản chất là bán bản quyền sáng chế. Tuy nhiên, trước hết ông Lâm phải trả tiền đầy đủ là 280 triệu thì ông ấy mới có quyền sở hữu với sự phát minh này của tôi. Tuy nhiên trên thực tế, ông ấy mới trả 100 triệu rồi đưa đi dịch sang tiếng Anh để bán ra nước ngoài? Nghe vậy, tui đã tức tốc ra Cục Sở hữu trí tuệ để yêu cầu ngăn chặn. Rõ ràng 100 triệu đó là tiền cọc, nếu không mua nữa thì mất tiền cọc chứ. Giả sử nếu ông ấy bán được bản quyền này cho nước ngoài với giá vài triệu USD thì ông ấy có cho tui thêm tiền không…?”- ông Linh đặt vấn đề.

Ông Linh cho biết thêm, đến thời điểm này phía Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản gửi cho ông công nhận tất cả các hồ sơ, tài liệu liên quan về sự sáng chế chiếc máy rửa ly là hợp lệ, chỉ khoảng vài tháng tới là sẽ được cấp bằng. 

Đọc thêm