Kỳ án một mảnh đất, nhiều người nhận khai phá

(PLO) - Phản ánh đến Báo PLVN, ông Lê Văn Giang (SN 1954, ngụ ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, Tây Ninh) cho rằng vào ngày 17/1/2018, chính quyền tiến hành cưỡng chế, chặt bỏ 900 cây cao su năm năm tuổi của gia đình ông trên phần đất gần 1,5 ha để giao cho ông Tạ Văn Minh (ngụ cùng xã) là không đúng vị trí đất mà ông Minh đã mua.
Ông Giang bên lô đất bị cưỡng chế
Ông Giang bên lô đất bị cưỡng chế

Mảnh đất “phức tạp”

Vợ ông Giang trình bày, trước năm 1990, bà đến Tân Châu làm công nhân cho nông trường cao su Tân Hiệp. Đến năm 2001, tại khu vực bào Xương Máu, ấp Tân Trường, có một vùng thường xuyên bị ngập nước và ao nuôi cá, nông trường sử dụng không hiệu quả nên bỏ hoang. Nhiều người dân đến chiếm dụng phần đất này để canh tác cây ngắn ngày.

“Tôi là người khai phá được chừng 3ha thuộc lô D4 theo bản đồ phân lô trồng cao su của nông trường nhưng lúc đó, đất chỉ sử dụng được một mùa, trồng khoai mì, còn một mùa bỏ không do ngập nước. Vì thế một số người xung quanh lấn chiếm.

Tôi có trồng tràm nhưng không hiệu quả. Năm 2003, thấy bà Nhân khổ, lại là chỗ quen biết, tôi có cho mượn số đất này để bà ấy trồng mì. Không hiểu tại sao, bà Nhân lại lấy đất của tôi bán cho ông Minh với diện tích 0,5ha, phần còn lại ông Long chiếm và bán cho ông Minh 1ha”, vợ ông Giang nói.

Cũng theo vợ ông Giang, đến năm 2005, khi phát hiện bà Nhân và ông Long lấy đất bán cho người khác nên vợ chồng bà lấy lại, trồng cây mì được một năm thì phát sinh tranh chấp với ông Minh.

Ngược lại, bà Lê Thị Nhân (SN 1958, ngụ ấp Tân Trường) nói rằng không mượn đất của vợ chồng ông Giang mà do bà khai phá từ năm 1991 với diện tích 2ha cũng ngay tại bào Xương Máu. “Tôi trực tiếp trồng lúa từ năm 1991 đến 1993. Nhưng do nước ngập, trồng lúa không có năng suất nên tôi bỏ trống.

Năm 2001, tôi bán lại cho ông Trường 1,5 ha. Đến năm 2004 thì sang nhượng 0,5ha cho ông Quang”. Trong giấy sang nhượng, bà Nhân ghi đất bán cho ông Quang nằm ở lô E4.

Ông Nguyễn Văn Long (ấp Tân Trường), người bán 1ha đất cho ông Quang nói rằng ông khai phá từ năm 1991 và trồng lúa. Đến năm 1997 có trồng điều và đến năm 2004 thì sang nhượng cho ông Minh. Ông Long khẳng định đất của mình giáp với bà Nhân nên khi hai người bán cho ông Quang, ông Quang gộp lại thành một thửa 1,5ha liên canh với nhau.

Năm 2006, ông Quang có đơn đến nông trường yêu cầu giải quyết nhưng nông trường cho rằng đất do bà Nhân, ông Long tự ý chiếm dụng nên không có cơ sở giải quyết. Đến năm 2009, phần đất này được UBND tỉnh thu hồi từ nông trường giao lại cho UBND huyện Tân Châu quản lý và bàn giao lại cho các hộ dân đã sản xuất ổn định.

Tuy nhiên chưa cắm mốc cụ thể. Sau đó, ông Quang có đơn yêu cầu UBND huyện có biện pháp buộc vợ chồng ông Giang giao lại đất cho ông đã mua từ bà Nhân và ông Long.

Năm 2012, sau khi họp đối thoại, UBND huyện ra quyết định giải quyết. Theo đó, không chấp nhận yêu cầu cấp đất của ông Quang, buộc ông Giang giao lại 1,5ha cho ông Quang tạm sử dụng.

Ông Giang cho rằng quyết định này không đúng với thực tế, không chính xác, gây mất quyền lợi cho gia đình ông. Nên ông Giang tiến hành khiếu nại. Việc khiếu nại đang được giải quyết thì vào tháng 12/2012, UBND xã Tân Hiệp tiến hành cưỡng chế để giao đất cho ông Quang.

Ông Giang kể: “Tôi đã phản đối kịch liệt, họ mới không cưỡng chế được, không lấy được đất của tôi. Ngay năm đó, tôi trồng cao su. Và từ năm 2012 đến trước ngày cưỡng chế 17/1/2018 tôi canh tác, chăm sóc cao su nhưng ông Quang không có động thái nào như đơn khiếu nại hoặc ngăn cản. Chính quyền cũng vậy”.

Theo tìm hiểu, do ông Giang, vợ và con gái chống lại việc cưỡng chế vào năm 2012 nên bị UBND xã Tân Hiệp ra quyết định xử phạt hành chính một triệu đồng mỗi người. Nhưng sau đó, quyết định này bị UBND huyện Tân Châu thu hồi với lý do không đúng thẩm quyền.

Hậu quả “bán đất trên giấy”?

Đến cuối năm 2017 đầu 2018, ông Giang cho biết nhận được nhiều giấy mời lên UBND xã và trụ sở ấp để nhận quyết định cưỡng chế. Nhưng ông Giang không nhận. Việc ông Giang không nhận quyết định có lập biên bản.

Đến ngày 17/1/2018, chính quyền tiến hành cưỡng chế, chặt hạ hoàn toàn 900 cây cao su 5 năm tuổi trên phần đất 1,5ha đang tranh chấp. Ông Giang nói: “Chặt hạ xong, họ chở đi hết. Tôi không chống đối. Sau đó vài ngày, UBND huyện mời tôi lên để nhận lại số cây cao su bị chặt hạ đã đưa về kho nhưng tôi không chấp nhận”.

Tại sao ông Giang không chấp nhận và cho rằng việc cưỡng chế 1,5ha cao su của ông là sai vị trí. Ông Giang trình bày: “Tôi thừa nhận là bà Nhân có bán đất cho ông Quang, và ông Long cũng thế. Nhưng đất hai người bán không phải nằm ở vị trí đã bị cưỡng chế. Hai người bán đất trên giấy, rồi chỉ bừa vào đất của tôi cho ông Quang. Việc này, tôi vừa mới phát hiện gần đây nên khiếu nại theo hướng này”.

Căn cứ để ông Giang nói điều này là dựa vào giấy bán đất viết tay giữa bà Nhân - ông Quang và biên bản xác minh của chính quyền địa phương. Theo đó, giấy sang nhượng được viết tay vào năm 2004, bà Nhân nói bán đất ở lô E4. Biên bản xác minh năm 2006 bà Nhân cũng khai đất bán cho ông Quang ở lô E4. Còn ông Giang lại cho rằng phần đất bị cưỡng chế nằm ở lô D4. Lô E4 mà bà Nhân bán nằm cách đất bị cưỡng chế vài trăm mét.

“Tôi cho rằng họ đã cưỡng chế sai vị trí đất. Tôi nhiều lần yêu cầu chính quyền gọi tất cả mọi người vào đối chứng, cùng chập bản đồ vị trí đất. Nếu đúng đất bị cưỡng chế nằm lô E4 thì tôi sẽ giao đất cho ông Quang và không khiếu nại.

Nếu đất bị cưỡng chế nằm ở lô D4 thì là của tôi và họ cưỡng chế sai. Ngoài ra, trong giấy mua bán, đất của ông Long và bà Nhân không liền kề tại sao sau khi bán cho ông Quang lại gộp được thành 1 thửa” ông Giang nói.

Trao đổi với PV, bà Nhân nói: “Giấy mua bán ghi lô E4 là do tôi nhầm lẫn. Thực tế, đất tôi bán cho ông Long nằm cuối lô D4. Do tôi không cẩn thận nên thành ra cớ sự ngày hôm nay. Tôi thừa nhận là có chút ẩu khi ghi giấy tờ mua bán nhưng vị trí đất đúng là 1,5ha vừa mới bị cưỡng chế”.

Hỏi bà Nhân về việc tại sao bà nói bán cho ông Trường 1,5ha nhưng ông Trường nói chỉ bản 0,8ha. Bà Nhân cho rằng 0,8ha mà ông Trường nói là nằm trên cạn, phần còn lại nằm dưới ao nước, thời điểm bán không sử dụng được nên ông Trường khai như thế.

Còn ông Quang nói: “PV vào hỏi cả làng Tân Trường xem ai tranh chấp với ai, ai thường xảy ra tranh chấp với dân. Tôi là dân làm ăn, rất nhiều việc nên không rảnh đi tranh chấp một phần đất nhỏ nhưng cái gì ra cái đó. Trước khi xảy ra tranh chấp 1,5ha, tôi và vợ chồng ông Giang đã xảy ra tranh chấp ở một vụ khác”.

Phía UBND xã Tân Hiệp lại cho rằng sự việc đã được UBND tỉnh giải quyết dứt điểm, có quyết định cuối cùng. Nhiều năm qua, đã tiến hành đối thoại, xác minh, đối chứng nhiều lần nhưng gia đình ông Giang vẫn không chấp nhận. Phần đất bị cưỡng chế là đúng vị trí bà Nhân, ông Long bán cho ông Quang.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm giải quyết triệt vừa khiến người khiếu nại tâm phục khẩu phục, vừa tránh xảy ra tranh chấp kéo dài gây thiệt hại cho cả người kiện lẫn người bị kiện.

Đọc thêm