"Kỳ án trộm dê" đi vào lịch sử tố tụng

(PLO) - Vụ án đó kéo dài gần một thập kỉ, trải qua hơn 14 phiên tòa xét xử, với nhiều tình tiết "có một không hai" trong lịch sử tố tụng. Đến phiên tòa gần đây nhất, bị cáo đã “nằm ngủ” trên giường xếp nghe tuyên án, lúc tỉnh lúc mê, ca hát múa nhảy ngay trước vành móng ngựa 
Quang cảnh phiên tòa kỳ lạ
Quang cảnh phiên tòa kỳ lạ
Vụ án kéo dài đến mức bị cáo kịp sinh con khôn lớn
Theo cáo trạng, năm 2004, Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi, ngụ xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đến thôn Hòn Mốc (xã Sông Bình cùng huyện) tìm mua đất lập trang trại chăn nuôi dê. Sau đó bà Nguyệt ký hợp đồng hợp tác nuôi dê với ông Trần Văn Lý. 
Bà Nguyệt thả nuôi 15 con dê và trông coi giúp vợ chồng ông Lý 12 con. Vào năm 2005, khi bà Nguyệt đi vắng thì ông Lý âm thầm làm giấy tờ chuyển nhượng đàn dê, quyền sử dụng khu đất làm chuồng dê cho vợ chồng bà Lê Thị Kim Y và ông Lê Văn Thái (cùng ngụ xã Sông Bình). 
Trở về, phát hiện sự việc trên, bà Nguyệt làm đơn gửi chính quyền nhờ can thiệp giải quyết. Sau khi hòa giải không thành, UBND xã chuyển hồ sơ lên TAND huyện.
Cũng trong thời gian này, bà Nguyệt phát hiện bà Y lén lút bắt dê đem bán nên đã gửi tiếp đơn lên công an xã. Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, vì lo cho sự an toàn của đàn dê, nên vào đêm 28/5/2005, bà Nguyệt cùng một số thanh niên đến chuồng dê lùa đi 52 con dê lớn nhỏ trị giá trên 117 triệu đồng. Trong đó, 24 con chở đến xã Lương Sơn gửi người quen, số còn lại 28 con đem về huyện Hàm Thuận Bắc cất giấu.
Sáng 29/5/2005, gia đình bà Y phát hiện mất dê đã trình báo công an. Công an vào cuộc điều tra, phát hiện 24 con dê bà Nguyệt dắt trộm đang gửi nuôi tại nhà một người quen. 
Đàn dê này được đem trả lại cho bà Y. Trong biên bản bàn giao ghi rõ: “Bên nhận đã nhận đủ 24 con dê, không được trao đổi, mua bán, chờ quyết định của cơ quan điều tra mới có quyền định đoạt”.
Cuối tháng 5/2005, Công an huyện Bắc Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với bà Nguyệt về tội trộm cắp tài sản. Năm tháng sau, Viện KSND huyện ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ biện pháp tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyệt. 
Cuối tháng 11/2005, bà Nguyệt bị bắt giam trở lại, nhưng lại được thả vào đầu năm 2006. Bắt rồi thả, thả rồi bắt liên miên, tổng cộng bà Nguyệt bị giam đúng 210 ngày.
Từ năm 2005 đến 2013, tòa các cấp đã xét xử tới 12 phiên sơ thẩm và phải hoãn xử liên tục với những lý do như: Thiếu luật sư bào chữa, bị cáo, bị hại vắng mặt, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 
Tại các phiên tòa, bà Nguyệt cho rằng đàn dê trên là của mình và ông Lý đầu tư phát triển. Còn trại nuôi dê thì bà Nguyệt cùng với ông Lý mua lại của người khác nên đàn dê vẫn thuộc về bà. Việc ông Lý tự động đem bán đất là không có giá trị pháp lý. 
Bà Y lại cho rằng mình mua đàn dê hoàn toàn hợp pháp. Oái ăm hơn, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 10, bị cáo Nguyệt dắt theo đứa bé bảy tuổi đến dự. Khi toà hỏi mới biết cô đã có con, đứa trẻ không ai chăm sóc phải theo mẹ đi dự. 
Trải qua 12 lần xét xử sơ thẩm kéo dài suốt 9 năm nhưng HĐXX vẫn chưa thể xác định ai là chủ sở hữu hợp pháp đàn dê. Vụ án còn rắc rối hơn khi tang vật của vụ án là đàn dê hiện nay không còn con nào. Bên cạnh đó các hồ sơ liên quan đến vụ án hiện nay gồm toàn giấy tờ sao chép.
Trong quá trình thụ lý vụ án, được sự đồng ý của TAND huyện, Thư ký phiên tòa là Văn Hồng Lễ đã lập biên bản và bàn giao sổ đỏ trại dê cùng nhiều giấy tờ liên quan đến vụ án cho bà Y. Sau đó bà Y sang tên sổ đỏ đứng tên mình. 
Cuốn sổ đỏ trại dê hiện đang được bà Y đem thế chấp ngân hàng. Toàn bộ hồ sơ TAND huyện Bắc Bình giao cho bà Y cũng đã bị thất lạc đến nay chưa thể tìm được bản gốc.
Vụ án “cỏn con” nhưng kéo dài quá lâu, có nhiều dấu hiệu sai phạm buộc VKSND tối cao có công văn yêu cầu Viện KSND tỉnh báo cáo. 
Bi hài chuyện bị cáo nằm ngủ trước vành móng ngựa  
Trong phiên tòa lần thứ 13 diễn ra vào ngày 8/1/2014, bị cáo Nguyệt và luật sư bào chữa đều yêu cầu thay đổi thư kí phiên tòa. Nhiều luật sư khác lại yêu cầu thay đổi đại diện VKS, thậm chí thay đổi cả chủ toạ phiên toà. Trước phản ứng của bị cáo và luật sư, HĐXX quyết định chỉ chấp nhận việc thay đổi thư kí và tiếp tục xét xử. Còn đại diện VKS lại yêu cầu hoãn phiên tòa với lí do nếu tiếp tục sẽ vi phạm tố tụng nghiêm trọng. 
Trong phiên tòa lần thứ 14 diễn ra một ngày sau đó, các luật sư lại tiếp tục tranh luận gay gắt với HĐXX về thay đổi thư ký, việc hoãn xử ngày hôm trước nhưng ngay hôm sau đã đưa ra xử là không đúng luật, không khách quan. 
Buổi sáng ngày 10/1, ngày xét xử thứ hai phiên tòa thứ 14, bị cáo vắng mặt do đang nằm điều trị tại trạm y tế. Các bác sĩ ở trạm y tế thị trấn Lương Sơn cho biết, bà Nguyệt nhập viện  trong tình trạng tụt đường huyết, suy nhược cơ thể và đang được truyền nước. 
HĐXX đã cho thành lập hội đồng đến trạm y tế xác định tình hình sức khỏe của bị cáo. Sau khi được bác sĩ khám sơ qua và kết luận “bình thường”, lực lượng hỗ trợ tư pháp đã đến trạm y tế áp giải bị cáo trọng tình trạng ngất xỉu lên xe chuyên dụng chở về tòa để tiếp tục xét xử.
Tại tòa, bị cáo Nguyệt nằm lịm trên giường xếp, ít khi cử động, không hề nói. Một bác sĩ thuộc bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận sau ba lần thăm khám đã kết luận: “Bà Nguyệt đã tỉnh, không liệt tứ chi, sức khỏe bình thường. Nhưng do bệnh nhân cố tình không tiếp xúc, không muốn ngồi dậy”. 
Chủ tọa phiên tòa kết luận, bị cáo Nguyệt hoàn toàn bình thường, đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa nhưng cố tình gây khó khăn nên đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam. Trong các ngày xử sau đó, bị cáo vẫn nằm trên võng xếp hầu toà, có khi tỉnh dậy gào khóc kêu oan, khi thì nghêu ngao múa hát, nói năng lung tung. 
Đại diện VKS đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyệt về tội “trộm cắp tài sản”. Khi được nói lời nói sau cùng, bị cáo vẫn khẳng định mình vô tội, mong muốn được thả tự do về để nuôi con. 
Chiều ngày 15/1, sau năm ngày xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyệt 24 tháng tù giam về tội “trộm cắp tài sản” đồng thời phải bồi thường cho bà Y số tiền hơn 22 triệu đồng. Bị cáo Nguyệt cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo. 
Kỳ án trộm dê  sau gần 10 năm với 14 phiên xét xử vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đọc thêm