Kỳ án Vườn mít: Cơ quan tố tụng cấp Trung ương đã vào cuộc

(PLO) - Từ những chứng cứ cho thấy còn nhiều oan khuất trong kỳ án vườn mít, các cơ qua tố tụng cấp Trung ương đã lần lượt vào cuộc, tiếp tục truy nguyên sự thật vụ án.
Bà Hoài Thu cho rằng Mai không thể chở nạn nhân bằng xe máy chạy dọc con mương nước này để đến vườn mít được vì hoàn toàn không có đường để đi.
Bà Hoài Thu cho rằng Mai không thể chở nạn nhân bằng xe máy chạy dọc con mương nước này để đến vườn mít được vì hoàn toàn không có đường để đi.
Sau khi Báo Pháp Luật Việt Nam  loạt hé lộ nhiều oan khuất trong kỳ án vườn mít,  ngày 5/9/2014, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có Công văn 3173 gửi lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an cũng cho biết vừa nhận được kiến nghị mới nhất của bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban này) đối với việc xem xét những dấu hiệu oan sai trong bản án phúc thẩm lần thứ ba buộc tội Lê Bá Mai chưa rõ ràng, chưa đủ tính pháp lý. Ủy ban tiếp tục chuyển kiến nghị của bà Hoài Thu và toàn bộ hồ sơ vụ việc đến lãnh đạo ba ngành nêu trên, đề nghị xem xét theo thẩm quyền, trả lời bà Hoài Thu và thông báo kết quả cho Ủy ban.
Trong quá trình Báo đăng tải, VKSNDTC cử đoàn cán bộ đến Bắc Giang, nơi nhân chứng mới Nguyễn Thị Hảo đang ở, để lấy lời khai của bà Hảo về việc bà cung cấp thông tin về âm mưu đổ tội cho Mai và nghi can mới Điểu Ngôi. 
Hiện trường vườn mít trong lần thực nghiệm điều tra thứ hai vào năm 2009.
 Hiện trường vườn mít trong lần thực nghiệm điều tra thứ hai vào năm 2009.
Một đoàn cán bộ liên ngành cấp trung ương (VKSNDTC, Bộ Công an) cũng đã đến thực địa hiện trường trang trại xưa có vườn mít của ông Dương Bá Tuân, nơi ông Điểu Ky đã phát hiện tử thi cháu Út. Mới đây nhất, cán bộ của VKSNDTC đã vào bệnh viện nơi ông Điền Văn Ngọc đang điều trị để lấy lời khai của ông. Ông Ngọc là nhân chứng đã trông thấy Điểu Ngôi đi vào khu vườn mít trong đêm trước ngày phát hiện tử thi. Những động thái trên cho thấy các cơ quan chức năng cấp trung ương rất quan tâm xem xét lại vụ án này.
Một điều bất thường diễn ra là các nhân chứng mới đã bị đe dọa. Ngay sau khi tiếp xúc với phóng viên, bà Hảo đã bị một người lạ gọi điện nhiều lần vào số điện thoại của bà hỏi bà đang ở đâu. Trong cuộc gọi cuối chúng tôi ghi âm được, người lạ bảo bà Hảo: “Coi chừng đó!” với giọng đe dọa. 
Gia đình ông Ngọc có quán tạp hóa ở gần hiện trường cũng vừa bị một số người dân tộc Stiêng đòi đập quán tạp hóa. Báo Pháp Luật Việt Nam đề nghị VKSNDTC và Bộ Công an thực hiện các biện pháp khả thi để bảo đảm an toàn cho hai nhân chứng mới và gia đình của họ. Báo sẽ theo dõi và thông tin tiếp các diễn biến của vụ án vườn mít đến độc giả.
Bà Hoài Thu đã đọc hồ sơ rồi đi thực địa hiện trường vườn mít hai lần, qua đó bà phát hiện nhiều điều không tưởng như hung thủ có thể chở nạn nhân bay qua suối, điều tra viên biết “phân thân”… Hiện khu vườn mít phía sau lưng bà Hoài Thu đã bị phá để xây trại, trồng cao su, còn những con đường hung thủ chở nạn nhân đi trong hồ sơ thì vẫn không thay đổi.
 Bà Hoài Thu đã đọc hồ sơ rồi đi thực địa hiện trường vườn mít hai lần, qua đó bà phát hiện nhiều điều không tưởng như hung thủ có thể chở nạn nhân bay qua suối, điều tra viên biết “phân thân”… Hiện khu vườn mít phía sau lưng bà Hoài Thu đã bị phá để xây trại, trồng cao su, còn những con đường hung thủ chở nạn nhân đi trong hồ sơ thì vẫn không thay đổi.
Trước đó, ngày 4/8/2005, án tử hình đối với Lê Bá Mai có hiệu lực. Mai kêu oan chứ không xin Chủ tịch nước giảm hình phạt. Ngày 21/8/2005, Báo Pháp Luật Việt Nam đã đăng bài “Vụ án vườn mít ở Bình Phước: Chứng cứ thiếu thuyết phục, vẫn tuyên… tử hình!” đặt câu hỏi tước đi mạng sống của một con người, trong khi chứng cứ thiếu thuyết phục đến thế, nên chăng? Lúc này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu đang là Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy vụ án còn nhiều mâu thuẫn nên gửi thư đến Chủ tịch nước Trần Đức Lương đề nghị xem xét lại vụ án vườn mít.
Nhờ lá thư của bà Thu và bài trên Báo Pháp Luật Việt Nam, vụ án được VKSNDTC xác minh lại và kháng nghị giám đốc thẩm. TANDTC tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm lần thứ nhất, giao công an điều tra lại. Từ đó đến nay, bà Hoài Thu vẫn luôn đau đáu với số phận của bị cáo Mai và vụ án vườn mít.
Bà Hoài Thu nói: “Tôi buồn cho những người cầm cán cân công lý. Một vụ án rõ ràng có dấu hiệu oan sai, bao nhiêu người người ta kêu tại sao mình không nghe? Tại sao mình cứ khăng khăng vin vào lời khai nhận tội? Phải chi hoàn toàn không có sự ép cung, mớm cung, dụ cung thì tôi cho rằng Mai thức tỉnh, lưu manh nó khai thiệt là nó có hiếp dâm và giết người. Còn bây giờ rõ ràng là mớm cung có, ép cung có, dụ cung có, vậy tội của người mớm cung, tội của người ép cung, tội của người dụ cung làm tới đâu rồi? Vụ án rõ ràng có sự sửa đổi hồ sơ, vật chứng, vi phạm về tố tụng. Vi phạm này không phải nạn nhân làm, cũng không phải bị cáo làm, mà là những người đang cầm cái cân công lý làm gây tốn kém tiền của nhân dân hàng chục năm qua…
Để khách quan, tôi đề nghị TANDTC, VKSNDTC và Bộ Công an cho dựng lại hiện trường, có sự chứng kiến của các cơ quan tố tụng, luật sư, báo chí để làm một lần cho rõ trắng đen”./.

Đọc thêm