Kỷ lục khai gian trong vụ kiện thừa kế 1000 lượng vàng

(PLO) - Người đàn ông sau khi chết để lại khối tài sản lớn lên tới 1000 lượng vàng mà không có di chúc. Những người con của vợ trước cho rằng mẹ kế và các em có dấu hiệu tẩu tán hòng chiếm đoạt tiền thừa kế của họ, đệ đơn kiện. Từ đây “cuộc chiến” thừa kế bắt đầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bịa chuyện nợ để cấn trừ tài sản?
Cuối năm 2013. TAND Quận 11(TP.HCM) nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Đăng Khôi về việc “tranh chấp chia di sản thừa kế”. Ông Khôi cho biết cha mẹ ông lấy nhau vào khoảng năm 1968 - 1969, có 3 người con chung. Đến năm 1980 cha mẹ ông ly hôn. Năm 1988, cha ông kết hôn với bà Ngô Thị Lệ Nghiêm, sinh được 2 người con.
Giữa năm 2012, cha ông qua đời, để lại di sản trong khối tài sản chung với bà Nghiêm gồm 2 căn nhà, 8 thửa đất tọa lạc tại quận Bình Tân, tổng số khoảng 36,5 tỉ đồng. Cha ông Khôi chết không để lại di chúc. 
Sau tang lễ chồng, mẹ kế hứa với 3 người con chồng là cho mỗi người 10 lượng vàng (khoảng 360 triệu đồng). Ba người này đồng ý, tuy nhiên sau đó mẹ kế thông báo không có khả năng chi trả số tiền trên.
Mấy tháng sau, bà Nghiêm đứng ra kê khai di sản thừa kế của chồng cho mình và hai người con chung tại phòng công chứng. Rồi trong cùng một ngày là ngày 12/11/2013, bà Nghiêm đã hoàn tất thủ tục sang tên. Chỉ trong vòng 3 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, kê khai thuế, cùng một lúc 9 hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tài sản thừa kế (gồm 1 căn nhà và 8 thửa đất tại quận Bình Tân) cho mẹ và em gái mình.
Đồng thời người mẹ kế công bố  giấy tờ vay nợ của bà và chồng lúc còn sống: Vay mượn mẹ đẻ mình 340 lượng vàng SJC, vay của em 300 lượng vàng SJC, vay của ông cậu 770 lượng vàng SJC; tổng cộng là 1410 lượng tương đương với khoảng 50 tỉ đồng. Như vậy, toàn bộ 9 bất động sản mà bà Nghiêm khai nhận di sản thừa kế từ chồng đã được bán hết để cấn trừ các khoản nợ. Tuy nhiên trong 9 tờ giấy vay nợ (tất cả đều do bà vợ viết ra) chỉ có 3 tờ có chữ ký của người để lại di sản (Đặc biệt người để lại di sản chỉ ký, còn tên của ông là nét chữ của người vợ).
Cho rằng mẹ kế bịa chuyện cha mình nợ như Chúa Chổm để tẩu tán tán tài sản, con riêng của người đã chết kiện ra tòa án. 
Ngày 19/9 vừa qua, TAND Quận 11 đã mở phiên sơ thẩm vụ án dân sự về “tranh chấp chia di sản thừa kế”.
Chủ nợ không nhớ… số vàng cho vay  
Nguyên đơn cho rằng, theo thỏa thuận các bên về tài sản và được Tòa lập biên bản ghi nhận thì tổng số tài sản đã nêu là 36,5 tỉ đồng. Một nửa số tài sản trên của mẹ kế, còn lại là di sản của người đã chết. Ba người con riêng của người đã chết yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật, thành 6 phần bằng nhau, mỗi phần 3,04 tỉ đồng. 
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bên bị đơn xác nhận tổng số tài sản chung của 2 vợ chồng đến lúc người để lại di sản chết là 36,5 tỉ đồng; nhưng nợ chung của hai người đến thời điểm đó là 1410 lượng vàng, tương đương 50 tỉ đồng. Chín hợp đồng mua bán đất đã được cấn trừ nợ vào số tiền của mẹ và em ruột mình nên còn nợ lại ông cậu là 490 lượng vàng. Bị đơn cho biết, nợ do vợ chồng bà gây ra nên bà sẽ tự trả, còn nếu các con chồng “nghĩa hiệp” thì có thể góp tiền để cùng bà trả số nợ trên.
Tuy nhiên, khi HĐXX làm rõ về các khoản vay thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là “chủ nợ” của bị đơn lại rất lúng túng khi giải trình khoản vay của mình.
Đặc biệt mẹ bà Nghiêm, khi HĐXX hỏi số lần cho vay, thời điểm cho vay, số lượng cho vay thì rất lúng túng. Lúc đầu bà này trả lời cho vay lần đầu vào khoảng năm 1981 – 1982. Điều bi hài là lúc đó người để lại di sản chưa lấy bà Nghiêm. Sau khi được người nhà “nhắc nhở”, bà lão “đính chính” lại là “lần đầu năm 1987 - 1988 gì đó tôi không nhớ rõ, lần sau năm vào khoảng 1994 - 1995”. Về số lượng cho vay, bà mẹ vợ, đồng thời là “chủ nợ” cũng không nhớ. Rất khó khăn “chủ nợ” này mới trình bày “cho vay lần đầu 350 lượng, lần 2 là 150 lượng, lần 3 là 50 lượng”. 
Tuy nhiên, con số này hoàn toàn khác với lời khai của bị đơn. Theo bà Nghiêm, năm 1988 bà vay mẹ 50 lượng, năm 1992 vay 250 lượng, năm 2004 vay 150 lượng. Chẳng những thời điểm cho vay, số lượng cho vay hai bên khai khác nhau hoàn toàn, mà tổng số vàng cho vay theo lời khai của hai bên cũng chênh nhau đến 100 lượng vàng (tương đương 3,6 tỉ). Bà mẹ vợ còn khẳng định lần đầu cho con gái và con rể vay vàng SJC, chủ tọa phiên tòa thắc mắc: “Ủa, năm 1988 làm gì đã có vàng SJC”, “chủ nợ” mới lúng túng: “Tôi cũng không nhớ rõ”.
Đại diện VKS hỏi mẹ vợ người đã chết: Tại biên bản lấy lời khai ngày 6/5/2014, bà khai vì là con trong nhà nên không lập biên bản giấy tờ, chỉ ghi sổ tay để nhớ. Nhưng tại phiên tòa hôm nay tại sao con gái bà lại đưa được ra giấy tờ vay nợ, ngày nào vay, vay bao nhiêu, đã trả được bao nhiêu, còn nợ bao nhiêu, có tên và chữ ký của người cho vay rất rõ ràng. Mâu thuẫn này, một lần nữa “chủ nợ” lại không giải thích được.
Kỷ lục khai gian?
Khi HĐXX hỏi nguồn gốc số vàng này, “chủ nợ” trả lời hết sức “hồn nhiên”: “Do chồng đã chết lâu, một mình tôi làm nuôi các con. Tôi làm công nhân cho xí nghiệp 3/2, nhiệm vụ là thu gom củi cho xí nghiệp. Để dành được tiền thì mua vàng”. Nhiều người có mặt trong phiên tòa hôm ấy khi nghe đến đoạn này đã ồ Nghiêmn cười vì sự phi lý: Làm công nhân, công việc là đi kiếm củi cho xí nghiệp nuôi các con mà còn góp được tiền mua mấy trăm lượng vàng thì quả thật đáng kinh ngạc.
Tương tự vậy, em gái của bị đơn cũng cho biết làm công nhân viên chức, phiên dịch viên, vay bạn bè nên cho chị gái vay tới 300 lượng vàng (tương đương 10 tỉ đồng). Ông cậu làm lò gạch cho cháu gái vay đến 770 lượng vàng (tương đương 20 tỉ đồng) nhiều năm trời nhưng chỉ lấy lãi “tượng trưng”. 
Đặc biệt khi HĐXX yêu cầu phía bị đơn nộp giấy nợ bản chính thì bà Nghiêm Nghiêmn nộp tất cả giấy ghi nợ. Chủ tọa phải ngạc nhiên: Để đảm bảo việc người mượn nợ trả tiền, thường người cho vay sẽ giữ giấy vay để làm chứng cứ, nhưng ở đây người nợ lại cầm giấy vay thì thật lạ.
Luật sư của nguyên đơn cũng thắc mắc, trong 3 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất để cấn trừ nợ, đều ghi mỗi hợp đồng trị giá 400 triệu đồng, nhưng số tiền cấn trừ là 513 lượng (tương đương 18 tỉ đồng). Và sau khi đã cấn trừ số nhà, đất trên cho mẹ và em gái nhưng trong các hợp đồng cho thuê những bất động sản này (thu nhập hơn 100/ triệu/ tháng), bà Nghiêm vẫn đứng tên là người “cho thuê”. Phía bị đơn trình bày: “Nếu khai đúng giá trị thì phải đóng thuế cao, nên tôi khai thấp xuống”. Bà Nghiêm cũng cho rằng, việc cho thuê nhà, đất là do mẹ và em gái ủy quyền cho bà giao dịch với bên thuê.
Trong khi bên bị đơn đang “vất vả” giải trình số nợ của mình, thì phía nguyên đơn là ông Khôi, sau khi xem giấy tờ vay nợ bản chính mẹ kế trình Nghiêmn trước tòa, đã khẳng định những chữ ký trên những giấy tờ vay nợ này không phải là chữ ký của cha mình.
Từ những tình tiết người cho vay có lời khai mâu thuẫn, bị đơn nghi ngờ chữ ký của người chết trong giấy vay là giả… nguyên đơn nhận thấy mẹ kế có dấu hiệu làm giả giấy tờ để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản nên yêu cầu chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ. HĐXX sau khi hội ý đã quyết định hoãn để trưng cầu giám định chữ ký của người để lại di sản. “Cuộc chiến” thừa kế giữa mẹ kế và các con chồng chắc chắn sẽ có một kết quả bất ngờ./.

Đọc thêm